Cảm thương người phụ nữ bị di chứng hậu COVID-19

25/01/2022 - 06:26

 - Thời khắc nguy hiểm khi nhiễm COVID-19 đã đi qua, nhưng di chứng mà căn bệnh để lại vô cùng dai dẳng. Người không may chịu đựng di chứng ấy là bà Trần Thị Cai (sinh năm 1957, ngụ ấp Bình Phú, xã Bình Phước Xuân, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang), rất cần sự chia sẻ, giúp đỡ từ cộng đồng.

Bà Trần Thị Cai

Hôm chúng tôi đến thăm, vẫn như mỗi ngày, tay và chân bà thay phiên nhau co giật, rung lắc kể từ khi điều trị khỏi COVID-19 (khoảng 2 tháng nay). Người chăm sóc hàng ngày cho bà Cai là con gái Nguyễn Thị Hương (42 tuổi). Bà Hương cho biết: “Vừa phục hồi bệnh, ban đầu mẹ tôi còn đi đứng, sinh hoạt, làm việc nhà được. Rồi mẹ than chóng mặt, tay chân run rẩy, không đứng vững và nằm một chỗ đến nay. Tay, chân mẹ tôi cứ rung lắc suốt ngày đêm, kèm theo những cơn co giật, thở gấp, mệt mỏi, không ngủ được. Mỗi ngày, tôi kề cận chăm sóc, thấy mẹ than mệt, đau đớn toàn thân, tôi muốn đưa mẹ trở lại bệnh viện để tái khám. Nhưng mỗi lần muốn đi, nhìn lại trong túi không được mấy đồng, tôi ngậm ngùi từ bỏ ý định”.

Bà Cai tần tảo nuôi 3 người con lần lượt nên người. Vậy mà đến lúc mẹ già, đau bệnh, mỗi người mỗi cảnh, không thể lo lắng cho mẹ được chu toàn. Bản thân bà Hương có con nhỏ, bôn ba mưu sinh nhiều nơi để có tiền chăm con, thi thoảng dành dụm ít tiền gửi về cho mẹ. Mấy tháng dịch COVID-19 hoành hành, việc ít, bà xoay sở khó khăn. Đến khi bớt dịch, mẹ, chị và em đều đau bệnh, bà Hương nhanh chóng trở về chăm sóc mẹ.

Ánh mắt buồn bã, bà Hương chia sẻ thêm: “Tôi còn người chị Nguyễn Thị Yến (44 tuổi), hôn nhân không hạnh phúc, chị đưa 2 con về nhà nương náu mẹ. Ngày ngày, chị rong ruổi bán vé số khắp đầu trên xóm dưới, mong có thể lo được bữa ăn, tiền học cho 2 đứa con nhỏ. Mấy năm gần đây, chị mắc bệnh tiểu đường, đi bán vé số gặp cảnh trưa nắng thì hay mệt, lại thêm tình cảnh dịch bệnh, công việc chị càng khó khăn hơn”.

Gia đình của bà Cai còn có một mảnh đời bất hạnh khác là người con trai đang sống cùng căn bệnh suy thận mãn. Đó là anh Nguyễn Văn Hạnh (34 tuổi). Suốt 10 năm nay, anh Hạnh dù mệt mỏi nhưng ít khi dám nghỉ việc. Bởi khi nghỉ rồi, anh không biết lấy tiền đâu để lo cho bữa cơm gia đình và chi phí chạy thận (3 lần/tuần) tại bệnh viện. Kém may mắn hơn, người vợ đầu ấp tay gối không muốn đồng hành cùng anh vượt qua khó khăn. Ngay khi vừa sinh được bé trai đầu lòng, vợ anh dứt áo ra đi, để con nhỏ lại cho anh, mẹ và các cô cùng nhau xoay xở.

Bà Nguyễn Thị Mỹ Linh (hàng xóm) chia sẻ thêm về tình cảnh gia đình bà Cai: “Cuộc đời chị Cai đáng thương lắm! Chị luôn cố gắng làm lụng để nuôi các con nên người, rồi lần lượt chăm lo cho các cháu. Nay trong cơn dịch COVID-19, chị ấy được điều trị khỏi bệnh, nhưng phải chịu đựng di chứng nặng nề, tay chân ngày đêm co giật, rung lắc. Mỗi lẫn sang thăm nhà, tôi nhìn mà xót, cố gắng vận động chòm xóm xung quanh đóng góp, hỗ trợ để gia đình vượt qua khó khăn”.

Trưởng ban Công tác mặt trận ấp Bình Phú Phan Hồng Tươi cho biết: “Mặc dù gia đình rất muốn đưa bà Cai đến bệnh viện để điều trị, nhưng do hoàn cảnh quá khó khăn nên đến nay vẫn để bà nằm nhà chịu trận.

Hiện, chị Yến không thể đi bán vé số, anh Hạnh kiệt quệ sức khỏe, bà Cai nằm một chỗ. Mọi chi phí sinh hoạt, thuốc men của 4 người lớn và 4 cháu nhỏ trong nhà đều trông chờ vào hàng bún và quầy nước giải khát của bà Hương trước nhà. Thấu hiểu tình cảnh khó khăn của gia đình, địa phương đã vận động gạo, hàng xóm hỗ trợ thực phẩm thời gian qua. Tuy nhiên, về lâu dài, chúng tôi rất mong tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ để bà Cai được điều trị kịp thời, giúp đỡ anh Hạnh có thêm chi phí chạy thận để kéo dài sự sống”.

Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội - Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang. Khi chuyển khoản, bạn đọc cần ghi rõ họ tên người được hỗ trợ.

NGỌC GIANG