Cần định hướng đầu tư nhà nuôi yến

01/02/2018 - 01:24

 - Mô hình nuôi chim yến trong nhà được đánh giá có tiềm năng kinh tế, tuy nhiên, việc đầu tư này cần được định hướng để phát triển bền vững. Do nhiều tác động, xây xong “nhà nuôi yến” chưa chắc “quý nhân” đã vào; khi vào thì chưa chắc đã “định cư”. Thậm chí, yên vị xong, chưa chắc yến đã làm tổ, hoặc có tổ yến nhưng lại không nhiều.

Hộ nuôi chim yến tự phát đầu tiên vào năm 2008, sau đó phát triển mạnh ở huyện Thoại Sơn, nhất là thị trấn Óc Eo. Đến nay, mô hình này lan rộng khắp nơi. Theo thống kê, năm 2009 có 3 hộ nuôi yến, đến năm 2014 nâng lên 52 nhà nuôi, 2 năm sau chựng lại với 65 nhà (do tỉnh chủ trương tạm dừng việc xây mới nhà nuôi chim yến trong nội thành, nội thị). Đến cuối tháng 11-2017, toàn tỉnh có đến 125 nhà nuôi yến, nhiều nhất ở Châu Phú (39 nhà), TP. Long Xuyên (32 nhà) và Thoại Sơn (20 nhà)… Phần lớn nhà nuôi yến được bố trí trên sân thượng của căn nhà đang ở, một số nơi xây riêng biệt. Khảo sát của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho thấy, số lượng chim yến dao động từ 50-2.000 con/nhà nuôi; âm thanh dẫn dụ từ 6 - 21 giờ; chủ yếu sử dụng lao động gia đình, một số ít thuê người quản lý; không và ít nơi xử lý chất thải, một số tận thu gây tạo mùi để dẫn dụ chim yến. Đa số cơ sở nuôi yến chưa đăng ký thủ tục bảo vệ môi trường.

Thu hoạch tổ yến

Thu hoạch tổ yến

 Căn nhà cho chim yến trú ngụ trị giá hàng tỷ đồng, đó là chưa kể việc dẫn dụ “quý nhân” vào “định cư” để xây tổ, tốn một khoản chi phí không nhỏ. Cụ thể, người nuôi yến cần thuê chuyên gia có kinh nghiệm để chuyển giao công nghệ về lĩnh vực này. Trong đó bao gồm: khảo sát việc xây dựng, thiết kế nhà yến, kỹ thuật dẫn dụ chim yến, cách nuôi, chăm sóc, sử dụng các thiết bị cần thiết cũng như vấn đề liên quan. “Trước khi quyết định đầu tư xây nhà nuôi yến, phải khảo sát lượng yến trong khu vực dự định xây nhà để đánh giá về số lượng chim yến. Công việc này chỉ cần 1 amply, 1 loa và 1 file âm thanh gọi yến, hoàn toàn tự làm được và rất đơn giản” - anh Lê Văn Cường (ngụ ấp Tân Hiệp, thị trấn Óc Eo) cho biết. Chú Phạm Văn Tân (ngụ ấp Vĩnh Quới, thị trấn Cái Dầu, Châu Phú) sau nhiều lần khóc, cười với đàn “chim quý tộc” bày tỏ: “Ngoài hạ tầng kỹ thuật tạo mùi, âm thanh dẫn dụ và chăm sóc chính là các yếu tố thu hút chim yến về "định cư", làm tổ. Thông thường phải sau 2 năm nhà yến đưa vào hoạt động, chủ đầu tư mới bắt đầu thu hoạch. Nhưng một số người không nắm bắt được "bí quyết" hoặc quá kỳ vọng vào mức doanh thu nên nóng vội. Bởi, trong giai đoạn chim thăm dò hay mới làm tổ đã khai thác, làm chim yến sợ hãi, bỏ đi”. Ông Nguyễn Văn Hùng (ngụ xã Mỹ Khánh, TP. Long Xuyên) chia sẻ kinh nghiệm: “Nuôi chim yến ở trong nhà kiêng kỵ nhiều thứ. Loại “chim quý tộc” này “dị ứng” rất nhiều thứ. Do đó, tâm lý người nuôi phải vững vàng, biết kiên nhẫn chờ đợi, xác định việc nuôi yến là một kênh đầu tư lâu dài và có thể có rủi ro. Đã không ít người giàu có, người lại thất bại do thiếu kiên nhẫn. Nuôi chim yến giống như người đi buôn, không nên quá đặt nặng việc lợi nhuận”.

Thông tin thu hoạch cũng như sản lượng về mặt hàng chim yến khó có con số chính thống và chính xác. Theo người nuôi chuyên nghiệp, mỗi năm chim yến sinh sản từ 2-4 lần, mỗi lần trung bình 2 trứng. Với đặc tính chung thủy của loài chim này, người nuôi yến có thể khẳng định sau 2 năm số lượng đàn trong nhà sẽ tăng lên đáng kể, tổ yến nhiều hơn và thu lợi sẽ cao hơn. Với mức giá từ 40-50 triệu đồng/kg, hộ nuôi yến nói không hiệu quả nhưng tiếp tục xây nhà nuôi là điều không lạ. Với họ, chim yến chẳng khác gì mỏ vàng trắng và sự lao tâm khổ tứ là điều cần thiết. Đến nay, tỉnh An Giang vẫn chưa có quy hoạch phát triển vùng nuôi chim yến, đang chờ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Mọi hoạt động về quản lý, xử lý về nuôi chim yến điều chỉnh theo Thông tư số 35/2013/TT-BNNPTNT của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nên rất khó trong việc triển khai thực hiện. Việc phòng bệnh cho đàn yến nuôi chưa thực hiện được, chủ yếu giám sát bằng mắt. Tuy nhiên, qua giám sát cho thấy, đến nay chưa phát hiện dịch bệnh xảy ra trên địa bàn tỉnh.

Chim yến đã và đang mang lại nhiều cơ hội cho các hộ nuôi thời gian qua. Song, sẽ tốt hơn, hiệu quả hơn nếu việc nuôi chim yến trong nhà có sự định hướng của ngành chức năng, tránh tình trạng tự phát như hiện nay.

Bài, ảnh: N.R

 

Liên kết hữu ích