Cảnh báo nguồn cung năng lượng và nước của châu Á 'lâm nguy'

25/05/2023 - 09:09

Việc gián đoạn hệ thống nước Hindu Kush Himalaya - nơi cung cấp nguồn nước thiết yếu cho Trung Quốc, Nam Á và Đông Nam Á, do các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu đang gây ra những nguy cơ đối với phát triển kinh tế và an ninh năng lượng tại 16 quốc gia châu Á, đòi hỏi hành động phối hợp nhằm bảo vệ các dòng chảy trong khu vực.

Hồ băng tan chảy từ đỉnh núi ở Solukhumbu, cách thủ đô Kathmandu của Nepal 140 km về phía đông bắc, ngày 22/11/2018. Ảnh tư liệu: AFP/TTXVN

Cảnh báo trên được China Water Risk - một tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Hong Kong (Trung Quốc) đưa ra ngày 24/5.

Theo các nhà nghiên cứu, lưu vực của 10 con sông lớn, chảy từ các tháp nước khu vực Hindu Kush-Himalaya - nơi sinh sống của 1,9 tỷ người, tạo ra 4.300 tỷ USD Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hằng năm và các tác động của biến đổi khí hậu như băng tan và thời tiết cực đoan đang gây ra "các mối đe dọa nghiêm trọng". Các nhà nghiên cứu cảnh báo tất cả sông ngòi sẽ đối mặt với những rủi ro liên quan đến nước ngày một phức tạp và gia tăng nếu con người không thể kiểm soát lượng khí phát thải gây hiệu ứng nhà kính. Trong khi đó, việc tiếp tục xây dựng cơ sở hạ tầng năng lượng cần nhiều nước đang làm trầm trọng thêm vấn đề. 

10 con sông lớn trong khu vực Hindu Kush Himalaya, trong đó có sông Hằng và sông Brahmaputra chảy vào Ấn Độ và Bangladesh, sông Dương Tử (còn gọi là sông Trường Giang) và Hoàng Hà của Trung Quốc, cung cấp nước để tạo ra 75% lượng thủy điện và 44% lượng điện than tại 16 nước trong khu vực này. Các nhà nghiên cứu nhấn mạnh các nguy cơ khí hậu đe dọa ảnh hưởng tới 865 sản lượng GW điện ở các khu vực dọc theo 10 con sông, do phần lớn phụ thuộc vào nguồn nước. Hơn 300 GW - đủ để cung cấp điện cho Nhật Bản, nằm ở những khu vực đối mặt với rủi ro liên quan đến nước ở mức "cao" hoặc "cực kỳ cao". 

Trên thực tế, lưu vực sông Dương Tử của Trung Quốc - vốn nuôi sống khoảng 30% dân số và cung cấp khoảng 15% lượng điện của nước này, đã hứng chịu khô hạn trong thời gian dài kỷ lục, với sản lượng thủy điện giảm gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu. Do hạn hán, các chính phủ trong khu vực đồng ý cấp phép hoạt động cho nhiều nhà máy điện than mới.

Tuy nhiên, thực tế điện than cũng cần nước và việc gia tăng công suất tại Trung Quốc và Ấn Độ có thể làm trầm trọng thêm tình trạng thiếu nước. 

Các nhà nghiên cứu khẳng định trong bối cảnh nguy cơ khí hậu gia tăng, các nước đang chịu áp lực phải đề ra chính sách đảm bảo phối hợp an ninh năng lượng và an ninh nguồn nước. Do tác động qua lại giữa việc sản xuất điện và nước, các nước cần lưu ý an ninh nước cần quyết định an ninh năng lượng.

Theo TTXVN