Các đội tuyển thể thao Việt Nam thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch COVID-19. Ảnh: VFF
Thông tin về kế hoạch chuẩn bị ban tổ chức SEA Games 31, trong đó đặc biệt là kế hoạch về phòng, chống dịch COVID-19, Nguyễn Văn Phú - Phó trưởng Tiểu ban y tế và kiểm tra doping, cho biết: Tính tới thời điểm hiện tại, Bộ Y tế, Tổng cục Thể dục Thể thao (TDTT) và Tiểu ban y tế và kiểm tra doping đã xây dựng các kịch bản, kế hoạch chi tiết phù hợp với các cấp độ dịch ở từng thời điểm. Tuy nhiên, tất cả các phương án còn phải căn cứ vào tình hình thực tế tại Việt Nam cũng như các quốc gia tham dự Đại hội ở thời điểm diễn ra sự kiện vào tháng 5, để phân loại và điều chỉnh sao cho phù hợp.
Trước những diễn biến khó lường của dịch COVID-19, nhất là khi biến chủng mới Omicron có tốc độ lây lan nhanh, nên các biện pháp phòng chống dịch sẽ được áp dụng ở mức cao nhất. Tất cả VĐV, HLV, thành viên các đoàn thể thao của các quốc gia tham dự SEA Games 31 đều sẽ phải tuân thủ chặt chẽ kế hoạch mà ban tổ chức đưa ra.
Cụ thể, theo đề xuất của Bộ Y tế cũng đã được ban tổ chức nhất trí, các nội dung phòng chống dịch COVID-19, quy định bắt buộc đối với quan chức, cán bộ, VĐV của các đoàn thể thao phải đảm bảo các yêu cầu: Có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR/RT-LAMP trong vòng 72 giờ trước khi nhập cảnh vào Việt Nam và có chứng nhận xét nghiệm do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia thực hiện cấp. Thành viên các đoàn thể thao cũng cần có giấy chứng nhận tiêm đủ liều vaccine phòng COVID-19 hoặc giấy xác nhận đã từng bị nhiễm SARS CoV-2. Cùng với đó, thành viên các đoàn thể thao cũng cần có giấy chứng nhận bảo hiểm y tế quốc tế còn hiệu lực hoặc cam kết chi phí điều trị của quốc gia cử tham dự hoặc ban tổ chức trong trường hợp người nhập cảnh bị COVID-19.
Ngoài các yêu cầu nêu trên, còn có các quy định cụ thể về thủ tục nhập cảnh; lấy mẫu xét nghiệm SARS CoV-2 cho cán bộ, VĐV của các đoàn tham dự Đại hội; bố trí nơi cư trú của các đoàn; phương tiện đưa đón; các phương án xử trí khi người tham dự các hoạt động SEA Games 31 mắc hoặc nghi ngờ mắc COVID -19 cũng đã được ban tổ chức lên phương án thực hiện.
Trong đó, Ban Tổ chức tiếp tục đề nghị Bộ Y tế cụ thể về từng nội dung trong các phương án phòng, chống COVID-19. Đơn cử như việc yêu cầu khai báo y tế đối với các VĐV, thành viên các đoàn cần cụ thể khai báo nội dung gì. Bộ Y tế cũng cần cung cấp biểu mẫu cho Trung tâm điều hành để triển khai thực hiện.
Ông Nguyễn Trọng Khoa - Phó Cục trưởng Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế) cho biết: Hiện nay, dịch bệnh vô cùng phức tạp, nhất là sự xuất hiện biến chủng mới khiến cho công tác phòng chống dịch COVID-19 càng khó khăn hơn. Công tác y tế tại SEA Games 31, việc đảm bảo an toàn về dịch bệnh được xác định là nhiệm vụ khó khăn, phức tạp, cần phải có sự phối hợp đồng bộ, chặt chẽ giữa các cơ quan. Việc bảo vệ an toàn cho các VĐV - đối tượng trực tiếp tham gia thi đấu là ưu tiên hàng đầu. Chính vì vậy, việc bố trí xét nghiệm làm sao thuận tiện, hiệu quả, mô hình tổ chức ăn ở, di chuyển, thi đấu cũng phải được quy định cụ thể.
Bên cạnh đó, cần có phương án bảo vệ cả những đối tượng tham gia phục vụ tại SEA Games như: Nhân viên khách sạn, lái xe đưa đón các đoàn, tình nguyện viên… Các quy định đối với đối tượng là tình nguyện viên, phóng viên báo chí, người phục vụ… ngoài yêu cầu 5K, Ban Tổ chức cũng yêu cầu cần có quy định riêng cụ thể cho đối tượng này như thế nào khi tham gia phục vụ tại Đại hội. Việc xét nghiệm COVID-19 cho các đối tượng này cần được tính toán kỹ lưỡng để công tác sàng lọc được an toàn, chính xác và kịp thời phát hiện, khoanh vùng không để dịch có nguy cơ bùng phát, lây lan…
Đặc biệt là vấn đề xử trí như thế nào khi VĐV, quan chức, thành viên các đoàn bị nghi nhiễm hoặc nhiễm COVID-19 (vấn đề cách ly, điều trị ở đâu, chi phí như thế nào…) cũng sẽ có phương án chi tiết để thông tin tới các đoàn tham dự Đại hội.
Theo Báo Tin Tức