Cảnh báo chiêu lừa cho vay tiền qua iCloud làm rò rỉ dữ liệu người dùng

21/06/2024 - 21:25

Cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền qua iCloud gây rò rỉ dữ liệu cá nhân, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyên người dân không dùng các dịch vụ vay tiền qua mạng.

Cổng không gian mạng quốc gia, do Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) vận hành, vừa có cảnh báo về thủ đoạn lừa đảo qua iCloud làm rò rỉ dữ liệu cá nhân.

Theo cảnh báo, thông tin từ Công an thành phố Hà Nội cho hay, trong thời gian qua, bên cạnh việc vay tiền qua các ứng dụng, dịch vụ cho vay tiền qua iCloud cũng ngày càng nở rộ, bởi việc xác minh thông tin khách hàng và thủ tục vay tiền không quá phức tạp. Tuy nhiên, khách hàng sẽ phải đối mặt với nhiều rủi ro, nhất là chiêu trò cho vay nặng lãi ‘biến tướng’ của các đối tượng cho vay.

Cục An toàn thông tin cảnh báo về sự nở rộ trở lại của thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền qua iCloud gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Ảnh: NCSC

Cục An toàn thông tin cảnh báo về sự nở rộ trở lại của thủ đoạn lừa đảo cho vay tiền qua iCloud gây rò rỉ dữ liệu cá nhân. Ảnh: NCSC

Trên thực tế, dịch vụ vay tiền qua iCloud đang được nhiều người dùng yêu thích vì không cần gặp mặt, không cần thế chấp, giải ngân nhanh. Người vay chỉ cần có tài khoản iCloud - tài khoản Apple cung cấp cho người dùng để quản lý hình ảnh, danh bạ, video, file ghi âm... với một chiếc điện thoại iPhone, hoặc máy tính bảng iPad là họ có thể vay từ vài triệu đồng đến vài chục triệu đồng dễ dàng.

Cũng theo quảng cáo của các nhóm đối tượng, trường hợp có sẵn tài khoản iCloud, khi muốn vay tiền, người vay chỉ cần cung cấp tài khoản iCloud là sẽ được giải ngân. Còn nếu chưa có tài khoản, người vay có thể sử dụng tài khoản iCloud mà bên cho vay cung cấp.

Không ít người trẻ đã chọn vay tiền qua iCloud vì tin vào những ưu điểm mà bên cho vay quảng cáo như: thủ tục đăng ký vay dễ dàng, không phải thế chấp tài sản, không cần người bảo lãnh, xét duyệt và giải ngân nhanh chóng…

Tuy nhiên, các chuyên gia an toàn thông tin khuyến cáo, ngoài nguy cơ bị rò rỉ dữ liệu cá nhân bởi chiêu lừa đảo cho vay iCloud, người dân chọn dùng hình thức vay tiền này còn phải đối mặt với nguy cơ bị chiếm đoạt tài khoản iCloud.

Để phòng tránh ‘bẫy lừa đảo’, đồng thời bảo vệ thông tin dữ liệu của bản thân, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) khuyến nghị người dân cần 'nói không' với dịch vay tiền qua mạng nói chung và vay tiền qua iCloud nói riêng.

Người dân được khuyến nghị cần cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone, iPad đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân. Ảnh minh họa: Linh Đan

Người dân được khuyến nghị cần cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone, iPad đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân. Ảnh minh họa: Linh Đan

Người dân cũng cần lưu ý để không cung cấp thông tin cá nhân, thông tin tài khoản ngân hàng cho các đối tượng dưới mọi hình thức; Lựa chọn các tổ chức tài chính, ngân hàng uy tín để thực hiện vay tiền, không tìm đến các dịch vụ trên mạng xã hội; Cài đặt bảo mật 2 lớp để mọi thao tác cài đặt iPhone, iPad đều phải thông báo qua số điện thoại cá nhân.

Ngoài ra, trường hợp phát hiện hoặc nghi ngờ bị lừa đảo, người dân cần báo cáo với cơ quan chức năng, cơ quan Công an gần nhất để được hỗ trợ và giải quyết kịp thời.

Cục An toàn thông tin cùng các cơ quan, tổ chức hoạt động trong lĩnh vực an toàn thông tin đều có chung nhận định tấn công lừa đảo nhắm vào người dùng cá nhân trên không gian mạng Việt Nam đang ngày càng gia tăng cả về số lượng vụ việc cũng như mức độ phức tạp, tinh vi của các hình thức lừa đảo.

Danh sách 20 website giả mạo, lừa đảo được phát hiện trong tuần từ ngày 10/6 đến 16/6 mà Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác.

Danh sách 20 website giả mạo, lừa đảo được phát hiện trong tuần từ ngày 10/6 đến 16/6 mà Cục An toàn thông tin đề nghị người dân nâng cao cảnh giác.

Số liệu thống kê của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia cho thấy, trong gần 1 tháng, kể từ ngày 20/5 đến ngày 16/6, đã có gần 1.800 phản ánh trường hợp lừa đảo do người dùng Internet Việt Nam thông báo qua hệ thống cảnh báo an toàn thông tin tại địa chỉ canhbao.khonggianmang.vn. Đáng chú ý, trong tuần từ ngày 10/6 đến 16/6, số phản ánh các trường hợp lừa đảo trên không gian mạng Việt Nam lên tới 814, gấp hơn 2 lần số phản ánh của các tuần trước đó.

Qua kiểm tra, phân tích, Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia nhận thấy có nhiều trường hợp lừa đảo giả mạo các mạng xã hội, website ngân hàng, các trang thương mại điện tử…

Cũng theo ghi nhận từ hệ thống kỹ thuật của Trung tâm Giám sát an toàn không gian mạng quốc gia, trong hai tháng 4 và 5, đã phát hiện thêm 114 website giả mạo thương hiệu với mục đích lừa đảo được phát tán trên không gian mạng. Lũy kế đến hết tháng 5/2024, số địa chỉ website giả mạo cơ quan, tổ chức đã lên tới hơn 124.770 địa chỉ.

Những địa chỉ website giả mạo kể trên được các đối tượng, nhóm đối tượng sử dụng để lừa đảo, gây thiệt hại cho người dân trên không gian mạng, đồng thời gây thiệt hại nghiêm trọng đến uy tín, thương hiệu của cơ quan, tổ chức bị giả mạo.

Để ngăn chặn các hoạt động lừa đảo đến người dùng, cũng như đảm bảo an toàn thông tin cho người dùng và bảo vệ chính thương hiệu của đơn vị mình, Cục An toàn thông tin khuyến nghị các cơ quan, tổ chức và doanh nghiệp chủ động rà quét, phát hiện sớm các website lừa đảo giả mạo tổ chức của mình, và có cảnh báo sớm đến người dùng.

Theo VÂN ANH (Vietnamnet)