Đó là tình cảnh đáng thương của bà Danh Thị Sen (sinh năm 1954, ngụ tổ 12, ấp Tân Hiệp A, thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn). Cả đời làm đủ nghề mua bán mưu sinh nhưng chỉ đủ miếng ăn qua ngày. Mỗi sáng, bà cùng chồng (ông Trịnh Minh Tòng) miệt mài bên quán ăn nhỏ bán bánh canh, bún sả cho khách vãng lai. Hôm được khách, hôm vắng khách, nguồn thu nhập chính của gia đình không được bao nhiêu, phải chỉ tiêu tằn tiện mới đủ sống qua ngày. Vậy mà tuổi già kéo đến với bao bệnh tật dù không nặng lắm nhưng mỗi lần ông, bà ngã bệnh là lúc những đồng tiền “đội nón ra đi”. Bà Sen chia sẻ: “Trước đây, vợ chồng có ngôi nhà nhỏ ở ấp Tân Đông, là nơi vắng vẻ nên gia đình không thể mua bán kiếm sống, hiện đang ở nhờ trên phần đất người bà con để dễ mua bán. Vậy mà việc kiếm sống giờ khó khăn quá. Vừa qua, đôi mắt bị cườm làm tôi phải tốn nhiều tiền cho chi phí phẫu thuật và đi lại. Thế nhưng, mấy tuần nay mắt tôi trở nên đau nhức, mắt và mặt sưng phù, không thể làm được việc gì”. Ông Tòng tiếp lời: “Gia đình không có con nên đau bệnh vợ chồng phải nương tựa nhau, những ngày không làm được gì đành phải nhờ sự giúp đỡ của hàng xóm, đau ốm phải vay mượn tiền mới có chi phí đi lại, thuốc men”.
Bà Danh Thị Sen
Tại tổ 18, ấp Tân Đông (thị trấn Óc Eo, Thoại Sơn), hoàn cảnh của ông Lưu Xăng và bà Thạch Thị Ên cũng đầy khó khăn khi phải sống trong cảnh thom thóp lo căn nhà mục nát, xiêu vẹo có thể ngã đổ bất cứ lúc nào. Ở tuổi 73, ông Lưu Xăng phải chịu đựng nhiều cơn đau nhức xương khớp, bệnh tim, cao huyết áp. Theo ông Xăng, có thể do lúc còn trẻ ông quá vất vả với nhiều công việc làm thuê, mướn, ai kêu gì làm nấy, nặng nhọc mấy cũng làm miễn sao có tiền nuôi vợ và 3 đứa con. Nay các con trưởng thành do không được ăn học gì nhiều lại tiếp tục công việc làm thuê của cha mẹ, 2 đứa con trai làm vẫn không đủ sống. Con gái út gãy đổ gia đình nay để lại đứa con cho ông bà nuôi giúp để đi làm xa kiếm sống. Bà Thạch Thị Ên chia sẻ: “Từ ngày chồng tôi đổ bệnh, không làm được gì ra tiền, bản thân tôi ở cái tuổi 62 nhưng vẫn phải tìm những công việc như: cấy lúa, làm cỏ, hái rau dọc các tuyến kênh, bờ ruộng để mong kiếm được 30.000-40.000 đồng/ngày, mua gạo lo miếng ăn cho chồng và cháu nội. Ngày nắng còn làm được việc, ngày mưa phải ở nhà, mà mỗi khi ngày mưa ở nhà chúng tôi lại nơm nớp lo sợ căn nhà mục nát có thể bị mưa gió làm sập bất cứ lúc nào”.
Căn nhà chắp vá của ông Lưu Xăng
Phó Trưởng ban Nhân dân ấp Tân Đông Danh Thanh cho biết: “Địa phương rất quan tâm đến gia đình của ông Lưu Xăng. Căn nhà ông bà đang ở là nhà tranh, vách đất, mái nhà lá chắp vá bằng cao su, cột gỗ đã mục nát nhiều năm. Chúng tôi đã lập danh sách và đưa vào diện được hỗ trợ nhà ở, thế nhưng hiện nay vẫn chưa có nguồn kinh phí. Về phần sinh kế, chúng tôi đang tìm cách giúp đỡ, hỗ trợ gia đình tiếp cận mô hình chăn nuôi phù hợp với nhu cầu của địa phương. Chúng tôi hy vọng những tấm lòng nhân ái gần xa cùng chung tay giúp đỡ, để mơ ước có được căn nhà lành lặn và công việc ổn định cho gia đình sớm thành hiện thực, giúp gia đình có được cuộc sống ổn định lâu dài hơn”.
Mọi chia sẻ, giúp đỡ, bạn đọc có thể gửi về địa chỉ: Ban Công tác Xã hội- Từ thiện Báo An Giang (số 399B Hà Hoàng Hổ, phường Mỹ Xuyên, TP. Long Xuyên, An Giang), điện thoại: 0986.058.053. Tên tài khoản: Báo An Giang, số tài khoản: 6700201006825 tại Ngân hàng Nông nghiệp & Phát triển nông thôn - Chi nhánh An Giang.
|
Bài, ảnh: NGỌC GIANG