Người dân Italy tham gia sự kiện “Flashmod âm nhạc” trên ban công nhằm thể hiện tinh thần đoàn kết quyết tâm đẩy lui dịch bệnh COVID-19 tại Rome ngày 13-3. Ảnh: AFP/TTXVN
Các trang chuyên về thông tin tích cực vì thế phát triển mạnh trong vài tuần trở lại đây. Và các lệnh tìm kiếm trên Google với những từ khóa như “tin tích cực” đã tăng gần gấp 5 lần kể từ đầu năm 2019.
Theo Tổng biên tập Geri Weis-Corbley, nhà sáng lập mạng tin Good News Network ra đời vào khoảng những năm cuối thập niên 90 của thế kỷ trước, số lượt truy cập mạng tin này tăng gấp 3 lần trong tháng qua với hơn 10 triệu lượt "ghé thăm". Bà cho biết mọi người gửi cho mạng này nhiều đường link về các thông tin tích cực, những hành động khơi dậy niềm cảm hứng diễn ra xung quanh họ, trong thành phố, bang nơi họ sinh sống. Nhờ đó, mạng tin càng có nhiều nguồn hơn để chia sẻ với tất cả các khách hàng truy cập.
Good News cũng từng chứng kiến làn sóng truy cập tương tự sau các cuộc tấn công khủng bố tại Mỹ hôm 11/9/2001 hay khi thế giới rơi vào cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu một thập kỷ trước.Theo Tổng biên tập Geri Weis-Corbley, mọi người hiện đang rất “khát” thông tin tích cực và xu hướng sẽ còn kéo dài.
Trong khi đó, người phát ngôn chuyên trang điện tử của CNN mang tên “The Good Stuff”, ra đời năm 2019, cho biết lượng đăng ký theo dõi trang tăng 50% trong tháng qua. Người đọc ngày càng quan tâm tới các thông tin hài hước, vui vẻ, những phát hiện thú vị hay các câu chuyện về những nhân vật đặc biệt trong cuộc sống thường nhật, truyền cảm hứng và những thứ tuyệt vời diễn ra trên thế giới.
Diễn viên John Krasinski cũng đóng góp những thông tin tích cực trên chương trình video hằng tuần phát trên mạng chia sẻ video YouTube “Some Good News”. Chương trình được phát từ ngày 29/3, tập trung đưa các câu chuyện truyền cảm hứng, có cả những video tri ân những nhân viên y tế mà anh gọi là “người hùng”. Các video của anh cũng có sự góp mặt của nhiều người nổi tiếng như diễn viên Emily Brunt, vợ của anh. Tập đầu tiên đã thu hút tới 15 triệu lượt xem.
Nhận định về xu hướng này, Giáo sư Stuart Soroka, Viện Nghiên cứu xã hội thuộc Đại học Michigan (Mỹ), cho rằng con người thường chú ý nhiều hơn tới các thông tin tiêu cực vì nó có thể khiến họ thay đổi hành vi. Nhưng trong thời kỳ khủng hoảng, con người sẽ tìm tới những thông tin khác với những gì họ có thể bắt gặp hằng ngày và vì thế mọi người tìm đến những câu chuyện tích cực.
Trong khi đó, Giáo sư Ashley Muddiman, Trung tâm Nghiên cứu truyền thông tại Đại học Kansas, cho rằng thông tin tích cực là một cách để con người có thêm tinh thần, nghị lực đối diện với khủng hoảng. Theo giáo sư, nhiều nghiên cứu đã chỉ ra khi mọi người trở nên quá sợ hãi hoặc quá tiêu cực về một vấn đề gì đó, họ sẽ ngừng lại thay vì tiếp tục theo đuổi. Mọi người muốn tìm kiếm các giải pháp và xem những người khác đang tìm giải pháp hơn là ngồi tranh cãi. Và những thông tin tích cực có thể mang đến những điều này.
Theo LÊ ÁNH (Báo Tin Tức)