Luôn nằm trong tốp 10 theo dõi của trang Netflix Việt Nam, bên cạnh những phim "bom tấn" tình cảm, kinh dị, "Reply 1988" của Hàn Quốc là chủ đề bàn luận của nhiều diễn đàn phim ảnh trong thời điểm hiện tại. Cho đến nay, bộ phim truyền hình đối thoại với quá khứ này vẫn duy trì sức nóng của mình dù phát sóng tập cuối cùng từ 5 năm trước.
Ký ức vọng về
Ra mắt năm 2015, "Reply 1988" có thể xem là phần thứ 3 trong loạt phim mang thương hiệu "Reply" của đài TVN. Sau "Reply 1997" (2012) và "Reply 1994" (2013). Bộ phim "Reply 1988" không chỉ đưa thương hiệu "Reply" thoát khỏi lời nguyền phần tiếp theo mà còn góp phần mở ra xu hướng làm những bộ phim hoài niệm, lấy bối cảnh quá khứ. "Reply" không chỉ trở thành hiện tượng chóng vánh mà còn trở thành loạt phim để lại dấu ấn sâu đậm trong lòng khán giả. Đặc biệt là "Reply 1988" có thể xem như "modern classic" của phim truyền hình Hàn Quốc.
Cảnh trong phim “Reply 1988”. Ảnh : NETFLIX
Ba bộ phim "Reply" có kịch bản nhẹ nhàng, giản dị, chủ yếu xoay quanh mối quan hệ bạn bè, hàng xóm, trường lớp của những đôi bạn thân thiết. Mỗi tập phim cũng không có quá nhiều kịch tính nhưng vẫn đủ sức thu hút khán giả. Chính nhờ bởi, như nhiều khán giả ví von, bộ phim là "cổ máy thời gian" để đưa người xem về lại tuổi thơ, một chốn bình yên của quá khứ, đánh thức những kỷ niệm mà chính mình tưởng chừng đã lãng quên.
Nếu như "Reply 1997" vẫn còn là tương lai gần, thời mới manh nha internet, các phòng chat, khi thế hệ đầu tiên của làn sóng Hallyu, đang chập chững tạo nên ngành công nghiệp K-pop hùng mạnh như ngày nay. Đến "Reply 1988" thì thời gian đã lùi về thuở con người chưa biết thế nào là internet, không điện thoại thông tin… Nơi tình làng nghĩa xóm được coi trọng, nơi những không cần phải "like share" từng dòng trạng thái của nhau nhưng thật sự quan tâm, ở cạnh nhau qua những thăng trầm của thời đại mình đang sống.
Đối thoại với quá khứ
Xem từng phần trong loạt phim "Reply" giống như đọc một cuốn sách giở ngược. Lớp lớp trầm tích thời gian hiện ra với những cảnh, những người ngỡ tưởng chỉ là chuyện hôm qua mà đã xa xôi lắm rồi. Từ 1988 đến nay, thật ra chỉ mới hơn 30 năm. Trong 30 năm đó, văn minh con người đã tiến xa đến mức thời điểm quá khứ đó vẫn còn chưa nghĩ đến. 30 năm đó, thế giới xung quanh những con người bé nhỏ kia cũng đã thay đổi, chiến tranh, thiên tai, dịch bệnh mà nếu ngày xưa họ có nghĩ đến hôm nay, chắc cũng chỉ như nghĩ về một bộ phim viễn tưởng.
Nhưng nếu chỉ xem phim vì mục đích hoài niệm thì chắc hẳn khán giả có thể tìm về những bộ phim được sản xuất từ thời đó, với bối cảnh thật. Cũng giống như tên gọi "Reply", loạt phim là lời hồi đáp giữa hiện tại và quá khứ, là cái nhìn của thời đại hôm nay về thời đại trước. Dầu cuộc sống còn khó khăn, nghèo nàn, lạc hậu, những con người trong quá khứ ấy vẫn sống đầy ắp tình người. Thử hỏi nếu không có hy sinh đánh đổi của thế hệ đi trước, thì liệu rằng thế hệ hôm nay có được cuộc sống tốt đẹp?
Vì lẽ đó, dù làm để gợi nhớ về thời quá khứ thì dòng phim "Reply" vẫn cho thấy rằng nó phù hợp với thời nay. Con người ở thời đại nào cũng có những ưu tư rất giống nhau. Để thấy cuộc sống của hiện tại không đứt lìa với quá khứ mà nối kết nhau bằng sợi chỉ lịch sử.
Hướng đi tốt cho phim Việt
Năm 2018, khi làm lại phim "Tháng năm rực rỡ" từ kịch bản phim "Sunny" (2011) của Hàn Quốc, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng vấp phải nhiều ý kiến trái chiều. Nhưng cuối cùng, "Tháng năm rực rỡ" vẫn là một trong những phim có doanh thu phòng vé cao ở Việt Nam.
Gần đây có phim "Mắt biếc", một hiện tượng phòng vé khác, cũng gặt hái được thành công tương tự, không chỉ nhờ chuyển thể từ truyện dài cùng tên của Nguyễn Nhật Ánh mà còn bởi khung cảnh quá khứ vừa gần gũi vừa lạ lẫm có sức hút với phần đông khán giả trẻ đến rạp.
Riêng trên sóng truyền hình gần đây, khán giả được xem bộ phim reply Việt Nam khá hấp dẫn "Thương nhớ ở ai" của đạo diễn Lưu Trọng Ninh, do anh chuyển thể thành kịch bản phim truyền hình dài tập từ tiểu thuyết "Bến không chồng" của Dương Hướng.
Không chỉ trên phim, các chương trình trên màn ảnh nhỏ có nội dung hoài niệm quá khứ như "Ký ức vui vẻ", "Quán thanh xuân" của VTV hay "Vang bóng một thời" của THVL... cũng rất được công chúng quan tâm, thích thú, bởi ý nghĩa nhân văn.
Mấy năm vừa qua, phong trào hoài cổ, tìm về những giá trị ngày trước như những hoài niệm không gian sống, cách ăn mặc của người Sài Gòn xưa hay thời bao cấp nhiều buồn vui ở Hà Nội... phát triển mạnh là nền tảng tốt để các nhà làm phim điện ảnh lẫn truyền hình mạnh dạn đi sâu vào khai thác những bộ phim thuộc dòng "hoài cổ" này.
Nếu các phim truyền hình chuyển thể từ tiểu thuyết của Hồ Biểu Chánh vẫn phủ sóng thời gian qua, chủ yếu gợi lên không gian sinh hoạt, văm hóa của người dân Nam Bộ xưa thì thập niên 1980, 1990 vẫn còn là không gian phim lý tưởng để thực hiện dòng phim này. Nhiều bối cảnh, không gian sinh hoạt thời đó vẫn còn được giữ đến hôm nay là điều kiện thuận lợi cho các nhà làm phim.
Tuy vậy, thành công của phim hoài niệm đến từ sự chăm chút chi tiết, lẫn những sự kiện văn hóa lịch sử được đề cập một cách khéo léo tinh tế, không thể qua loa mà thành được. Nhưng điều đó cũng là thử thách, tạo niềm hứng khởi cho những nhà làm phim Việt Nam của ngày hôm nay.
Theo CHUNG BẢO (Người Lao Động)