Các nước EU có chính sách khác nhau trong việc tiêm vaccine tăng cường

04/10/2021 - 18:55

Tại châu Âu, một số nước đã triển khai tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19, trong khi số khác vẫn chờ đợi khuyến nghị của EMA dự kiến đưa ra trong tuần này.

Nhân viên y tế tiêm vaccine ngừa COVID-19 cho người dân ở Cologne, Đức. (Ảnh: Getty Images/TTXVN)

Các nước thuộc Liên minh châu Âu (EU) đang có những chính sách khác nhau về việc tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNTech cho người trên 16 tuổi trong bối cảnh Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) vẫn chưa "bật đèn xanh" cho vấn đề này.

Một số nước đã triển khai tiêm mũi tăng cường, trong khi số khác vẫn chờ đợi khuyến nghị của EMA dự kiến đưa ra trong tuần này.

Pháp, Italy, Đức và Ireland đã bắt đầu triển khai chiến dịch tiêm mũi tăng cường vaccine ngừa COVID-19. Italy đã bắt đầu tiêm mũi bổ sung cho người có sức đề kháng kém, người cao tuổi và các nhân viên y tế, tổng số lên tới khoảng 9 triệu người.

Ngược lại, Hà Lan dự kiến chỉ triển khai tiêm mũi tăng cường với những đối tượng suy giảm miễn dịch gồm khoảng 400.000 người. Đan Mạch dự định tiêm mũi tăng cường cho nhân viên y tế và người trên 65 tuổi nếu EMA phê duyệt việc tiêm mũi tăng cường.

Trong khi đó, Thụy Sĩ cho biết sẽ không triển khai tiêm mũi bổ sung vì chưa thấy tác dụng bảo vệ của vaccine suy giảm theo thời gian, nhưng sẽ vẫn theo dõi sát sao dữ liệu.

Việc tiêm mũi vaccine tăng cường cũng bộc lộ sự chia rẽ ngay trong nội bộ các nước. Giới chức y tế liên bang và khu vực của Đức đã bày tỏ lo ngại về tiến độ tiêm chủng chậm chạp và ủng hộ tiêm mũi bổ sung cho phần lớn dân số.

Tuy nhiên, Ủy ban Tiêm chủng thường trực (STIKO) của Đức chỉ ủng hộ tiêm mũi tăng cường cho người bị suy giảm miễn dịch, chẳng hạn như bệnh nhân ung thư hoặc những người được cấy ghép nội tạng. Ủy ban này cũng cho biết đang xem xét mở rộng sang các nhóm khác và dự kiến sẽ đưa ra đề xuất trong những tuần tới.

Những động thái trên cho thấy các cách tiếp cận khác nhau giữa các nước thành viên tại một trong những khu vực giàu có nhất thế giới. Bức tranh này cũng làm nổi bật sự thiếu đồng thuận giữa các nhà khoa học, trong bối cảnh các chính phủ vẫn đang nỗ lực nhằm vực dậy các nền kinh tế bị tàn phá do dịch COVID-19.

Trung tâm Phòng chống và kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC) ngày 30/9 vừa qua nhận định rằng tỷ lệ tiêm chủng của khu vực vẫn còn quá thấp khi chỉ 61% dân số châu Âu được tiêm đủ liều vaccine và điều này có nguy cơ khiến số ca mắc, nhập viện và tử vong vì COVID-19 tăng mạnh trong 6 tuần tiếp theo.

Chỉ 3 nước Malta, Bồ Đào Nha và Iceland có lượng người tiêm vaccine vượt ngưỡng 75% dân số, trong khi số người đã tiêm chủng ở Bulgaria chưa tới 25% tổng dân số.

Tuy nhiên, giới chức y tế cho tới nay vẫn chưa xác định được mức độ cần thiết của mũi tiêm tăng cường, cũng như chưa có đầy đủ dữ liệu về nguy cơ và lợi ích. Việc EU đẩy mạnh chiến dịch tiêm mũi tăng cường cũng sẽ khuấy động những tranh cãi vốn có về vấn đề tích trữ vaccine ở các nước giàu.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) trước đó đã kêu gọi các quốc gia hoãn việc tiêm mũi tăng cường cho người dân trong bối cảnh còn nhiều người trên thế giới chưa được tiêm mũi đầu tiên.

Cùng ngày, Israel thông báo sẽ chỉ cấp "thẻ xanh" cho những người đã tiêm 3 mũi vaccine hoặc mới hồi phục sau khi mắc COVID-19, thay thế cho hệ thống cũ chỉ yêu cầu tiêm 2 mũi. Người được cấp "thẻ xanh" được vào các nhà hàng, phòng tập thể thao và những địa điểm khác.

Israel là một trong những nước đầu tiên triển khai tiêm mũi thứ ba vaccine ngừa COVID-19 của hãng Pfizer/BioNtech cho các nhóm nguy cơ cao vào hồi tháng 7 và sau đó áp dụng cho tất cả những người trên 12 tuổi.

Khoảng 37% trong tổng dân số của Israel đã tiêm mũi bổ sung. Số bệnh nhân COVID-19 phải nhập viện trong tình trạng nặng tại nước này đã giảm trong những ngày gần đây, trong khi số ca nhiễm mới trong ngày giảm xuống dưới mức 4.000 so với mốc 10.000 ca/ngày vào tháng trước.

Theo HOÀNG CHÂU (TTXVN)