Sản xuất trà mãng cầu thủ công
Sau gần 6 năm gắn bó với công việc làm trà mãng cầu bằng phương thức thủ công tại hộ gia đình, đến nay sản phẩm trà mãng cầu của gia đình chị Dương Hoàng Trang (sinh năm 1981, ngụ xã Ô Long Vĩ, huyện Châu Phú) đã đến tay người tiêu dùng ở nhiều nơi trong và ngoài tỉnh.
Chia sẻ về ý tưởng làm trà mãng cầu, chị Hoàng Trang kể: “Trước năm 2017, gia đình tôi có trồng vườn, tuy nhiên thấy hiệu quả kinh tế mang lại không cao nên tôi bàn với người nhà chuyển sang trồng mãng cầu. Được người nhà ủng hộ, tôi bắt đầu làm trà mãng cầu từ đó cho đến nay. Hiện hàng tháng, gia đình tôi cung cấp bình quân hơn 10kg trà mãng cầu theo đơn đặt hàng đến TP. Hồ Chí Minh, tỉnh Lâm Đồng…”.
Để làm thủ công ra được lượng lớn trà mãng cầu đủ cung cấp cho khách hàng khá vất vả. Chị Hoàng Trang cho biết: “Trung bình 10kg mãng cầu tươi mới cho ra được 1kg trà mãng cầu. Thông thường khi mãng cầu đủ ngày thu hoạch sẽ được hái xuống, rửa sạch, gọt bỏ vỏ, bào thành lát mỏng, lựa bỏ hạt, rồi cắt nhỏ.
Sau đó, mang phơi nắng, tiếp theo sấy đều mãng cầu trên lửa cho đến khi từng miếng mãng cầu nhỏ chuyển sang màu nâu và tỏa mùi thơm nhẹ là hoàn thành. Muốn có được những sợi trà vừa thơm, vừa giòn, có hậu ngọt điều kiện bắt buộc là khi thu hoạch trái mãng cầu phải già nhưng không được chín mềm, khi phơi mãng cầu và sấy trên lửa phải đảm bảo thời gian, độ lửa thích hợp”.
Gia đình nhà chồng chị Hoàng Trang có truyền thống làm nghề bốc thuốc đông y, chú trọng việc giữ gìn, bảo vệ sức khỏe, nên phần nào ảnh hưởng đến sự lựa chọn sản phẩm để phát triển kinh doanh. “Tôi chọn trà mãng cầu làm sản phẩm kinh doanh vì qua tìm hiểu biết được trà mãng cầu giúp ngủ ngon, hỗ trợ tiêu hóa, tốt cho tim mạch… Do cha mẹ chồng am hiểu về đông y, nên khi tôi đề xuất ý tưởng muốn sản xuất trà mãng cầu mọi người rất ủng hộ. Trà mãng cầu là sản phẩm hỗ trợ tốt cho sức khỏe người dùng nên sau khi được giới thiệu, một số nhà thuốc đông y ở TP. Hồ Chí Minh đều có đặt trà mãng cầu để cung cấp cho khách hàng” - chị Hoàng Trang chia sẻ.
Khởi nghiệp từ cơm cháy chà bông
Chị Huỳnh Kim Hai (sinh năm 1982, ngụ xã Ô Long Vĩ) khởi nghiệp từ nghề làm cơm cháy nếp chà bông đến nay được khoảng 7 năm, nguồn thu nhập mang về giúp gia đình có cuộc sống ổn định, nuôi các con ăn học và dành dụm mua được 1ha diện tích đất nông nghiệp. Trước khi có nghề sản xuất cơm cháy chà bông ổn định như hiện nay, chị Kim Hai và chồng từng rời quê 15 năm làm nghề bán đá bào siro khá vất vả.
Kể về cơ duyên đến với nghề làm cơm cháy nếp chà bông, chị Kim Hai trải lòng: “Sau thời gian dài làm nghề bán đá bào siro ở tỉnh Vĩnh Long, vợ chồng tôi có ý định về lại nhà, tìm nghề khác để sinh sống vì cha mẹ đều lớn tuổi. Khi đó, chúng tôi còn đang lo lắng không biết nên làm nghề gì thì may mắn học được cách làm cơm cháy nếp chà bông.
Mang theo công thức học được về quê nhà, vợ chồng tôi bắt tay vào khởi nghiệp. Giai đoạn đầu do chưa có người biết đến sản phẩm nên việc tiêu thụ còn khó khăn. Đến nay, công việc sản xuất - kinh doanh đã ổn định, trung bình mỗi ngày tôi cung cấp theo đơn hàng khoảng 1.300 chiếc bánh cơm cháy nếp chà bông cho khách hàng ở nhiều nơi, kể cả Campuchia”.
Quy trình sản xuất cơm cháy nếp chà bông rất kỳ công, những thành viên trong gia đình chị Kim Hai không đủ cáng đáng. Do đó, chị mời thêm một số phụ nữ ở địa phương đến hỗ trợ các khâu sản xuất, cũng như tạo việc làm để các chị có thêm thu nhập.
Chị Kim Hai cho biết: “Để làm ra lượng bánh đủ cung cấp cho khách, mỗi ngày tôi sử dụng 100kg nếp nguyên liệu. Số nếp này được xôi chín, nặn thủ công thành những miếng nếp tròn đều đường kính khoảng 10cm, tiếp theo cho nếp vào lò sấy khoảng 3 giờ đồng hồ, đến khi nếp ráo lại thì mang đi chiên vàng đều, rồi phủ nước sốt và chà bông lên”.
Hiện, cơ sở cơm cháy nếp chà bông của gia đình chị Kim Hai có 6 nhân công cố định hỗ trợ các khâu sản xuất, với mức thu nhập khoảng 5 - 6 triệu đồng/tháng.
MỸ LINH