Cần giải quyết tình trạng cơ sở sấy lúa gây ô nhiễm

12/03/2020 - 05:42

 - Ông Cao Văn Nhứt (60 tuổi, ngụ tổ 1, ấp An Lương, xã Hòa Bình, Chợ Mới, An Giang) và 9 hộ dân gần đó phản ánh cơ sở sấy lúa Út Chi (do ông Cao Văn Út làm chủ) nhiều năm qua để bụi bặm bay vào nhà, gây ô nhiễm tiếng ồn, làm mất giấc ngủ, việc nghỉ ngơi của các hộ dân.

Các ghe mang lúa đến cơ sở sấy lúa

Phản ánh vụ việc đến Báo An Giang, ông Cao Văn Nhứt cho biết, 10 năm qua, gia đình ông phải sống chung với khói bụi và tiếng ồn inh ỏi của lò sấy lúa Út Chi. Cơ sở kinh doanh này do vợ chồng ông Cao Văn Út (bà con thân tộc của ông Nhứt) làm chủ.

Lúc đầu, cơ sở chỉ có 2-3 lò sấy, công suất ở mức vừa phải, sau đó đã nâng lên 6 lò, rồi 8 lò, nay đã đến hàng chục, trong đó nhiều lò sấy có công suất rất lớn. Đến khi vào mùa vụ, các lò sấy hoạt động liên tục, bất kể ngày đêm, giờ giấc. Đặc biệt, cơ sở này đã làm khói bụi bay tứ tung, nhà ông Nhứt phải thường xuyên che, căng vải, mền ngăn chặn.

“Khói bụi còn lo đối phó được đôi chút, nhưng tiếng ồn inh ỏi ngày đêm thì chúng tôi không đường nào chống đỡ được. Do không chịu nổi, vợ con tôi đã qua nhà liền kề phản ánh, đề nghị tìm cách khắc phục tình hình. Sau đó, đôi bên xảy ra hiềm khích. Đáng lẽ, ông Út phải chỉnh đốn lại việc làm, nhưng ông không thực hiện, lại thiếu thiện chí với chúng tôi. Thậm chí, đôi bên đã 2 lần xảy ra xô xát, vợ con tôi bị gây thương tích phải điều trị bệnh” - ông Cao Văn Nhứt trình bày.

Về việc này, vài hộ dân ở gần đây cho biết, căn nhà của họ gần như cả ngày đêm phải đóng cửa để giảm bớt sự ảnh hưởng của khói bụi, nhưng tiếng ồn inh ỏi ngày đêm của lò sấy thì phải ráng chịu đựng. Có người chịu không nổi môi trường sống ở đây, buộc phải bán nhà đi nơi khác. Ngoài gây ra tiếng ồn và khói bụi, cơ sở sấy lúa còn làm cản trở giao thông đường thủy, nhiều lúc bị “kẹt đường” khi vào vụ nhiều ghe tàu mang lúa đến lò sấy.

Chúng tôi “mục sở thị” cơ sở bị phản ánh, thấy cơ sở này tọa lạc cặp vàm Cái Đôi - Kênh Đào, có chiều ngang khoảng 6-8m, đối diện có nhiều hộ dân sinh sống. Gia đình ông Cao Văn Nhứt cùng người anh Cao Văn Liêm nằm liền kề, gần đó có nhiều căn nhà.

Khi chúng tôi hỏi vấn đề các hộ dân phản ánh việc ô nhiễm của lò sấy lúa Út Chi, một cán bộ (xin giấu tên) nói: “Cơ sở lò sấy lúa ở vàm kênh nhỏ này không có nhiều, nhưng cơ sở Út Chi được coi là có bề thế, hoạt động khá lâu. Cơ sở này nằm gần nhà dân nhưng không tuân thủ các quy định về bảo đảm môi trường nên việc gây ra tiếng ồn và bụi bặm là điều khó tránh khỏi. Vừa qua, nơi này đã xảy ra xô xát, bị nhiều người dân phản ánh. Tới đây, ngoài việc các cơ quan chức năng nhắc nhở cơ sở kinh doanh này chấn chỉnh lại hoạt động cần tăng cường kiểm tra và chế tài mạnh, qua đó tiếng ồn và bụi bặm mới có thể được đẩy lùi”.

Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hòa Bình Đặng Thanh Bình cho biết, ngày 2-3 vừa qua, địa phương đã nhận được đơn phản ánh của ông Cao Văn Nhứt và người dân gần đó nói cơ sở lò sấy lúa Út Chi của vợ chồng ông Cao Văn Út gây tiếng ồn và làm bụi bặm, ảnh hưởng đến cuộc sống thường nhật của gia đình họ. Lò sấy lúa này liền kề nhà anh em ông Cao Văn Nhứt.

Ngày 4-2, địa phương đã phân công đoàn công tác đến cơ sở thị sát, bước đầu nắm bắt thực tế về tình hình hoạt động của lò sấy. Tới đây, UBND xã Hòa Bình sẽ mời 2 bên và người liên quan đến trụ sở để trình bày, làm rõ thêm sự việc. Tùy vào mức độ, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý cụ thể, bảo đảm đúng theo quy định của pháp luật hiện hành.

Bài, ảnh: N.R