Cần hiểu đúng giá trị của sự chia sẻ, giúp đỡ

10/11/2023 - 08:04

 - Những năm qua, các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội huy động tốt các nguồn lực, thực hiện hiệu quả công tác an sinh xã hội, chăm lo người nghèo mang đến cơ hội vượt qua cảnh nghèo khó, đau bệnh khó khăn cho hàng ngàn người dân trong tỉnh. Tuy nhiên, đâu đó vẫn còn những người có tâm lý trông chờ, ỷ lại, điều này làm giảm đi ý nghĩa nhân văn từ những chương trình thiện nguyện, vì người nghèo trong tỉnh.

Các chương tình thiện nguyện cần được thực hiện đúng đối tượng, địa chỉ

Những ngày đi qua miền quê Ba Bần (xã Vĩnh Trạch, huyện Thoại Sơn) theo những nhà hảo tâm tặng gạo cho người dân vùng sâu, chúng tôi xúc động trước những nụ cười hay giọt nước mắt hạnh phúc của người nghèo, khi được chính quyền địa phương, nhà hảo tâm mang tặng những phần quà, suất gạo. Bởi với sự cần lao, khó nhọc “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” mà họ vẫn không đảm bảo được chi tiêu, sinh hoạt cho gia đình. Do vậy, khi nhận được 5kg hay 10kg gạo nghĩa là họ giảm được vài chục, trăm ngàn đồng tiền mua gạo, nhờ vậy có thể dành dụm tiền để đóng tiền điện, tiền nước, học phí cho con hay mua thuốc chữa bệnh. Nhiều người trân quý tấm lòng của nhà hảo tâm, lấy đó làm động lực vươn lên trong cuộc sống.

Trong khi, một số người có tâm lý trông chờ, ỷ lại, thích thì đi làm một buổi, còn lại la cà ở những quán cà-phê và lựa chọn nhiều thứ tiêu khiển. Ngồi ngay những quán giải khát, chúng tôi nghe được câu nói rất “vô tư”, như: “Mần chi nhiều, tháng nào cũng có gạo ăn mà. Đợi ông Bảy chạy ngang nhắn một câu là ổng mang đến tận nhà”. Chúng tôi nghe có gì đó xót xa, vì những nỗ lực “nhường cơm sẻ áo” của người có điều kiện mang đến người nghèo là điều tốt đẹp, nhưng vô tình gieo tâm lý trông chờ, ỷ lại, lười lao động ở một số người dân.

Hay như câu chuyện về một thanh niên ở thị trấn Óc Eo (huyện Thoại Sơn) luôn cật lực lao động cho một cơ sở để kiếm tiền chữa trị căn bệnh u xơ tử cung cho mẹ. Những ngày khó khăn, tiền kiếm được thanh niên này không dám tiêu xài mà gom góp để đưa mẹ đi TP. Hồ Chí Minh tái khám và lấy thuốc. Vậy mà, chỉ ít lâu sau khi người mẹ được các tấm lòng nhân ái quan tâm, giúp đỡ tiền trị bệnh, người thanh niên ấy đã không còn ý thức phải làm việc nhiều và tiết kiệm như trước. Có ngày chỉ đi làm một buổi, còn lại buổi chiều tụ tập “lai rai” với thanh niên trong xóm, mặc kệ những nỗi lo thường trực rồi bao giờ mẹ sẽ đi tái khám, có còn đủ tiền điều trị hay không…

Không tiền chữa bệnh là nỗi bất hạnh, thế nhưng khi có được tiền hỗ trợ mà những người thân trong gia đình không sử dụng đúng mục đích càng làm gia đình bất hạnh hơn. Câu chuyện về người vợ, người dâu hiếu thảo làm chúng tôi thêm nghẹn lòng. Gia đình anh chị quê xã Vĩnh Khánh (huyện Thoại Sơn) luôn chí thú lao động. Anh chồng không may té ngã từ trên cao, tai nạn dẫn đến dập tủy sống, liệt tứ chi phải nằm một chỗ. Người vợ đang làm công nhân phải bỏ công việc giữa chừng để chăm lo cho chồng nhiều tháng qua. Thương cảm với cảnh khổ của gia đình, rất nhiều nhà hảo tâm nghe được thông tin đã tích cực hỗ trợ. Thế nhưng, khi số tiền được trao đến gia đình khá lớn thì đã làm cho cha mẹ ruột của anh nảy sinh ý nghĩ chia rẽ vợ chồng, làm cô con dâu rời khỏi nhà trong cơn ấm ức, còn cha mẹ thay mặt con trai tiếp tục nhận số tiền đóng góp từ các nhà hảo tâm…

Câu chuyện về hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn càng đáng bàn, khi trong một bộ phận người dân xuất hiện tâm lý trông chờ vào các chương trình xây nhà của Chính phủ, địa phương, nhà hảo tâm. Một Trưởng ban Nhân dân ấp (giấu tên, ở một địa phương) chia sẻ với chúng tôi rằng, họ rất vất vả, tranh thủ từng chương trình, sự giúp đỡ của các nhà hảo tâm và cả công dựng nhà của bản thân để giúp người nghèo. Vậy mà, khi địa phương đề nghị họ nhận từng phần vật liệu, như: Bộ cột, bộ khung, mái tole… nhận đến đâu sửa nhà đến đó, họ lại từ chối. Bởi họ luôn mong muốn được hỗ trợ trọn vẹn một căn nhà và xem trách nhiệm xây nhà là của địa phương. Đó là nỗi buồn của người cán bộ sau bao năm tận tụy cho công tác chăm lo đời sống người dân. “Chúng tôi mong muốn các hộ khó khăn có được căn nhà lành lặn để an cư lạc nghiệp, động lực để tiếp tục vươn lên thoát nghèo, chứ không phải bị đùn đẩy trách nhiệm giảm nghèo về phía địa phương và bỏ ngay tâm lý trông chờ, ỷ lại như vậy” - vị Trưởng ban Nhân dân ấp tâm sự.

Quả thật, các chương trình xây nhà, giúp đỡ người nghèo, “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”, chương trình của các tổ chức thiện nguyện là rất nhân văn, ý nghĩa, như chiếc phao cứu sinh để người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn vượt qua nghịch cảnh. Nhưng còn tác động tiêu cực, mặt trái của việc cho đi thiếu kiểm soát, thiếu lựa chọn đối tượng phù hợp, thiếu kiểm tra, giám sát là chưa thể đo lường. Nên chăng, với các chương trình giảm nghèo, thiện nguyện, các tổ chức cần xem xét cách thức cho đi, cẩn trọng hơn trong cách làm, hỗ trợ đúng đối tượng, đúng hoàn cảnh là những lao động thật sự cần mẫn nhưng chưa thể vượt qua đói nghèo, bệnh tật. Đồng thời, cần có những hỗ trợ dài hơi hơn, sát sao để các gia đình được giúp đỡ đến nơi đến chốn; hỗ trợ đào tạo nghề, giải quyết việc làm phù hợp với đặc thù địa phương để các gia đình ổn định cuộc sống, vươn lên thoát nghèo bền vững.

 Làm sao để việc cho đi được ý nghĩa nhất, để người nhận luôn biết cách trân quý, hiểu được giá trị của việc chia sẻ, giúp đỡ, không mang tâm lý trông chờ, ỷ lại hoàn toàn vào các nguồn lực là vấn đề cần suy ngẫm...

NGỌC GIANG