Căn nhà lá đơn sơ nằm giữa vườn cây xanh mát của cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi, nơi có những hầm bí mật hay “H” (theo cách gọi bí mật thời ấy) vẫn còn in dấu người xưa.
Là “nhân chứng sống” của căn cứ cách mạng này, ông Nguyễn Minh Đào và Nguyễn Minh Nhị vô cùng xúc động trước khung cảnh thân quen. Dù đã bạc phơ mái tóc nhưng khi trở lại nơi này, 2 ông như trẻ lại.
Ký ức thời trai trẻ còn đó, hình ảnh một thuở kiên trung, “nằm gai nếm mật” trước họng súng quân thù dưới sự che chở của “lòng đất - lòng dân” Nhơn Hưng như hiện lên trên đôi mắt đã hằn dấu thời gian.
Ông Nguyễn Minh Nhị và Nguyễn Minh Đào (đứng thứ 4 và thứ 6, từ trái sang) trong lần về thăm Di tích lịch sử Hầm bí mật Văn phòng Huyện ủy Tịnh Biên
Những năm 1954-1955, Mỹ- Diệm tổ chức lại bộ máy tề xã, tiến hành nhiều chính sách phản động, không thực thi Hiệp định Giơ-ne-vơ. Trước tình hình đó, Huyện ủy Tịnh Biên quyết định chọn xã Nhơn Hưng làm địa bàn đứng chân, lãnh đạo phong trào đấu tranh của Nhân dân huyện nhà.
Trong đó, địa điểm trọng yếu đặt tại nhà cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi (ông, bà ngoại của 2 ông Nguyễn Minh Đào, Nguyễn Minh Nhị) với “lõm căn cứ bí mật” gồm nhiều “H” được các chiến sĩ cách mạng và người dân xây dựng dưới lòng đất anh hùng.
Đưa mắt nhìn quanh ngôi nhà đầy ắp kỷ niệm, ông Nguyễn Minh Đào nhớ lại: “Ngoại tôi có 5 người con trai làm cách mạng từ thời tiền khởi nghĩa và thời chống Pháp, chống Mỹ, trong đó 3 người là liệt sĩ.
Năm 1956, Ban cán sự Đảng huyện Tịnh Biên đóng bí mật nhà ngoại tôi, văn phòng làm việc trong căn hầm dưới nền chuồng gà phía trước sân, lệch về bên phải được kiên cố bằng gạch vôi ong, bên trong tô xi-măng, quét vôi trắng. Căn hầm rộng 1,5m2 có kê 1 chiếc bàn thấp, nhỏ vừa 1 người ngồi viết.
Trước đó, tôi biết các cậu mình đào hầm giữa đêm khuya nhưng nơi nào và bao nhiêu hầm tôi không rõ. Về sau mới biết ngoài căn hầm dưới nền chuồng gà, còn có 1 hầm cá nhân trong buồng ngủ nhà ngoại và một số hầm ngoài vườn”.
Chính từ nơi này, ông Nguyễn Minh Đào được tôi luyện bản lĩnh cách mạng. Ông được người cậu út Đặng Văn Mật (Đặng Chí Kiên) đưa xuống “H” dưới nền chuồng gà nghe thông tin từ Đài Tiếng nói Việt Nam qua chiếc radio cũ.
Tuy âm thanh không được tốt nhưng họ lắng nghe một cách say sưa như uống từng lời của phát thanh viên, từng lời ca tiếng nhạc vào tim mình! Hai cậu cháu sống dằn vặt trong tâm trạng “ngày Nam đêm Bắc”, mong cách mạng miền Nam sớm thành công, đất nước thống nhất để ra thăm Bác Hồ, thăm miền Bắc XHCN.
Cũng từ đó, ông Nguyễn Minh Đào được cậu út Mật cho in bột tài liệu hoặc làm công việc văn phòng. Những khi họ xuống “H” thì cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi đều ngồi trước nhà canh chừng, nếu có người lạ sẽ ra ám hiệu, khi cần sẽ đậy nắm hầm ngụy trang kín đáo.
Cuối năm 1957, ông Nguyễn Minh Đào được cử làm công tác nội tuyến trong quân đội Sài Gòn nên không có dịp trở lại “H”, chỉ còn người em Nguyễn Minh Nhị (khi đó 12 tuổi) vừa làm công việc văn phòng, vừa làm liên lạc cho ông với tổ chức.
Cái “H” được ngụy trang dưới nền chuồng gà
Chỉ tay về cái “H” dưới nền chuồng gà, ông Nguyễn Minh Nhị khẳng định: “Người sử dụng cái “H” này nhiều nhất là cậu Mười Ngưng (Đặng Văn Ngưng), cậu út Mật và kế đó là tôi.
Chính từ cái “H” này, các cậu dạy tôi làm cách mạng, giấu cán bộ ta và tài liệu, lên kế hoạch viết truyền đơn, may cờ đỏ búa liềm treo trên chót cột phướn chùa Hòa Thạnh nhằm tạo thanh thế cách mạng.
Ngày ấy còn nhỏ, các cậu kêu thì tôi “cứ làm” rồi sẽ “biết sau”, hoặc có khi làm rồi sau này cũng không biết luôn! Tôi sử dụng cái “H” này lần cuối là năm 1960, sau khi “trốn”chi bộ đi tòng quân Tiểu đoàn 512 nhưng bị trả về vì còn nhỏ tuổi.
Sau đó, tôi về nhà ngoại, quăng cái ba lô xuống “H” rồi đi theo đội du kích xã mới thành lập. Mãi cho đến ngày giải phóng, căn hầm vẫn bí mật. Thế mới biết, chỉ có lòng dân vĩnh cửu!”.
Ngoài mấy căn hầm trong khuôn viên nhà cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi, còn có nhiều căn hầm khác tại vườn nhà bà Tám Đối và một số gia đình theo cách mạng trong xóm được giữ bí mật cho đến ngày giải phóng.
“Những khi nằm trong “H” dưới lòng đất quê hương, tôi mới ngộ ra được cái ấm áp của lòng dân. Tôi nghĩ, người dân quê mình gan thật, không sợ tù tội, sẵn sàng nuôi chứa mình trong những thời khắc dầu sôi lửa bỏng. Không dám nói hơn, những cử chỉ này thật ví như cha mẹ!
Những ngày giặc Pôn-pốt tràn sang tàn sát dân ta, dọc biên giới từ Tây Ninh đến Hà Tiên - Phú Quốc, chỉ duy nhất đồn Cây Còng “chốt thép” của du kích Nhơn Hưng không bị tróc. Khi về thăm, tôi hỏi người dân sao không tản cư bỏ xứ thì bà con trả lời “đi hết bỏ bộ đội lại ở với ai”. Ôi lại là lòng dân quê tôi! ”- ông Nguyễn Minh Nhị xúc động.
Sau bao nhiêu năm, những cái “H” ở nhà cụ ông Đặng Văn Hợi và cụ bà Phan Thị Phi vẫn còn đó như “chốt thép” của lòng dân. Có lẽ, các ông Nguyễn Minh Đào, Nguyễn Minh Nhị sẽ còn nhiều câu chuyện về vùng đất Nhơn Hưng anh hùng muốn truyền đạt lại thế hệ trẻ hôm nay. Nhưng trước hết, chúng ta phải biết trân trọng, yêu quý và gìn giữ những ký ức hào hùng của “lòng đất - lòng dân” An Giang, để tiếp tục xây dựng quê hương ngày càng đổi mới.
THANH TIẾN