Cấy lúa đồng xa

27/08/2020 - 07:38

 - Khi người khác bắt đầu chìm vào giấc ngủ sâu, cũng là lúc họ lục đục thức dậy, sửa soạn đồ đạc lên đường. “Ngày mới” của họ diễn ra ở một cánh đồng xa nhà, bằng những giờ lao động vất vả. Với tôi, câu chuyện của người cấy thuê mang màu sắc tươi sáng như ánh bình minh họ ngắm mỗi ngày, như nụ cười giòn tan trên ruộng lúa...

Anh Nguyễn Văn Gặp (sinh năm 1979, ngụ xã Tà Đảnh, Tri Tôn) là “nông dân gia truyền”, trưởng thành từ mảnh ruộng nhỏ nhà mình. Lúc mới tập cấy lúa, thao tác không khó, nhưng anh làm rất chậm. Cả ngày, anh chỉ cấy được một góc tư đất. Mười bữa nửa tháng sau, lên được nửa công đất. 1-2 tháng sau, lên được 1 công. Giờ quen tay, 1 công đất anh quay qua quay lại mấy tiếng đồng hồ là xong. Rồi dần dần, cấy lúa trở thành nghề chính, nuôi sống gia đình anh mười mấy năm nay.

Cấy lúa đêm để trốn nắng

Lúc 2 đứa con còn nhỏ, vợ chồng anh gửi nhờ ông bà trông giúp. Giờ chúng học cấp III, đứa lớn trông chừng đứa nhỏ, để cha mẹ yên tâm đi làm. Nửa đêm, vợ chồng anh ra khỏi nhà, chạy xe hàng giờ đồng hồ từ nhà đến cánh đồng. Đêm tối, chẳng nhìn rõ mặt nhau. Gắn đèn sạc trên đầu, cọng dây chì buộc khoanh nhang muỗi lủng lẳng, họ bắt đầu công việc. Bàn tay thoăn thoắt, đều đặn theo nhịp cấy, hầu như không có động tác thừa nào.

“Kỹ thuật cấy lúa không có gì thay đổi, chỉ tùy thuộc vào yêu cầu của chủ đất: giống lúa này cấy cách nhau 1 tấc 7, 1 tấc 8 hoặc 2 tấc... Làm hết ruộng này, vợ chồng tôi lại sang ruộng khác, tham gia nhiều đội cấy. Nhờ vậy, có thể đi cấy lúa mãn năm. Hôm nào mạ đẹp, đất đẹp, 6 tiếng đồng hồ sẽ cấy xong 1 công lúa, chậm thì 7 tiếng. Mỗi ngày, bình quân cấy được 1 công/người. Thu nhập tính theo công cấy, thấp nhất hơn 300.000 đồng, cao nhất là 400.000 đồng, phần chênh lệch tùy thuộc vào đồng nhà hay đồng xa” - anh Gặp chia sẻ.

Luôn tay luôn chân trên đồng để kịp thời gian

Nụ cười đôn hậu của một thợ cấy

Để xua tan mệt mỏi, họ nói cười rổn rảng, chọc ghẹo nhau vang cả cánh đồng. Họ tranh thủ cấy lúa ban đêm chỉ vì lý do duy nhất: trốn nắng. Nếu bắt đầu cấy từ 1-2 giờ sáng, thì khoảng 8 - 9 giờ đã xong 1 công đất. Buổi chiều tối, cơm nước xong, tất cả ngủ sớm để hôm sau đi tiếp.

Anh Nguyễn Văn Tường (sinh năm 1978, ngụ xã Vĩnh Phú, Thoại Sơn) bày tỏ: “Trời mưa thì mặc áo mưa, nắng quá vô ngồi nghỉ dưới gốc cây. Lúc mới làm sẽ bị nhức mỏi lưng, nhưng dần cũng quen, không còn đau nữa. Gặp miếng ruộng có sử dụng thuốc bảo vệ thực vật nhiều, chân bị ngứa, nổi hột. Tính ra, nghề này không nặng nhọc, làm bền được, thu nhập cao hơn các nghề làm thuê khác. Vợ chồng tôi có hôm thu nhập bạc triệu lận đó!”.

