Chị N.N.Quy (Nghi Tàm, quận Tây Hồ, Hà Nội) chia sẻ: Chị bị một đối tượng mạo danh một công ty công nghệ tài chính chào mời vay tiền online lãi thấp hơn thị trường nhưng đề nghị chị Quy chuyển 10% số tiền vay để chứng minh tài chính. Ngay sau khi chị N.N.Quy chuyển tiền vào tài khoản của công ty giả mạo, kẻ xấu đa cắt đứt liên lạc.
Tương tự, chủ nhân số điện thoại 098.360xxx5 than thở: “Đang lúc bí bách thiếu tiền do công ty giảm lương vì mùa COVID-10, tôi nhận được cuộc gọi đến từ số điện thoại 07723111xx mời vay online với lãi suất ưu đãi. Họ hướng dẫn làm thủ tục chứng minh tài chính bằng cách chuyển lại tiền 15% số tiền vay để chứng minh thu nhập. Sau khi nhận được tiền, bọn chúng biến mất không dấu tích”.
May mắn hơn, chị N.T.T.T (Thành phố Hồ Chí Minh), đối tượng giả mạo là nhân viên của Fiin Credit hướng dẫn cách tải App và đăng ký hồ sơ thông qua website www.fq888.cc. Sau đó, chúng gửi thông báo phê duyệt khoản vay và yêu cầu chị T chuyển trước 10% để xác minh tài chính. Cảnh giác, chị T yêu cầu hẹn gặp trực tiếp làm việc tại địa chỉ văn phòng công ty nhưng đối tượng không xuất hiện. Chị T liên hệ với Fiin Credit mới biết mình bị các đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt tiền.
Theo ông Trần Thế Vĩnh, CEO Tima - sàn kết nối tài chính trực tuyến giữa người đi vay và người cho vay do Công ty cổ phần Tập đoàn Tima điều hành, cho biết: Gần đây xuất hiện một số đối tượng lợi dụng uy tín của để lừa đảo. Với chiêu lừa như trên, nhiều khách hàng sập bẫy rơi vào cảnh mất của khi chuyển trước một khoản phí chứng minh năng lực tài chính để được vay tiền.
Các đối tượng còn dẫn dụ người có nhu cầu vay tải App hoặc đăng ký tài khoản, đăng ký khoản vay tại website giả mạo đó. Hạn mức vay được bọn chúng nâng lên từ vài chục triệu đồng đến cả tỷ đồng với lãi suất cực kỳ ưu đãi và thủ tục vay đơn giản. Sau khi click vào đường link máy sẽ yêu cầu bạn tải xuống 1 tệp. Dù loại tệp này bị thiết bị android khuyến cáo “có thể gây độc hại cho thiết bị của bạn” nhưng vẫn có những khách hàng bị sập bẫy.
Để tạo niềm tin, đối tượng lừa đảo sẽ làm giả các thông báo của ngân hàng, công ty tài chính và gửi người muốn vay, gồm: Giấy Đăng ký kinh doanh, công văn phê duyệt khoản vay, hợp đồng cho vay…; đồng thời yêu cầu người muốn vay chuyển tiền trước để xác minh…
Một số chuyên gia công nghệ chia sẻ: Các App để lừa vay tiền còn bị kẻ xấu cài mã độc để đánh cắp dữ liệu trong smartphone của khách hàng như: Danh bạ điện thoại và có thể là những nội dung nhạy cảm khác… Từ đó, các đối tượng ép khách hàng phải trả số tiền lớn hơn nhiều so với khoản vay mà bọn chúng chuyển vào tài khoản cho khách hàng. Nếu không làm theo yêu cầu, các đối tượng sẽ nhắn tin với nội dung xấu cho những người thân, bạn bè của nạn nhân.
Khách hàng phải nâng cao cảnh giác trước những thủ đoạn lừa đảo trên; đồng thời cần sự vào cuộc của các cơ quan truyền thông, cơ quan quản lý, lực lượng công an cần cảnh báo sớm cho người dùng để phòng tránh được các thủ đoạn lừa đảo trên.
Theo MINH PHƯƠNG (Báo Tin tức)