Cẩn trọng với các phương thức, thủ đoạn của tội phạm sử dụng công nghệ cao

19/10/2022 - 07:19

 - Với sự phát triển mạnh mẽ của internet, mạng xã hội, giao dịch số đang là xu hướng và sẽ phổ biến hơn trong tương lai. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, dưới nhiều hình thức với nhiều phương pháp, thủ đoạn hết sức tinh vi. Do đó, người dân cần nắm rõ một số phương thức, thủ đoạn mà đối tượng xấu sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tài sản nhằm chủ động phòng tránh có hiệu quả.

Cảnh báo của Công an tỉnh về các phương thức, thủ đoạn lừa đảo của tội phạm sử dụng công nghệ cao

Lợi dụng lòng tin, sự nhẹ dạ, hám lợi của người dân, các đối tượng lừa đảo sử dụng các đầu số  điện thoại +840, +882, +94(10), +94(70)... giả danh là cán bộ công an, viện kiểm sát, tòa án, nhân viên viễn thông, ngân hàng, cơ quan bảo hiểm xã hội… gọi điện, nhắn tin thông báo vi phạm yêu cầu đóng phí vào tài khoản ngân hàng để chiếm đoạt tiền. Kết bạn qua mạng xã hội, như: Facebook, zalo, viber, telegram... giới thiệu là người nước ngoài, quân nhân, doanh nhân thành đạt đang công tác nước ngoài làm quen, “giả vờ" yêu đương, hứa hẹn tặng quà hoặc gửi tiền để làm từ thiện và yêu cầu phải nộp các loại phí dịch vụ, hải quan, thuế... để nhận quà hoặc tiền từ nước ngoài, sau đó ngắt liên lạc.

Giả danh các công ty, doanh nghiệp thông báo chương trình khuyến mãi, trúng thưởng, tặng quà tri ân khách hàng, yêu cầu cung cấp thông tin cá nhân và chuyển tiền vào tài khoản để làm thủ tục nhận thưởng. Lừa đảo mua bán hàng trực tuyến bằng cách gửi link thanh toán trực tuyến giả yêu cầu phải đặt cọc trước và chuyển tiền vào số tài khoản được chỉ định để chiếm đoạt tiền cọc. Giả vờ chuyển tiền nhầm rồi ép trả lãi suất cao, các đối tượng cố ý chuyển tiền nhầm vào tài khoản của người dân với nội dung cho vay, sau đó đòi tiền bắt thanh toán tiền lãi vay trong những ngày trước, nếu không trả sẽ bị quấy rối hoặc khởi kiện ra tòa án. Hack chiếm quyền hoặc lập tài khoản facebook, zalo giả danh rồi kết bạn nhắn tin mượn tiền hoặc nhờ bạn bè, người thân, đồng nghiệp của người bị giả danh chuyển tiền thanh toán hóa đơn mua hàng hoặc trả nợ.

Ngoài ra, các đối tượng xấu còn lập ra các sàn giao dịch tiền ảo, kêu gọi người dân bỏ tiền tham gia đầu tư, mua bán trên các sàn giao dịch ngoại hối, đến khi người chơi đầu tư số tiền lớn vào các sàn giao dịch tiền ảo thì bất ngờ sàn bị sập không thể rút tiền về hoặc liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc người chơi mất sạch tiền đầu tư. Tự xưng là nhân viên của các công ty tài chính gọi điện, nhắn tin quấy rối, đe dọa theo kiểu khủng bố, nhắn tin cho người thân, bạn bè, đồng nghiệp và đăng ảnh lên mạng xã hội với nội dung phản cảm để gây áp lực, ép buộc người vay phải trả nợ.

Hoặc giả danh nhân viên các sàn thương mại điện tử tuyển cộng tác viên chốt đơn hàng với tiền công và lợi nhuận cao từ 10-30%, sau đó yêu thanh toán đơn hàng giá trị lớn hơn và đưa ra các lý do người cộng tác vi phạm quy định dẫn đến tài khoản bị khóa và yêu cầu chuyển tiền thêm nhiều lần đề bảo lãnh, xác minh tài khoản thì mới cho rút lại tiền gốc và lãi.

Để chủ động phòng ngừa, ngăn chặn và đấu tranh có hiệu quả với các phương thức, thủ đoạn trên, ngoài sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp thì mỗi người dân phải đề cao tinh thần cảnh giác khi mua hàng qua mạng, cần sàng lọc, kiểm tra kỹ thông tin quảng cáo, rao bán về hàng hóa, danh tính người bán hàng, lựa chọn địa chỉ uy tín, hình thức thanh toán minh bạch. Thường xuyên kiểm tra và cập nhật các tính năng bảo mật, quyền riêng tư các tài khoản trên điện thoại, mạng xã hội.

Tuyệt đối không cho mượn, thuê các giấy tờ cá nhân có liên quan, như: Căn cước công dân, giấy chứng minh nhân dân, sổ hộ khẩu, thẻ ATM, không nhận chuyển khoản ngân hàng hoặc nhận tiền chuyển khoản ngân hàng cho người không quen biết. Không công khai, cung cấp các thông tin cá nhân, như: Ngày, tháng, năm sinh, số chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân, số điện thoại, số tài khoản ngân hàng… lên các trang mạng xã hội để tránh bị các đối tượng xấu lợi dụng khai thác, sử dụng thủ đoạn lừa đảo. Đề cao cảnh giác, không tin tưởng vào những chiêu trò nhận thưởng qua mạng yêu cầu nạp tiền điện thoại hoặc chuyển tiền qua tài khoản ngân hàng để làm thủ tục nhận thưởng.

Đối với các tin nhắn qua mạng xã hội, điện thoại người quen, bạn bè nhờ mua thẻ cào điện thoại, nhờ chuyển tiền hộ cần gọi điện trực tiếp để xác nhận thông tin nhằm tránh bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Đặc biệt, các cơ quan nhà nước, lực lượng chức năng khi làm việc với người dân sẽ có giấy mời, giấy triệu tập gửi cho người đó và làm việc trực tiếp tại các trụ sở cơ quan, không làm việc trực tuyến (online) qua mạng.

TRỌNG TÍN