Cần xử lý căn cơ sạt lở

03/09/2019 - 07:29

 - Dù chưa bước vào mùa khô nhưng tình trạng sạt lở đã diễn biến rất phức tạp. Nếu không xử lý căn cơ vào đúng nguyên nhân gây sạt lở, hậu quả về sau là rất khó lường.

Sạt lở nghiêm trọng “ăn” gần hết Quốc lộ 91 qua xã Bình Mỹ

Những nút thắt cổ chai

Sau trận sạt lở kinh hoàng năm 2010, một đoạn Quốc lộ (QL) 91 qua xã Bình Mỹ (Châu Phú) tiếp tục bị dòng sông Hậu “nuốt chửng”. Đoạn sạt lở trong tháng 8 vừa qua chỉ cách vị trí sạt lở cũ khoảng 100m về hướng hạ lưu và mức độ sạt lở nghiêm trọng hơn. Nếu như ở lần sạt lở trước, giải pháp lấp bao cát, tạo mái dốc để bảo vệ bờ tỏ ra hiệu quả thì lần này không thành công. Theo kế hoạch, có 34.000m3 cát sẽ được vào bao thả xuống sông Hậu nhằm ổn định đường bờ, gia cố mái ta-luy. Tuy nhiên, khi đơn vị thi công mới thả được hơn 26.000m3 thì ngày 19-8-2019, toàn bộ bao tải cát với chiều cao hơn 1m so với mặt sông đã bị trượt sạt hết. Ðến sáng 20-8, toàn bộ mặt đường nhựa còn lại của đoạn QL91 tiếp tục sạt lở xuống sông. “Mấy chục năm sống ở vùng này, tôi chưa thấy trận lở đất nào kinh hoàng như vậy. Sạt lở ăn sát vào bờ với tốc độ rất nhanh. Mới thấy vết nứt đó mà chẳng bao lâu đã sụp xuống rồi” - bà Phạm Thị Bỉ (63 tuổi), hộ có nhà bị cuốn xuống sông, nhớ lại.

Có thể thấy, 2 trận sạt lở ở đoạn QL91 qua xã Bình Mỹ đều có chung kịch bản: đầu tiên là những vết rạn nứt trên mặt đường, sau đó một phần mặt đường sụp xuống sông rồi tiếp tục ăn sâu gần hết mặt đường còn lại. Chỉ có điều, đợt sạt lở mới đây diễn ra nhanh và nghiêm trọng hơn đợt năm 2010, cho thấy hàm ếch bị ăn sâu hơn. Một điểm chung nữa của đoạn sông Hậu qua xã Bình Mỹ là 2 bờ bị thu hẹp hơn so với đoạn trên và đoạn dưới. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư cho biết, ngay khu vực sạt lở ở xã Bình Mỹ có hiện tượng thắt nút cổ chai khi đoạn trên sạt lở, mặt sông Hậu rộng 600m, đoạn dưới rộng 800m, trong khi đoạn sạt lở chỉ 350m. Chính nút cổ chai này cộng với doi cát phía bờ Phú Tân làm cho tim sông không đi giữa sông mà đi sát vào bờ phía Bình Mỹ. Lực nước bị xoắn, khoét dần vào bờ tạo ra hàm ếch. Bên cạnh đó, do dòng nước thiếu bùn cát, hình thành hiện tượng “nước đói”, khoét càng mạnh vào bờ tạo “vực thẳm” ngay dưới mặt đường. Vào đầu mùa lũ, dòng nước bắt đầu mạnh lên nhưng còn thấp, khối đất ở trên mặt đường rất nặng nhưng không có chân chống đỡ nên bị sụp xuống sông cũng là điều dễ hiểu.

Nút thắt cổ chai cũng là lời giải thích cho tình trạng sạt lở nghiêm trọng phía bờ xã Châu Phong (TX. Tân Châu). Theo đó, chính hiện tượng bồi lắng phía đuôi cồn Vĩnh Trường (xã Vĩnh Trường, An Phú) khiến áp lực dòng chảy cứ xoáy vào bờ Châu Phong nên sạt lở diễn ra thường xuyên. Tương tự, các nhánh sông ở khu vực đầu nguồn huyện An Phú, huyện cù lao Chợ Mới cũng có hiện tượng này.

Cân nhắc giải pháp lâu dài

Sau khi xảy ra sự cố sạt lở bao tải cát khi xử lý đoạn sạt lở QL91 qua xã Bình Mỹ, đơn vị thi công đã tạm dừng thi công, phối hợp ngành chức năng khảo sát khu vực sạt lở để xử lý tiếp. Nhân chuyến khảo sát của Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình, UBND tỉnh An Giang đã kiến nghị Chính phủ xem xét cho chủ trương chuẩn bị đầu tư dự án kiên cố hóa QL91 với  tổng chiều dài tuyến gia cố sạt lở là 2.030m, kinh phí khoảng 500 tỷ đồng. Tỉnh cũng kiến nghị hỗ trợ thực hiện Dự án xử lý khẩn cấp sạt lở bờ sông Hậu (đoạn qua xã An Thạnh Trung, Chợ Mới) quy mô chiều dài 2.379m, kinh phí 280 tỷ đồng. Về dự án tuyến dân cư di dời dân khẩn cấp vùng sạt lở sông Hậu (xã Châu Phong, TX. Tân Châu), tỉnh kiến nghị được tiếp tục hỗ trợ kinh phí đầu tư để bố trí cho 590 hộ dân… “Đoạn sạt lở qua QL91 đã nằm trong danh sách cảnh báo 51 đoạn sạt lở của tỉnh. Cùng với xử lý khẩn cấp để bảo vệ tính mạng, tài sản của người dân, cần tính đến giải pháp căn cơ nhằm ổn định lâu dài. Trong đó có giải pháp nạo vét để chỉnh trị dòng chảy, xóa nút thắt cổ chai qua đoạn sạt lở” - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Anh Thư đề xuất.

Tại buổi làm việc với An Giang, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đồng ý về mặt chủ trương đối với các kiến nghị cũng như giải pháp UBND tỉnh đưa ra. Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông - Vận tải khẩn trương hoàn thành 5km đường tránh qua đoạn sạt lở với kinh phí 250 tỷ đồng, đảm bảo hoàn thành trước ngày 30-9-2019, sau đó giao cho tỉnh An Giang quản lý, sử dụng. Đồng thời, giao Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp Bộ Giao thông - Vận tải, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cùng UBND tỉnh lập phương án nạo vét, chỉnh trị dòng chảy sông Hậu qua đoạn sạt lở. Dự án sử dụng kinh phí từ nguồn 10.000 tỷ đồng của ngân sách Trung ương dành cho công tác phòng, chống thiên tai, nhằm xóa nút cổ chai tại khu vực sạt lở theo đề xuất của UBND tỉnh An Giang. “Toàn vùng ĐBSCL hiện có trên 500 đoạn sạt lở, nguy cơ sạt lở với tổng chiều dài hơn 800km, nghiêm trọng nhất là sạt lở bờ sông Tiền, sông Hậu. Do vậy, cần nghiên cứu những giải pháp căn cơ, lâu dài trong xử lý để vừa đảm bảo hiệu quả, an toàn cho người dân hạn chế thiệt hại lâu dài về sau” - Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

NGÔ CHUẨN