Gửi đơn khiếu nại đến Báo An Giang, bà Trương Thị Thu Thủy (đại diện hộ Trương Thị Ngọc Khuyến, Trương Châu Minh Huấn, Huỳnh Thị Ngọc Phượng) trình bày: “Cha mẹ tôi (Trương Minh Chí, chết năm 2012) có 585m2 đất, để lại cho các con thừa hưởng. Đất này đã sử dụng ổn định từ lâu, không ai tranh chấp, có phần đất làm nơi yên nghỉ của cha mẹ tôi. Tuy nhiên, đến năm 2013, bà Trương Thị Kim Chi (sinh năm 1941, nhà liền kề) đăng ký và được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ) 358,5m2. Trong thời gian xin cấp giấy, bà Chi làm cam kết, thừa nhận phần nhà của bà có “leo qua” ranh đất gia đình tôi, diện tích 0,3 x 21m. Sau khi bà Chi chết, gia đình tôi xin cấp GCNQSDĐ cho 3 hộ (trong đó có phần đất bị “leo” ranh). Phía bà Lưu Thị Kim Phụng (thừa kế của bà Chi) hứa hẹn chờ xem xét, sau đó không chấp nhận trả đất. Điều đáng nói, phần đất “leo” ranh (thông qua việc đo đạc) xác định không chỉ 0,3m x 21m như bà Chi thừa nhận, mà đến 0,44 x 25m. Đặc biệt, phần đất đã phạm vào phần mồ mả của cha mẹ tôi, chết trước ngày phía gia đình của bà Chi được cấp GCNQSDĐ. Dù địa phương đã tổ chức hòa giải nhiều lần, các bộ phận chuyên môn đến hiện trạng xác minh, làm rõ, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả cuối cùng”.
Bà Lưu Thị Kim Phụng trình bày: “Tôi thống nhất và ký tứ cận cho gia đình của bà Thủy, Khuyến làm thủ tục cấp GCNQSDĐ đối với phần diện tích chưa ai cấp GCNQSDĐ. Đối với phần đất “leo” ranh, tôi đề nghị khôi phục lại mốc ranh đất, đặc biệt phía ranh phần đất sau nhà, qua đó bổ sung đủ diện tích đất đã cấp GCNQSDĐ cho mẹ tôi hợp pháp trước đây”. Trả lời về vụ việc, lãnh đạo UBND xã Tân Trung cho biết: “Vụ việc tranh chấp này xảy ra đã khá lâu, địa phương tổ chức vận động, hòa giải nhiều lần. Bà Chi chết, để lại phần đất cho các con thừa hưởng, trong đó có bà Lưu Thị Kim Phụng. Sau đó, hộ bà Khuyến, Thủy cho rằng phần đất đang ở bị lấn chiếm, phát sinh khiếu nại. Bà Phụng có giấy ủy quyền hợp pháp, đại diện hòa giải và tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật. Ngày 6-11-2018, tại buổi hòa giải thành, 2 bên thống nhất một số nội dung, gồm: nhà bà Chi có leo ranh qua phần đất của nhà bà Khuyến, Thủy; đề nghị giữ nguyên hiện trạng, không có động thái nào làm phức tạp thêm sự việc, chờ có kết quả cuối cùng của cơ quan có thẩm quyền. Khi gia đình phía bà Phụng sửa chữa, xây dựng nhà, hoặc thay đổi chủ quyền sử dụng đất, sẽ tháo dỡ phần đất nhà leo ranh trả lại hiện trạng”.
Bổ sung về việc này, ông Huỳnh Thiện Hữu, Phó Giám đốc Văn phòng Đăng ký đất đai chi nhánh huyện Phú Tân cho biết: “Vụ việc này đã tổ chức hòa giải, xem xét, giải quyết nhiều lần, trong đó có hòa giải thành của UBND Tân Trung, nhưng đến nay vẫn chưa ngã ngũ. Trước đó, Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Phú Tân nhiều lần làm việc với 2 bên và với bà Trương Thị Kim Khuyến. Buổi làm việc vào ngày 23-5-2018, phía bà Khuyến thống nhất: đối với việc phía bà Khuyến yêu cầu xin cấp phần đất bổ sung có diện tích khoảng 25m2 (cho là bị lấn chiếm) phải thực hiện các thủ tục theo quy định của pháp luật. Còn phản ánh “Văn phòng Đăng ký đất đai Chi nhánh huyện Phú Tân” chậm, không giải quyết, thực hiện việc cấp GCNQSDĐ là không có cơ sở. Chúng tôi phân công cán bộ chuyên môn đến hiện trường, nhiều lần phối hợp địa phương, ngành chuyên môn xem xét vụ việc. Tuy nhiên, về phía bà Khuyến, Thủy yêu cầu cấp GCNQSDĐ 25m2 đất, phải làm yêu cầu vụ việc ở địa phương về nội dung này. Sau đó, vụ việc sẽ được hòa giải. Nếu vụ việc hòa giải không thành, đương sự có thể khởi kiện ra tòa để xem xét, giải quyết theo quy định”.
Luật sư Trần Ngọc Phước (Đoàn Luật sư tỉnh An Giang) cho biết: “Phần đất tranh chấp đã có GCNQSDĐ, nên đương sự có quyền khởi kiện ra Tòa án nhân dân huyện Phú Tân. Về nguyên tắc, bà Thủy, Khuyến phải làm đơn yêu cầu UBND xã Tân Trung xem xét và tổ chức hòa giải. Thời gian mở phiên tòa do tòa án ấn định. Trước khi xét xử, tòa án sẽ thực hiện một số thủ tục theo quy định đối với nguyên đơn, bị đơn và người có liên quan. Về yêu cầu liên quan đến phần đất cho là bị “leo” ranh, bị chiếm mất, các bà cần có chứng cứ, cơ sở để bảo vệ quyền lợi cho mình”.
Bài, ảnh: N.R