Từ một đoạn nhạc được nam diễn viên hài Lê Dương Bảo Lâm chế từ 4 năm trước, bỗng nhiên trở thành một “viral” (sự lan tỏa) trên các nền tảng xã hội, thu hút hàng triệu lượt xem và hát lại, đang gây hoang mang cho nhiều phụ huynh và các em nhỏ. Những phụ huynh thường xuyên để con chơi TikTok cho vui, nay phải ngỡ ngàng với nội dung ca từ của bài hát rất vô nghĩa, phản cảm, làm lệch lạc tính cách các nhân vật truyện tranh doreamon, bộ truyện tranh nổi tiếng gắn liền với trẻ thơ cả thế giới.
Nhiều khán giả còn bình luận: “Nghe vui mà, có chi đâu cần ra vẻ khó khăn”. Thế nhưng, đó là với người lớn, họ dễ dàng lãng quên ngay, còn với trẻ con, sẽ gây tác hại đến tâm hồn và cách sống của trẻ. Sự phân biệt giàu nghèo, sự lệch lạc về giới tính, vấn đề về tình yêu, hôn nhân dần dần len lỏi vào đầu óc của những đứa trẻ non nớt.
Trước nhạc chế doreamon, bản nhạc mới của Sashimi do Chipu thể hiện cũng nhận về nhiều ý kiến trái chiều vì những lời lẽ thô, gợi mở về vấn đề tế nhị, kèm theo vũ điệu phản cảm nhanh chóng lan truyền trên các trang mạng xã hội. Vấn đề đặt ra chính là trẻ con chưa biết cách tự bảo vệ bản thân trước những sản phẩm âm nhạc mà không phải là âm nhạc, không chú trọng nội dung, đảm bảo giá trị nghệ thuật, văn hóa, trong khi người lớn lơ là với những thói quen xem điện thoại, không kiểm soát nội dung xem của con là gì. Thậm chí, phụ huynh còn tập tành cho con ca múa, nhảy hát theo những “trend hot” (xu hướng mới) trên mạng xã hội.
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung bức xúc bày tỏ về vấn đề nhạc chế, nhạc “bẩn” xuất hiện trên truyền hình, trên mạng xã hội. Nhạc sĩ Nhật ký của mẹ viết: “Ngày xưa, những bài nhạc chế nội dung nhảm nhí chỉ xuất hiện trên miệng học sinh hoặc được diễn ở hội chợ. Nhưng bây giờ, nó lên các gameshow truyền hình, thậm chí trong chương trình về âm nhạc, các sân khấu biểu diễn. Đối với tôi, đó là sự phỉ báng âm nhạc”. Thực tế, nhạc chế không phải bây giờ mới xuất hiện ở V-pop. Cùng tốc độ phát triển của internet, nhạc chế đã và đang được đăng tải tràn lan trên mạng xã hội. Tuy nhiên, giới chuyên môn cho rằng, điều đáng lo ngại là nhạc chế đang có mặt trên các chương trình truyền hình. Theo nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung cùng nhiều khán giả, nhạc chế ảnh hưởng xấu đến xã hội, sự phát triển của lớp trẻ và truyền hình, do vậy không nên lan truyền văn hóa đó.
PGS.TS Nguyễn Thị Mỹ Liêm (Khoa Âm nhạc, Đại học Sài Gòn) cho rằng: “Một trong những nguyên nhân trẻ con ngày nay thích nghe và hát nhạc người lớn là do âm nhạc giáo dục, dành cho thiếu nhi ngày càng khan hiếm, trong khi các chương trình biểu diễn âm nhạc người lớn do thiếu nhi biểu diễn như gameshow “Giọng hát Việt nhí”, “Đồ Rê Mí” lại không thiếu. Sự lạm dụng của các nhà làm gameshow đã tạo nên trào lưu trẻ em tập hát và biểu diễn ca khúc của người lớn, làm trẻ em không còn giữ được sự hồn nhiên, tình cảm mộc mạc, tâm tư đúng với lứa tuổi. Cùng với đó là sự cổ xúy, hưởng ứng của người lớn khi nghe con trẻ tập hát, thuộc được bài hát người lớn. Trong khi đó, các bài hát người lớn lại thể hiện tình cảm thê lương, cách ứng xử khi yêu hoặc chia tay kém duyên, kém văn minh, dễ làm cho trẻ học theo từng ngày”.
Theo GS.TS Hồ Sĩ Quý (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam), vấn đề rất quan trọng mà xã hội hiện đại đang thiếu, đó chính là hệ giá trị. Hệ giá trị con người Việt Nam là gì, điều đó vẫn chưa được xác định cụ thể, kế đến là hệ giá trị gia đình, hệ giá trị văn học - nghệ thuật hiện đại. Bởi lẽ, chỉ có xác định đúng hệ giá trị, nghệ sĩ mới có thể định hướng đúng đắn cho phong cách và nội dung sáng tạo của từng tác phẩm, đặc biệt những sản phẩm là món ăn tinh thần cho mọi người như là âm nhạc. Những tác động của âm nhạc trên mạng xã hội có thể tạo ra giá trị về giáo dục đạo đức xã hội, nâng cao đời sống tinh thần của người dân và thúc đẩy con người biết yêu thương, hăng hái lao động, sáng tạo. Nhưng những sản phẩm âm nhạc chưa tốt sẽ tác động, làm lệch lạc nhận thức, thẩm mỹ hay tạo nên khuynh hướng lệch chuẩn trong văn hóa ứng xử”.
Thiết nghĩ, cùng với sự định hướng sáng tác cho văn nghệ sĩ, cơ quan chức năng cần mạnh dạn xử lý nghiêm, cắt sóng, xử phạt những ca khúc nhạc chế, nhạc dung tục, phản cảm, nội dung hướng đến gợi dục, bạo lực, tự tử, cổ vũ lối sống lệch lạc trong xã hội… Bảo vệ quyền trẻ em không chỉ là phòng, chống bạo lực, tai nạn, xâm hại mà còn quyền được thụ hưởng những giá trị văn hóa tốt đẹp, những sản phẩm âm nhạc lành mạnh. Trước khi có những giải pháp đồng bộ, quyết liệt của ngành chức năng, hơn ai hết, phụ huynh hãy là người bảo vệ con trước tiên, hãy tạo cho con “sức đề kháng” để nhận diện, từ chối những bản nhạc chế, nhạc vô bổ.
NGỌC GIANG