Cầu Cỏ Lau dài 381,88 m (tính từ đuôi tường cánh), ngang 4m, nối liền ấp Phú Lợi và ấp Phú Quới của xã Phú Hữu. Công trình do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư, với tổng kinh phí xây dựng hơn 38 tỷ đồng. Điểm đặc biệt của địa hình khu vực này là đồng trống, ngập sâu vào mùa lũ nên chiếc cầu được bắc 21 nhịp mới có thể kết nối đôi bờ.
Chủ tịch UBND xã Phú Hữu Cao Xuân Điệu cho biết: “Trước đây, bà con qua lại khu vực này bằng trẹt nhỏ. Vào mùa lũ, việc di chuyển rất nguy hiểm. Từ khi xây cầu, việc lưu thông an toàn, dễ dàng, bất kể nắng mưa. Nhờ có công trình giao thông huyết mạch này mà việc vận chuyển hàng hóa của bà con dễ dàng hơn trước rất nhiều. Vui nhất là các cháu học sinh đến trường an toàn, không còn lo sợ cảnh sông nước như trước”.
Cầu Cỏ Lau với 21 nhịp, dài 381,88m, là chiếc cầu dài nhất nông thôn miền Tây
Những chuyến xe tải chở hàng tiếp nối nhau di chuyển về hướng Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu) để qua biên giới Campuchia; nhiều chuyến rẽ về hướng phà Tân Châu - Hồng Ngự (Đồng Tháp) để thẳng tiến lên TP. Hồ Chí Minh. Cũng nhờ cung đường này, hàng nông sản, trái cây từ An Phú có mặt ở TP. Hồ Chí Minh, miền Đông Nam Bộ và xuất sang Campuchia.
Là xã đầu nguồn nên mỗi khi lũ về, người dân Phú Hữu rất phấn khởi khi có cơ hội khai thác nguồn lợi từ con nước. Tuy nhiên, bà con vẫn phải đối mặt với nhiều nguy hiểm từ lũ mang đến, nhất là đối với người dân ở 2 ấp Phú Lợi và Phú Quới, khi hàng ngày phải di chuyển qua sông rộng bằng đò nhỏ.
Lưu thông qua cầu Cỏ Lau sẽ rút ngắn thời gian về Cửa khẩu Quốc tế Vĩnh Xương (TX. Tân Châu)
Năm 2010, cầu Cỏ Lau được triển khai xây dựng, nằm trong dự án công trình kênh Bảy Xã (giai đoạn II) do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm chủ đầu tư. Bà Năm (người dân sinh sống hơn 20 năm ở ấp Phú Lợi) phấn khởi cho biết: “Hồi trước, khi chưa xây cầu phải đi qua lại bằng đò rất lâu và vất vả. Chưa kể vào mùa lũ, chỗ này nước rất sâu, giông gió rất nguy hiểm, tội nghiệp mấy đứa nhỏ đi học. Từ khi xây cầu, chạy xe qua lại nhanh chóng, không còn sợ chuyện mưa gió, giông bão nữa”.
Để đảm bảo việc đi lại của bà con, chính quyền địa phương còn vận động xã hội hóa trên 1,2 tỷ đồng lắp đặt hệ thống đèn chiếu sáng toàn bộ 31km lộ giao thông trên địa bàn xã, trong đó có khu vực cầu Cỏ Lau. Do điều kiện kinh tế còn khó khăn nên mỗi tháng, xã vận động mỗi hộ dân đóng góp 5.000 đồng để chi trả tiền điện thắp sáng. Ngoài ra, xã còn lắp đặt hệ thống “Camera an ninh” để phòng, chống tội phạm trên các tuyến đường liên ấp.
“Mỗi tháng góp 5.000 đồng để cùng với chính quyền chăm lo chiếu sáng phục vụ dễ dàng cho việc đi lại, người dân nhiệt tình tham gia. Có đèn sáng còn góp phần đảm bảo an toàn giao thông và an ninh trật tự địa phương”- ông Sáu Cần (ấp Phú Quới) vui vẻ cho biết.
Là địa bàn biên giới nên việc giúp người dân tăng cường tiếp cận thông tin là rất quan trọng. Cùng với hệ thống loa truyền thanh, xã Phú Hữu còn tổ chức cấp phát 864 đầu thu truyền hình kỹ thuật số (theo đề án hỗ trợ của Nhà nước) cho hộ nghèo, cận nghèo, giúp bà con dễ dàng nắm bắt thông tin và làm phong phú đời sống tinh thần. Qua đó, giúp bà con có thêm “kênh thông tin” để học hỏi các mô hình hay, cách làm mới trong sinh kế, xây dựng cuộc sống tốt hơn.
|
HỮU HUYNH