Bình minh trên ruộng cấy

Cứ thế, cuộc sống của họ là chuỗi ngày di chuyển hết ruộng này đến ruộng kia, từ tỉnh này đến tỉnh kia (Cà Mau, Bạc Liêu, Đồng Tháp, Sóc Trăng...). Mệt quá thì nghỉ vài hôm, rồi lại đi tiếp. Có chuyến đi 20-30 ngày liên tục, họ ngủ nhờ trại giống, nhà chủ đất, bữa cơm mượn bếp nấu, quây quần ăn với nhau. Thành viên các đội cấy lúa đều là dân tứ xứ tụ về, đi chung riết quen mặt, biết tên, thân thiết như gia đình. Ông Lê Văn Để (sinh năm 1970, ngụ xã Vĩnh Khánh, Thoại Sơn) quản lý một đội cấy “không tên”, có thể nhận lãnh cấy thuê 60-70 công đất/ngày, tương ứng với từng ấy nhân công.

“Hành trang” của một người thợ cấy đem theo ra đồng

“Cứ điện thoại là mọi người tập hợp đầy đủ, tôi chỉ việc quan sát xem họ cấy có đúng yêu cầu chủ đất không. Dù công nghệ cấy lúa có máy móc hỗ trợ, nhưng cấy thủ công vẫn còn đất sống, nhất là đối với đất lầy, đất mềm. Tôi hưởng phần chênh lệch trong thỏa thuận giữa chủ đất và nhân công. Gắn bó với nghề thì phải ráng theo, chứ nhiều lúc chán lắm. Mưa gió, cấy hơi trễ sẽ bị chủ đất cằn nhằn. Thợ cấy không đều tay, bị cằn nhằn tiếp, phải xử lý lại. Thợ cấy không nâng cao tay nghề, nói hoài vẫn vậy thì cho nghỉ... Có cặp đôi yêu nhau trong quá trình đi cấy chung nữa chứ, đủ chuyện vui buồn” - ông Để tâm sự.

Anh Vũ (áo vàng) và ông Để quan sát thợ cấy

Đứng trên bờ, nhìn đội quân cấy thuê, anh Dương Xuân Vũ (sinh năm 1980, ngụ xã Phú Hưng, Phú Tân) cảm thấy rất hài lòng: “Tôi làm lúa “sạch”, cần thuê người cấy tay để quản lý cỏ bằng kỹ thuật, thay cho thuốc bảo vệ thực vật. Chi phí mỗi công cấy khoảng 600.000 đồng, cao hơn sạ hàng, nhưng đỡ tốn thuốc, công phun xịt thuốc, giống... Tính ra, tiền chênh lệch giữa 2 phương pháp chỉ khoảng 200.000 đồng/công. Hôm nay là ngày cấy thứ 2, dự kiến sẽ xong gần 9ha đất của tôi. Họ cấy rất đẹp, đều nhau, tôi ưng bụng lắm”.

Thao tác cấy dặm để lúa mọc đều

Trời dần sáng rõ mặt người. Chị Lê Thị Hà (sinh năm 1982, ngụ xã Phú Xuân, Phú Tân) dựng chiếc xe đạp, mở hộp bánh bò ra ăn sáng, chờ đúng 6 giờ ra đồng cấy giặm. Tới 11 giờ, chị được 100.000 đồng.

“Tôi hài lòng với cuộc sống hiện tại. Những lúc hết mùa cấy, chồng tôi đi vác lúa mướn, cũng đủ trang trải trong gia đình. Thật ra, quê mình giờ thiếu gì việc làm, muốn ở không cũng khó. Người ta bỏ quê đi làm công nhân chủ yếu muốn kiếm tiền nhiều, chứ không phải vì thất nghiệp. Nhưng với tôi, vậy là đủ lắm rồi” - chị Hà cười thật tươi.

8 giờ sáng, nắng bắt đầu gắt gao, bám riết trên lưng. Màu xanh của mạ dần hiện lên khắp cánh đồng, cũng là lúc công việc của đội quân cấy lúa sắp hoàn thành. Tôi chia tay họ, nhưng lòng chợt nao nao, bởi lời tâm sự của anh Gặp, anh Tường, chị Hà: “Tôi hổng muốn con cái sau này đi cấy, mần cỏ giống mình. Tụi nhỏ phải được học hành đàng hoàng, có tương lai tươi sáng hơn. Mà chưa chắc chúng thích làm ruộng. Có khi 10-15 năm nữa, nghề cấy lúa “thất truyền” vì thiếu nhân công”. Còn họ, vẫn sẽ “bán mặt cho đất, bán lưng cho trời” đến khi không còn sức nữa mới thôi...

Bài, ảnh: GIA KHÁNH