Cử tạ vốn được coi là “cỗ máy huy chương” của thể thao Thái Lan tại các kỳ Olympic. Ảnh: AFP
Quyết định cấm cử tạ Thái Lan và Malaysia thi đấu tại tất cả các sự kiện cử tạ bao gồm cả Thế vận hội mùa hè tại Nhật Bản (theo lịch thay đổi từ 23-7 đến 8-8-2021 do sự lan rộng của dịch bệnh COVID-19) được Liên đoàn cử tạ thế giới (IWF) đưa ra hôm 4-4.
Liên đoàn cử tạ Thái Lan (TAWA) bị IWF tước bỏ tư cách thành viên trong 3 năm và nhận thêm án phạt 200.000 USD vì đã để xảy ra số vụ sử dụng doping trong thời gian gần đây.
Trong vòng 21 ngày, Liên đoàn cử tạ Thái Lan và Malaysia có quyền kháng án trước quyết định của IWF tại Tòa án trọng tài thể thao (CAS).
Trước đó, tại SEA Games 30 nước chủ nhà Philippines cũng đã không cho cử tạ Thái Lan tham dự do những rắc rối của cử tạ Thái Lan với IWF và IOC.
Chỉ trong năm 2019, có tới 8 trường hợp vận động viên cử tạ Thái Lan bị phát hiện dương tính với chất cấm doping thi đấu tại hệ thống các giải vô địch thế giới bao gồm các giải đấu tại Đức và Turkmenistan. Trong số đó có 2 trường hợp là các vận động viên cựu vô địch Olympic.
Cử tạ Thái Lan từng dính dáng đến sử dụng doping năm 2011 khi có tới 7 VĐV cử tạ trẻ bị cấm thi đấu khi có kết quả kiểm tra dương tính. Tháng 8-2019, trước những vụ việc sử dụng doping bị phát giác, TAWA đã xin tự rút lui khỏi các sự kiện thể thao lớn, trong đó có Olympic Tokyo 2020.
Tháng 1-2020, toàn bộ ban lãnh đạo liên đoàn cử tạ Thái Lan xin từ chức ngay sau khi một kênh truyền hình Đức cho đăng tải tài liệu sử dụng doping trong thế hệ cử tạ trẻ ở xứ chùa Vàng.
Với trường hợp của Liên đoàn cử tạ Malaysia (MWF) sẽ bị cấm thi đấu 1 năm. Lệnh cấm chỉ có thể được xem xét lại sớm nhất là 1-10-2020.
Theo MINH TUỆ ( Báo Tin tức)