Cán bộ, đoàn viên Phú Tân thi đua lao động, sáng tạo

13/02/2020 - 07:43

 - Với điều kiện thực tế của địa bàn vốn ít doanh nghiệp (DN), khó tập hợp đoàn viên, người lao động (NLĐ), huyện Phú Tân (An Giang) linh hoạt chọn lựa những thế mạnh riêng để phát triển phong trào thi đua. Trong đó, phong trào lao động giỏi, lao động sáng tạo là một trong những nội dung được duy trì thường xuyên và liên tục qua các năm.

Các hoạt động chăm lo đời sống và giáo dục pháp luật được đưa vào công ty Vỹ Thịnh

Phong trào được phát động gắn với việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh và cuộc vận động xây dựng người cán bộ, công chức, viên chức “Trung thành, trách nhiệm, liêm chính, sáng tạo”, “Cán bộ công đoàn tiêu biểu”. Mỗi công đoàn cơ sở (CĐCS) đều đăng ký thi đua gắn với nhiệm vụ công tác thường xuyên của cơ quan, đơn vị.

Giai đoạn 2018-2019 đã xuất hiện nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo được các CĐCS đúc kết. Điển hình như mô hình tiết kiệm nhận đỡ đầu học sinh hoàn cảnh khó khăn của các CĐCS trường học, hàng năm đã giúp đỡ cho hàng trăm em học sinh có điều kiện đến trường, góp phần hạn chế tình trạng học sinh bỏ học.

Cụ thể, nội dung thi đua “Lao động giỏi, lao động sáng tạo” trong các DN có nhiều cá nhân được bình chọn là công nhân lao động giỏi, trong đó có 3 cá nhân được UBND tỉnh tuyên dương về thành tích có nhiều sáng kiến cải tiến kỹ thuật trong hoạt động sản xuất.

Ở khối hành chính sự nghiệp, phong trào này cũng được phát triển mạnh mẽ với 2 đề tài nghiên cứu khoa học, 6 sản phẩm khoa học - kỹ thuật đạt giải cấp tỉnh và 998 sáng kiến kinh nghiệm đạt giải cấp huyện.

Nổi bật trong lĩnh vực công nghệ thông tin có thiết bị “Dụng cụ khóa SIS” của thầy Nguyễn Hữu Chí, thiết bị báo gas thông minh của thầy Trần Thanh Nghị (Trường THCS Chợ Vàm); bộ dụng cụ tưới cây hẹn giờ thông minh của thầy Đỗ Hoài Nam (Trường THCS Long Hòa). Lĩnh vực hành chính có sáng kiến “Nâng cao hiệu quả công tác phối hợp quản lý thu trong lĩnh vực đất đai” của chị Nguyễn Thị Thanh Thủy (Chi cục Thuế huyện).

Lĩnh vực sản xuất - kinh doanh có sáng kiến “Quy trình làm việc của nhân viên KCS” của anh Lâm Trần Thế Nhân (Công ty Cổ phần Gavi). Lĩnh vực tiêu dùng có sản phẩm “Chế phẩm đuổi muỗi - diệt sâu từ thảo dược” của cô Dương Thị Cẩm Thúy (Trường THCS Phú Thọ); dụng cụ thu hoạch trái sơ ri tiện dụng của thầy Đỗ Hoài Nam (Trường THCS Long Hòa).

Với phong trào thi đua cán bộ công đoàn tiêu biểu, thể hiện vai trò của mình, cán bộ công đoàn phối hợp với thủ trưởng đơn vị, giám đốc DN thực hiện tốt chế độ chính sách, chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho NLĐ bằng nhiều hình thức phong phú. Công tác nữ công cũng được các CĐCS quan tâm, đề xuất với Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) huyện hỗ trợ vay vốn cho nữ đoàn viên có hoàn cảnh khó khăn, với tổng số tiền 135 triệu đồng, trao tặng học bổng và tặng quà cho con đoàn viên nhân dịp năm học mới. Nhiều cá nhân liên tục nổi lên là điểm sáng trong hàng ngũ cán bộ công đoàn nhờ vai trò điều hành, năng động sáng tạo.

Tiêu biểu như chị Lâm Thị Kiều Oanh (Chủ tịch CĐCS xã Bình Thạnh Đông), tham mưu với cấp ủy và đề xuất với chính quyền tích lũy các nguồn khen thưởng tập thể của đơn vị, đồng thời phát động tiết kiệm 150.000 đồng/người/tháng xây dựng quỹ tham quan du lịch.

Qua 2 năm, CĐCS đã xét hỗ trợ tổng số tiền 154 triệu đồng cho đoàn viên vay vốn phát triển kinh tế, tổ chức cho 31 đoàn viên tham quan du lịch. Tại Công ty TNHH Vỹ Thịnh, chủ tịch CĐCS Nguyễn Văn Hải đặc biệt quan tâm cải thiện điều kiện làm việc cho NLĐ qua công tác tham mưu, đề xuất với giám đốc công ty hỗ trợ bữa ăn giữa ca, hỗ trợ 100% chi phí tham quan du lịch hàng năm; chỉnh trang nơi làm việc và khu nhà vệ sinh; hỗ trợ quà tết và lương tháng 13 cho đoàn viên, NLĐ…

Qua 2 năm, phong trào thi đua trên địa bàn huyện Phú Tân đã tác động tích cực đến chất lượng hoạt động công đoàn nói riêng, việc hoàn thành nhiệm vụ ở cơ quan, đơn vị của đoàn viên nói chung. Các CĐCS đã được khen thưởng 1 bằng khen của Tổng LĐLĐ Việt Nam, 40 bằng khen của LĐLĐ tỉnh và nhiều giấy khen của cấp huyện.

MỸ HẠNH