Giáo viên Trường tiểu học và THCS Hoàng Hoa Thám (thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh) hướng dẫn học sinh cầm bút. (Ảnh THÚY QUỲNH)
Theo thống kê của Bộ Giáo dục và Đào tạo, để thực hiện dạy môn tiếng Anh theo chương trình giáo dục phổ thông mới ở lớp 3 năm học 2022-2023, cả nước cần thêm 3.605 giáo viên; môn Tin học là 4.401. Một số địa phương vẫn còn thiếu nhiều giáo viên để triển khai chương trình môn Ngoại ngữ và Tin học vào năm học mới như Sơn La còn thiếu 153 giáo viên Tiếng Anh, số trường chưa dạy Tiếng Anh cho học sinh lớp 3 là 110/244 trường; thiếu 136 giáo viên Tin học, số trường chưa dạy làm quen Tin học cho học sinh lớp 3 là 166/244 trường. Tỉnh Hà Giang còn thiếu 93 giáo viên tiếng Anh và 77 giáo viên Tin học… Tình trạng thiếu giáo viên cũng xảy ra tại các địa phương như Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương…
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, Bùi Đình Long cho biết: Năm học 2021-2022, tỉnh đã tuyển bổ sung được khoảng 2.800 giáo viên. Tuy nhiên, đến năm học 2022-2023, ngành giáo dục vẫn thiếu khoảng 6.000 giáo viên, dẫn đến việc triển khai và bảo đảm chất lượng chương trình giáo dục phổ thông năm mới sẽ gặp nhiều khó khăn. Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Bình Dương Nguyễn Thị Nhật Hằng cho biết: Tình trạng thiếu giáo viên là trở ngại rất lớn để tổ chức dạy học hiệu quả. Trong đó, cấp học mầm non và tiểu học hiện còn thiếu nhiều giáo viên so với quy định. Vì thế thời gian gần đây, không ít giáo viên trên địa bàn đã xin nghỉ việc do lương giáo viên chưa bảo đảm cho cuộc sống. Tỷ lệ học sinh/lớp học cao cho nên nhiều trường chỉ thực hiện dạy một buổi/ngày. Để theo kịp mức tăng của sĩ số học sinh, Bình Dương cần tuyển bổ sung hơn 3.000 giáo viên.
Một trong những nguyên nhân dẫn đến việc thiếu giáo viên hiện nay là do chương trình giáo dục phổ thông mới có thêm một số môn học và hoạt động giáo dục mới (Tiếng Anh, Tin học cấp tiểu học, môn Nghệ thuật cấp trung học phổ thông) nên thiếu toàn bộ giáo viên để dạy các môn học này. Trong đó, việc tuyển dụng giáo viên Tin học, Tiếng Anh gặp rất nhiều khó khăn. Các trường có nhiều điểm trường và các điểm lẻ cách xa nhau cũng gây khó khăn cho công tác bố trí giáo viên dạy học hai môn này. Trước những bất cập nêu trên, nhiều địa phương đã đưa ra các giải pháp khắc phục.
Tại Thành phố Hồ Chí Minh, Sở Giáo dục và Đào tạo đã hướng dẫn các trường còn thiếu giáo viên chủ động liên kết để chia sẻ giáo viên thỉnh giảng hoặc ký hợp đồng lao động ngắn hạn để đáp ứng yêu cầu giảng dạy các bậc học. Trong đó, giáo viên phải đáp ứng điều kiện tiêu chuẩn về trình độ đào tạo, bồi dưỡng và năng lực chuyên môn, nghiệp vụ phù hợp cấp học. Ngoài ra, Sở đang phối hợp các trường đào tạo sư phạm trên địa bàn để giải quyết bài toán thiếu nguồn tuyển.
Địa phương đặt hàng các trường đào tạo giáo viên các ngành còn thiếu; phối hợp tổ chức bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho những người học chuyên ngành khác để đủ điều kiện đi dạy học theo quy định. Tại Bình Dương, ngành giáo dục cũng tiến hành tham mưu thực hiện công tác tuyển dụng theo phân cấp quản lý. UBND tỉnh cũng có chủ trương hợp đồng đối với những viên chức, nhân viên còn thiếu sau khi tuyển dụng và tiếp tục xem xét, từng bước giải quyết cho những viên chức không trực tiếp giảng dạy nhưng được đào tạo sư phạm chuyển sang giảng dạy theo đúng chuyên môn.
Trong khi đó, để khắc phục tình trạng thiếu giáo viên, thiếu nguồn tuyển giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã đề nghị các phòng giáo dục và đào tạo tổ chức rà soát, sắp xếp lại mạng lưới trường, lớp học theo hướng giảm số trường, số lớp; tăng số học sinh/lớp, tăng số lớp/trường để giảm số lượng người làm việc trong các cơ sở giáo dục, trong đó có giáo viên. Tỉnh tuyên truyền vận động sinh viên tốt nghiệp ra trường ngành sư phạm các môn Tiếng Anh, Tin học, Âm nhạc, Mỹ thuật chưa có việc làm ở các tỉnh, thành phố trong cả nước đến Điện Biên tham gia dự tuyển vào làm giáo viên.
Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn cho biết: Bộ Giáo dục và Đào tạo đề nghị các địa phương tập trung các giải pháp để bảo đảm nguồn tuyển dụng biên chế giáo viên như: thông tin rộng rãi về biên chế tuyển dụng, làm việc với các cơ sở đào tạo để có nguồn tuyển dụng, trao đổi với các địa phương khác để phối hợp tuyển dụng theo các môn học đáp ứng yêu cầu…
Các địa phương cũng cần rà soát, xác định cụ thể số lượng, cơ cấu giáo viên còn thiếu của địa phương theo từng cấp học, môn học đến năm 2026 báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Nội vụ để bổ sung biên chế giáo viên trong tổng số biên chế giáo viên bổ sung đến năm 2026 nhằm bảo đảm lộ trình và cơ cấu hợp lý, đáp ứng yêu cầu thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, các địa phương cần có lộ trình đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho ngành giáo dục để bảo đảm có nguồn tuyển dụng cho lộ trình cấp bổ sung biên chế đến năm 2026. Chủ động đặt hàng đào tạo với các cơ sở đào tạo giáo viên trên cơ sở nhu cầu giáo viên và có chính sách ưu tiên, thu hút trong tuyển dụng để bảo đảm nguồn tuyển dụng theo từng năm.
Dự báo đến năm 2025, khi chương trình giáo dục phổ thông mới được triển khai thực hiện ở tất cả các khối lớp sẽ phải bổ sung hơn 24 nghìn giáo viên ở ba môn học mới (Ngoại ngữ, Tin học và Công nghệ cấp tiểu học; môn Nghệ thuật cấp trung học phổ thông). Cụ thể: môn Ngoại ngữ cấp tiểu học cần bổ sung 11.346 giáo viên, môn Tin học cấp tiểu học cần bổ sung 7.299 giáo viên, môn nghệ thuật cấp trung học phổ thông cần bổ sung 5.367 giáo viên.
Theo Nhân Dân