Chăm lo an sinh cho người dân

14/11/2023 - 06:18

 - Phú Thạnh là xã thuần nông của huyện Phú Tân (tỉnh An Giang), đạt chuẩn nông thôn mới từ năm 2019. Kinh tế chủ yếu dựa vào nông nghiệp và không có doanh nghiệp lớn. Địa phương đã nỗ lực thực hiện các mô hình và kết nối nhà hảo tâm để huy động nguồn lực chăm lo cho hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, đặc biệt trong những lúc thiên tai, dịch bệnh.

Khắc phục sau thiên tai cho các hộ dân

Hạt gạo nghĩa tình

Cây “ATM gạo” của xã Phú Thạnh ra đời trong giai đoạn dịch COVID-19 bùng phát, nhằm san sẻ khó khăn cùng người dân khi thực hiện giãn cách xã hội. Đại dịch và những thời khắc cam go nhất đã qua, đến nay địa phương vẫn duy trì hoạt động cây “ATM gạo”, bởi sự thiết thực và tính nhân văn.

Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng cho biết, điểm phát gạo đặt cố định tại văn phòng Ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo và hoạt động suốt 4 năm nay. Trên địa bàn xã có 108 hộ nghèo, 256 hộ cận nghèo, 105 hộ hoàn cảnh khó khăn.

“Hàng tháng, “ATM gạo” phát ngày 14 (âm lịch), nhằm giúp bà con giảm bớt chi phí trong gia đình. Nhờ sự quan tâm đồng hành của các nhà hảo tâm trong và ngoài xã, cây “ATM gạo” trở thành “điểm tựa” của người nghèo, và là “cầu nối” giữa người cho và người nhận, tương tự như “Gian hàng 0 đồng” hoạt động thời gian qua” - bà Hằng chia sẻ.

Anh Bành Phú Vinh (ấp Phú Đức) là người được hỗ trợ gạo xuyên suốt từ năm 2020 đến nay. Gia đình anh Vinh có 6 nhân khẩu, trong đó người chị tàn tật 100%, em gái đi làm thuê ngoài tỉnh, gửi lại 2 đứa con nhỏ. Với nghề làm phụ hồ, anh Vinh trang trải thiếu trước, hụt sau. Vài ký gạo mỗi tháng đối với người khác không là vấn đề, nhưng với gia đình anh Vinh là nguồn sống rất ý nghĩa.

Anh còn cảm kích khi địa phương không chỉ vận động nguồn gạo duy trì cây “ATM gạo”, mà còn đến tận nhà phát phiếu, thông báo cho những hộ dân đang gặp khó khăn đến nhận.

Trưởng ban Trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Phú Thạnh Đỗ Văn Tranh cho hay, gần 4 năm qua, nguồn gạo phát ra khoảng 15 tấn, duy trì do nhiều nơi đóng góp và ban trị sự vận động. Theo tình hình đời sống người dân chuyển biến, “ATM gạo” giảm tần suất phát ra, chuyển từ hàng ngày sang hàng tuần và hiện nay là hàng tháng. Mỗi hộ được nhận 5kg gạo, trong đó ưu tiên hộ nghèo, người già yếu, bệnh tật…

Duy trì cây “ATM gạo”

Khắc phục thiên tai

Mưa lớn kèm theo giông lốc xảy ra tối 31/10 trên địa bàn xã Phú Thạnh đã làm 90 căn nhà bị sập và tốc mái, thiệt hại hàng trăm triệu đồng. Nhờ sự quan tâm kịp thời của lãnh đạo, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở và các nhà hảo tâm, sau một tuần khắc phục hậu quả, những ngôi nhà bị hư hại được sửa chữa, cất mới đã lần lượt đưa vào sử dụng, giúp bà con ổn định cuộc sống.

Căn nhà của ông Lâm Văn Vui (ngụ ấp Phú Lộc) bị sập hoàn toàn sau trận giông lốc là một trong những trường hợp đang được hỗ trợ cất mới. Lãnh đạo xã Phú Thạnh trực tiếp đến thăm, trao tiền hỗ trợ, ông Vui mừng rơi nước mắt: “Có lại căn nhà lành lặn, không bị mưa nắng nữa, tôi không biết nói thế nào về niềm vui mừng này”.

Hoàn cảnh tương tự, khi chưa biết phải làm thế nào khi căn nhà sập hoàn toàn, anh Võ Văn Dẫn đã được Ban quản tự chùa An Hòa đến hỗ trợ cất lại nhà mới. Anh cho biết đang đi làm ở tỉnh Bình Dương thì hay tin căn nhà ở quê bị sập. Cảnh đang sống xa quê cũng không mấy sáng sủa, chỉ có nghề bán vé số nuôi thân, đủ sống hàng ngày.

“Địa phương đến hỗ trợ gạo, tiền và cất cho căn nhà mới, chỉ trong mấy tiếng đồng hồ đã dựng xong căn nhà. Gia đình mừng lắm, giờ có nơi êm ấm cho các con ở, vợ chồng tiếp tục đi làm, đến Tết mới trở về, có thể yên tâm rồi” - anh Dẫn cho hay.

Trận giông lốc vừa qua ảnh hưởng tập trung ở ấp Phú Lộc và ấp Phú Đức B. Qua khảo sát có 90 hộ ảnh hưởng và nhiều thiệt hại. Các tổ cất nhà trong và ngoài địa bàn xã đã cơ bản khắc phục chỗ ở cho bà con. Trong đó, có 12 căn nhà được cất mới, sửa chữa, lợp mái và còn lại người dân tự khắc phục.

Hiện, đã hoàn thiện 44 căn nhà, tổng trị giá trên 800 triệu đồng. Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBMTTQVN xã Phú Thạnh Lý Thị Lệ Hằng cho biết thêm, có nhiều tổ cất nhà ở xa, như tỉnh Đồng Tháp, xã Tân Trung, thị trấn Chợ Vàm và nhiều tổ cưa cây, tổ thuốc nam đã đến giúp người dân hoàn thành các căn nhà.

Phần lớn người dân trên địa bàn xã sống dựa vào nghề nông, làm thuê, thu nhập còn bấp bênh. Thấu hiểu những thiệt hại nặng nề về tài sản của bà con, thời điểm vừa xảy ra thiên tai, ngay trong đêm, chính quyền địa phương đã kịp thời đến động viên, chia sẻ những khó khăn đối với những hộ dân không may bị ảnh hưởng. Ngay hôm sau, UBMTTQVN tỉnh, huyện Phú Tân trực tiếp xuống hiện trường, động viên an ủi, chia sẻ khó khăn với người dân và chỉ đạo địa phương nhanh chóng giúp dân khắc phục hậu quả…

MỸ HẠNH