Cấu kết lập công ty “ma” bán hóa đơn, cán bộ thuế bị xử phạt ra sao?

09/01/2022 - 19:05

Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hà Tĩnh vừa ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam Vương Đức Hải (49 tuổi, trú tại thị trấn Tiên Điền, huyện Nghi Xuân) và Nguyễn Thị Diễn (41 tuổi, trú tại xã Hộ Độ, huyện Lộc Hà) do có hành vi mua bán trái phép hóa đơn.

Theo tài liệu điều tra, năm 2018, Vương Đức Hải (là cán bộ đội thuế Chi cục Thuế Lộc Hà) nhờ một phụ nữ sinh sống tại thành phố Hà Tĩnh lập khống Công ty Cổ phần Xây dựng Thương mại Dịch vụ Tiến Phúc (Công ty Tiến Phúc) tại nhà bà Phạm Thị Lam (xã Mai Phụ, huyện Lộc Hà).

Mặc dù công ty không hoạt động tại địa chỉ đăng ký kinh doanh, không hoạt động sản xuất kinh doanh, mua bán hàng hóa, không có ban lãnh đạo, không có nhân viên nhưng Vương Đức Hải vẫn liên hệ in ấn 250 hóa đơn giá trị gia tăng và kê khai, phát hành hóa đơn cho Công ty Tiến Phúc tại Chi cục Thuế Lộc Hà, đồng thời thuê Nguyễn Thị Diễn làm kế toán.

Hai đối tượng Vương Đức Hải (trái) và Nguyễn Thị Diễn (phải) tại cơ quan công an (Ảnh: Lê Minh)

Bước đầu xác định trong giai đoạn từ ngày 31-7- 31-12-2018, các đối tượng đã xuất bán 226 hóa đơn giá trị gia tăng với doanh thu 9,2 tỷ đồng cho các cá nhân, tổ chức trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh nhưng không có hàng hóa kèm theo. Hải khai nhận đã thu lợi bất chính gần 1 tỷ đồng.

Để hợp thức việc mua bán, đối với các hóa đơn có ghi giá trị lớn, khách hàng được yêu cầu chuyển tiền vào tài khoản Công ty Tiến Phúc, sau đó rút ra hoàn trả.

Xét về góc độ pháp lý, trao đổi với phóng viên Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam, Luật sư Nguyễn Văn Kỹ (đoàn Luật sư tỉnh Bắc Ninh) cho biết, theo quy định tại Điều 203 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) về tội in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước, người nào in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách nhà nước ở dạng phôi từ 50 số đến dưới 100 số hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 10 số đến dưới 30 số hoặc thu lợi bất chính từ 30 triệu đồng đến dưới 100 triệu đồng, thì bị phạt tiền từ 50-200 triệu đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm.

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 200-500 triệu đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

a) Có tổ chức;

b) Có tính chất chuyên nghiệp;

c) Lợi dụng chức vụ, quyền hạn;

d) Hóa đơn, chứng từ ở dạng phôi từ 100 số trở lên hoặc hóa đơn, chứng từ đã ghi nội dung từ 30 số trở lên;

đ) Thu lợi bất chính 100 triệu đồng trở lên;

e) Gây thiệt hại cho ngân sách nhà nước 100 triệu đồng trở lên;

g) Tái phạm nguy hiểm.

Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10-50 triệu đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

Luật sư Nguyễn Văn Kỹ cũng nhấn mạnh, cơ quan quản lý nhà nước cần tiếp tục tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật liên quan tới thuế, cũng như thường xuyên kiểm tra, giám sát nguồn nhân lực trong ngành, lĩnh vực của mình, đề cao tính kỷ luật, chấp hành nghiêm túc tiêu chuẩn văn hóa công sở và đạo đức công chức, viên chức ngành thuế, phải thực sự là “công bộc của Nhân dân” và “việc gì có lợi cho dân thì cố gắng làm, việc gì có hại cho dân thì phải cố gắng tránh”.

Theo Báo Điện Tử Đảng Cộng Sản Việt Nam

 

Liên kết hữu ích