Câu chuyện của Phát

30/07/2018 - 06:47

 - Trịnh Hữu Phát (tên gọi khác là Lê Tấn Phát, Phát Chùa, sinh ngày 31-12-2001, ngụ phường Châu Phú B, TP. Châu Đốc) phạm tội, ra tòa trong sự đơn độc dù người thân vẫn còn hiện hữu. Phía sau bản án của Phát là một câu chuyện buồn về đời sống gia đình và sự ơ hờ của người lớn.

Phát kể rằng, khi được sinh ra đến nay, bị cáo chưa một lần biết mặt mẹ. Chia tay nhau, cha đề nghị mẹ đoạn tuyệt mối quan hệ, nên bà cũng bặt tin kể từ đó. Rồi cha có gia đình và những đứa con khác, bị cáo được gửi về sống chung với bà nội H.T.Đ (sinh năm 1949) và người cô. Tuy nhiên, bà Đ. lại là người xuất gia, tu hành trong chùa nên không có điều kiện chăm sóc cháu mình như gia đình bình thường khác. Thiếu thốn tình cảm và sự quan tâm của người lớn, Phát chơi vơi giữa cuộc đời, chẳng biết tựa vào ai.

Ráng được đến lớp 9, Phát nghỉ học, ở nhà lêu lổng.Tháng 7-2016, Phát bị Chủ tịch UBND phường Châu Phú B ra quyết định áp dụng biện pháp giáo dục tại phường vì hành vi “Gây rối trật tự công cộng mang theo hung khí, xúc phạm quốc kỳ, xâm hại sức khỏe người khác”. Cuộc đời bị cáo bắt đầu có vết đen trong lý lịch, chỉ vì tham gia chơi bời cùng bạn xấu. Thế nhưng, chuyện càng rắc rối hơn, khi Phát bắt đầu có tình cảm với người khác phái, dẫn đến hành vi phạm tội sau này.

Câu chuyện của Phát

Trịnh Hữu Phát trong phiên xét xử phúc thẩm

Qua Facebook, Phát quen biết L.M.D (sinh năm 2003). Hoàn cảnh của D. cũng chẳng khác gì Phát: cha, mẹ sang Campuchia làm ăn, gửi D. lại cho bà ngoại chăm sóc. Ngày 8-9-2017, D. đến dự sinh nhật của Phát tại nhà ông Nguyễn Văn Được (cha nuôi Phát, ngụ xã Châu Phong, TX. Tân Châu). Tiệc xong, Phát chở D. về nhà. Bỗng dưng nảy sinh ý định muốn giao cấu với D., Phát chở D. đến khu vực đất trống khu đô thị TP. Châu Đốc (phường Vĩnh Mỹ), uy hiếp buộc D. phải thuận theo. Rất may, có người dân phát hiện, giải cứu D. trước khi Phát thực hiện hành vi đồi bại.

Sáng 9-9-2017, Phát bị Công an phường Vĩnh Mỹ mời về trụ sở làm việc. Cơ quan chức năng xác định bị cáo đã có hành vi dùng vũ lực nhằm thực hiện hành vi giao cấu trái ý muốn đối với người bị hại. Bị cáo chưa thực hiện được hành vi là ngoài ý muốn chủ quan của bị cáo do có sự ngăn cản từ người dân. Thừa nhận tất cả hành vi, Phát bị bắt giữ, truy tố về tội “Hiếp dâm trẻ em”. Theo giám định của Phân viện Khoa học hình sự tại TP. Hồ Chí Minh, khi phạm tội, Phát mới 16 năm 7 tháng 8 ngày, người bị hại mới hơn 13 tuổi.

Trong vụ án này, bà Đ. vừa là đại diện gia đình bị cáo, vừa là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án. Sự việc đau lòng xảy ra, bà đem món trang sức tùy thân duy nhất bán đi, muối mặt vì cháu đến gặp bà ngoại D., nói lời xin lỗi và gửi 20 triệu đồng bù đắp tổn thất tinh thần cho D. Nhờ vậy, gia đình D. không yêu cầu bị cáo bồi thường thêm khoản thiệt hại nào khác. Thương cháu, nhưng bà Đ. không tiện đến dự phiên tòa xét xử sơ thẩm Phát, đành để bị cáo một mình vượt qua thời điểm khó khăn.

Hôm ấy, Phát bị tuyên xử 3 năm tù. Mức án này đã được cân nhắc kỹ, trong đó có tình tiết “phạm tội chưa đạt” và bị cáo vẫn đang độ tuổi vị thành niên. Nhưng Phát vẫn cảm thấy mức án quá nặng nên quyết định kháng cáo. Khi phiên tòa xét xử phúc thẩm diễn ra, bà Đ. tiếp tục vắng mặt, chỉ có cha của Phát tham dự. Đáng buồn là, ông tham dự cho có lệ, hầu như không dành bất kỳ cử chỉ quan tâm, yêu thương nào dành cho đứa con tù tội. Phát cũng chẳng có dịp được trò chuyện với cha mình. Mà nếu có dịp, họ biết dành lời gì để nói với nhau? Mối ràng buộc thâm tình chỉ còn trên giấy tờ mà thôi…

Luật sư Hồ Hoàng Phượng (Đoàn Luật sư tỉnh) được bào chữa chỉ định trong phiên xét xử phúc thẩm cho Phát, buồn bã: “Hoàn cảnh của Phát rất đáng thương, thiếu thốn đủ bề. Khi tiếp xúc với tôi, bị cáo luôn thành khẩn khai báo, chia sẻ tâm tư của mình. Nhận thức pháp luật kém, nên Phát khẳng định mình thật sự yêu thương D, muốn cưới D. làm vợ.  Tôi phải giải thích cho Phát hiểu: suy nghĩ đó không đúng, khi cả 2 chưa đủ tuổi, pháp luật không cho phép. Rồi tôi lại động viên bị cáo ráng chấp hành tốt để sớm được trở về nhà, đi học nghề rồi dùng nghề ấy nuôi sống bản thân và bà nội, đừng đi vào vết xe đổ nữa.

Nghe tòa phúc thẩm tuyên xử giữ nguyên án sơ thẩm, Phát thông suốt và đã hứa với tôi sẽ cải tạo tốt, không tụ tập cùng đám bạn xấu nữa, sẽ dành mọi quan tâm cho người bà đã lớn tuổi. Tôi tin Phát làm được, sau cú vấp ngã này. Vụ án cũng là bài học cho các bậc phụ huynh: cần quan tâm, thương yêu, chăm sóc và giáo dục con cháu để chúng phát triển lành mạnh, không đi chệch hướng để rồi sai phạm, như câu chuyện của Phát”.

Bài, ảnh: KHÁNH HƯNG