Cân nhắc tỷ lệ được rút bảo hiểm xã hội một lần

14/11/2023 - 06:11

 - Quốc hội vừa thảo luận dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi. Lựa chọn phương án nào để việc rút BHXH một lần hài hòa, nguyên tắc đóng, hưởng; đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, liên quan đến cách tính tiền lương và tiền hưởng... là vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) quan tâm.

Cần dự liệu các tình huống phát sinh

Tại tổ 8, Đoàn ĐBQH TP. Cần Thơ, tỉnh Vĩnh Long, Điện Biên, Bình Định thảo luận về quy định hưởng BHXH một lần theo dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đề xuất 2 phương án. Phương án 1, quy định việc hưởng một lần đối với 2 nhóm người lao động (NLĐ) khác nhau. Nhóm 1, đối với NLĐ đã tham gia trước khi luật sửa đổi có hiệu lực, sau 12 tháng nghỉ việc và chưa đủ 20 năm đóng có nhu cầu, thì được nhận một lần.

Nhóm 2, đối với NLĐ bắt đầu tham gia từ ngày luật sửa đổi có hiệu lực trở đi (dự kiến 1/7/2025), thì không được nhận một lần. Chỉ giải quyết hưởng một lần trong các trường hợp đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ năm đóng để hưởng lương hưu; ra nước ngoài để định cư hoặc bị mắc bệnh nguy hiểm đến tính mạng.

Phương án 2, sau 12 tháng không thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc, không tham gia tự nguyện và có thời gian đóng chưa đủ 20 năm mà NLĐ có yêu cầu, thì được giải quyết một phần nhưng tối đa không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí và tử tuất. Thời gian đóng còn lại được bảo lưu để NLĐ tiếp tục tham gia và hưởng các chế độ BHXH.

Theo thống kê, sau 7 năm thực hiện Luật BHXH năm 2014, tổng số lượt người hưởng BHXH một lần khoảng 4,5 triệu lượt người, trong đó gần 1,3 triệu lượt người sau khi nhận BHXH một lần tiếp tục quay trở lại thị trường lao động và tiếp tục tham gia BHXH (chiếm gần 28% tổng số lượt người nhận BHXH một lần) giai đoạn 2016 - 2022.

Đại biểu Hoàng Hữu Chiến phát biểu

 Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc (ĐBQH tỉnh Bình Định) đặt vấn đề về cơ sở nào để quy định rút theo tỷ lệ 50 - 50. Bộ trưởng cho rằng, vẫn còn nhiều vấn đề bỏ ngỏ và có khoảng trống với quy định này, bởi phải căn cứ khả năng đóng và khả năng rút, như phần doanh nghiệp (DN) đóng phải giữ lại, vẫn là của NLĐ nhưng phải giữ lại nối tiếp để hưởng lương hưu.

Hiện, cơ cấu 26% là đóng BHXH, trong số này có 8% là NLĐ đóng, còn 18% là DN đóng cho NLĐ. Trong phần DN đóng có 3% là bảo hiểm ốm đau, thai sản, 1% là tai nạn, còn lại 14% là tử tuất và hưu trí. Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính, nên giữ lại khoản 14% mà DN đóng cho NLĐ, còn lại 12% NLĐ được rút.

Nếu như vậy, sẽ tương ứng với khoảng 46% được rút ra, còn 54% là để lại, nếu tính theo cơ sở khoa học hiện nay. Có nghĩa là được rút cả ốm đau, tai nạn, thai sản, nhưng khoản hưu trí mà DN đóng cho NLĐ thì để lại để đóng tiếp và hưởng hưu trí. Bộ trưởng đặt vấn đề là trong thời hạn bao nhiêu năm, nếu không đóng thì cho NLĐ rút, tức là NLĐ rút 46%, còn lại 54% hay theo đề xuất hiện nay là 50% và 50% để lại. Vậy sau bao nhiêu năm đóng tiếp và được rút hết - đây là vấn đề cần được đặt ra.

Đối tượng tham gia bắt buộc

Tham gia thảo luận tại tổ, đại biểu Hoàng Hữu Chiến (Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang) góp ý kiến về các điều, khoản tại dự thảo luật BHXH. Tại Điều 3, đối tượng tham gia bảo hiểm bắt buộc, có quy định áp dụng cho dân quân thường trực. Đại biểu cho rằng, hiện có rất nhiều loại dân quân (tại cơ sở có dân quân tại chỗ, dân quân tự vệ cơ động, dân quân tự vệ thường trực và dân quân tự vệ biển), đề nghị nghiên cứu thêm ở điều khoản này, vì quy định thẳng vào điều luật sẽ gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

 Cho ý kiến liên quan đến nội dung căn cứ đóng BHXH, liên quan đến cách tính tiền lương và tiền hưởng. Theo đại biểu Hoàng Hữu Chiến, quân đội có lực lượng rất đông là các học viên ở các trường đại học, học viện của quân đội, thời gian đào tạo thấp là 3 năm, dài có thể lên đến 7 năm.

Các quân nhân hưởng phụ cấp theo quân hàm hạ sĩ, trung sĩ, binh nhất, binh nhì, mức đóng bảo hiểm rất thấp. Đại biểu đề nghị lưu ý thêm quy định này, nếu không sẽ thiệt thòi cho các học viên trường quân đội, không có lương, chỉ có phụ cấp rất thấp.

Ở Khoản 1, Điều 83, đối với chế độ trợ cấp mai táng, dự thảo quy định đóng đủ 12 tháng. Đại biểu cho rằng, nội dung này khó cho môi trường quân đội. Đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu thêm nội dung ở điều, khoản này. Ngoài ra, rất nhiều điều, khoản quy định các loại hồ sơ, thủ tục, sổ, thẻ. Đại biểu đề nghị ban soạn thảo nghiên cứu có quy định liên quan đến vấn đề số hóa, nhằm áp dụng liên thông để tiện lợi trong quá trình thực hiện khi luật ban hành.

N.R