Cảnh báo từ những vụ tai nạn lao động

15/06/2021 - 03:59

 - Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh An Giang xảy ra 8 vụ tai nạn lao động (TNLĐ), làm chết 9 người, cao hơn cả năm 2020 (xảy ra 5 vụ, làm chết 5 người). Mỗi TNLĐ là một bài học đắt giá mà chủ sở hữu lẫn người lao động (NLĐ) đều phải lưu tâm cảnh giác. Dù nguyên nhân do đâu, gánh chịu thiệt hại nặng nề nhất vẫn là NLĐ và gia đình.

Hiện trường những vụ tai nạn lao động xảy ra trong 6 tháng đầu năm 2021

Hậu quả thương tâm

Chỉ trong tháng 5-2021, trên địa bàn tỉnh An Giang đã xảy ra 3 vụ TNLĐ, làm chết 4 người. Các vụ TNLĐ cảnh báo về tình trạng mất an toàn lao động ở nhiều ngành nghề khác nhau. Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội đang điều tra, làm rõ nguyên nhân các vụ TNLĐ dẫn đến chết người. Trong đó, một số vụ đáng chú ý, như: vào tháng 3-2021, TNLĐ tại cơ sở sản xuất gạch Giang Thanh 7 (xã Long Giang, huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang) khiến nạn nhân Nguyễn Thành Nhơn bị thương nặng và tử vong. Ông Nhơn là lao động công nhật, phụ nhặt rác trong đất làm gạch trên băng chuyền. Trong quá trình làm việc, nạn nhân đưa tay vào cối và không may bị máy cuốn làm dập nát cánh tay, đứt động mạch chủ và mất nhiều máu. Trong tháng 5-2021, tại công trình lắp ghép hệ thống thoát nước khu dân cư Nam Tầm Bót do Công ty TNHH MTV Toàn Thuận TS thi công, nạn nhân Nguyễn Quốc Việt (công nhân kỹ thuật) đang làm việc thì bị đầu cần cẩu sụp xuống làm tử vong tại chỗ.

Đặc biệt, có nhiều vụ TNLĐ liên quan đến điện. Đầu năm 2021, tại công trình xây dựng nhà ở tư nhân của bà Nguyễn Thị Thùy Ngân (xã Hòa Lạc, huyện Phú Tân, tỉnh An Giang), công nhân Nguyễn Tấn Tâm đang làm việc tại công trình bị điện cao thế phóng điện gây tử vong. Cuối tháng 4-2021, trong quá trình dọn dẹp, vệ sinh nhà xưởng chế biến da cá tại Công ty TNHH MTV XNK Phố Xuyên Fish, công nhân Nguyễn Văn Quốc bị điện giật và tử vong trên đường đưa đến bệnh viện cấp cứu.

Đầu tháng 5-2021, ông Lê Thiện Toàn và anh vợ là Tống Thanh Vũ (xã Đào Hữu Cảnh, huyện Châu Phú) đem gỗ đến cưa tại xưởng của ông Nguyễn Văn Linh. Trong quá trình phụ kéo gỗ được buộc bằng dây cáp dưới sông lên thì tời kéo tải bị rò điện, dẫn chuyền qua dây cáp, làm giật cả Vũ và Toàn (lúc này cả 2 người đang ngâm mình dưới sông) dẫn đến tử vong.

Một vụ TNLĐ khác liên quan đến điện xảy ra tại xã Châu Phong (TX. Tân Châu) khiến ông Lê Thanh Đặng tử vong trong lúc sử dụng máy trộn bê-tông bằng cối trộn dùng moteur điện để tu sửa đường dân sinh.

Tăng cường phòng ngừa

Nhìn lại nguyên nhân tử vong các vụ TNLĐ năm 2020, có 2 vụ điện giật, 2 vụ ngã xe (TNLĐ liên quan đến giao thông), 1 vụ ngã cao. Nối tiếp trong năm 2021, những vụ tai nạn do cùng nguyên nhân vẫn xảy ra và có chiều hướng tăng. Nguyên nhân một phần do nhận thức về an toàn lao động của bộ phận NLĐ và người sử dụng lao động còn hạn chế, vận hành máy móc chủ yếu theo thói quen dẫn đến tai nạn đáng tiếc. Ở những doanh nghiệp nhỏ và vừa, cơ sở tư nhân chưa dự báo, kiểm soát hết các nguy cơ có thể xảy ra TNLĐ để kịp thời có biện pháp phòng tránh hiệu quả. Đa số NLĐ không được hướng dẫn, đào tạo bài bản mà chủ yếu đào tạo theo kiểu “nghề dạy nghề”, tức người biết trước chỉ lại cho người chưa biết…

TNLĐ gây ra những hậu quả vô cùng lớn, nặng thì dẫn đến tử vong, nhẹ cũng để lại nhiều di chứng và tốn kém tiền bạc để chạy chữa. Trong khi đó, nạn nhân là người trong độ tuổi lao động, thường là lao động chính, trụ cột trong gia đình, nên một khi xảy ra sự cố gây ra nhiều khó khăn, áp lực lớn về kinh tế…

Nhiều vụ TNLĐ xảy ra ở đơn vị không có tổ chức công đoàn, lao động không được ký kết hợp đồng. Vì vậy, họ không được trang bị kiến thức đầy đủ về an toàn lao động, các quy định, hướng dẫn nhằm đảm bảo trong quá trình làm việc. Thậm chí, có trường hợp, lúc xảy ra TNLĐ đơn vị sử dụng lao động không báo cáo Thanh tra Sở Lao động - Thương binh và Xã hội, mà chỉ được phát hiện qua quá trình công tác thanh tra bảo hiểm xã hội.

Vì những hậu quả khôn lường, cách tốt nhất là chủ động phòng tránh. Chính quyền địa phương, các cơ quan chức năng tiếp tục nâng cao nhận thức cho người dân, tổ chức tuyên truyền và cảnh báo các nguy cơ có thể xảy ra tai nạn trong lao động. Người sử dụng lao động và NLĐ cần tuân thủ đúng và đầy đủ quy tắc an toàn trong quá trình làm việc. Ngoài công tác tuyên truyền của ngành chức năng, chủ cơ sở, bản thân NLĐ phải có trách nhiệm tự tìm hiểu thông qua các điều kiện tiếp nhận thông tin về cách thức, kỹ năng tự bảo vệ mình trong quá trình làm việc.

M.H

Từ năm 2015, chính sách, chế độ bảo hiểm TNLĐ, bệnh nghề nghiệp được chuyển sang Luật An toàn, vệ sinh lao động. Mục đích chính của Luật An toàn, vệ sinh lao động là mở rộng đối tượng sang cả khu vực lao động không có hợp đồng lao động, chuyển mạnh từ bị động giải quyết hậu quả sang chủ động phòng ngừa, giảm thiểu TNLĐ, bệnh nghề nghiệp.

 

 

Liên kết hữu ích