Chăm lo cho người khuyết tật

03/12/2019 - 07:52

 - Với sự nỗ lực của các cấp, ngành, công tác an sinh xã hội cho người khuyết tật trên địa bàn tỉnh luôn được tích cực chăm lo. Trong đó công tác tuyên truyền, vận động được thực hiện hiệu quả, nâng cao ý thức trách nhiệm của toàn xã hội, góp phần đưa các chính sách vào cuộc sống, giúp người khuyết tật vươn lên.

Theo Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH), toàn tỉnh có trên 51.808 người khuyết tật ở các dạng: vận động, nghe, nói, nhìn, thần kinh, trí tuệ...  ở các mức độ khuyết tật khác nhau, chiếm tỷ lệ 2,7% trên tổng dân số của tỉnh. Trong đó có 39.390 người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng (nặng 31.850 người, đặc biệt nặng 7.540) và 12.418 người khuyết tật nhẹ.

Từ năm 2017 đến nay, toàn tỉnh đã trợ cấp xã hội hàng tháng cho 107.676 lượt người khuyết tật nặng và đặc biệt nặng, tổng kinh phí trên 594 tỷ đồng. Nhiều chính sách hỗ trợ cho người khuyết tật (bảo trợ xã hội, dạy nghề, việc làm, giảm nghèo, chăm sóc sức khỏe, trợ giúp pháp lý…) được triển khai thực hiện phù hợp nhu cầu thực tế tại địa phương, góp phần nâng cao đời sống văn hóa, tinh thần và cải thiện đời sống vật chất, đáp ứng nguyện vọng chính đáng của người khuyết tật.

Hiện nay, An Giang có 6 cơ sở sản xuất - kinh doanh có sử dụng lao động là người khuyết tật, trong đó cơ sở sản xuất xe lăn, xe lắc Bửu Sơn do thượng tọa Thích Tôn Quảng làm chủ, tập hợp những người khuyết tật có tay nghề, có khả năng lao động để tạo việc làm, giúp người khuyết tật có thu nhập bình quân 3 triệu đồng/người/tháng. 5 cơ sở xoa bóp, xông hơi (4 cơ sở do tư nhân thành lập và 1 cơ sở do Hội Người mù tỉnh thành lập), đa số sử dụng lao động là những người khiếm thị đã được đào tạo tay nghề với khoảng 65 lao động, thu nhập bình quân từ 2-4 triệu đồng/người/tháng.

Hoạt động trợ giúp người khuyết tật luôn được các tổ chức trong nước và quốc tế quan tâm chăm lo

Công tác chăm sóc, nuôi dưỡng người khuyết tật tại các Trung tâm Bảo trợ xã hội được đặc biệt quan tâm. Toàn tỉnh hiện có 4 cơ sở trợ giúp xã hội công lập đang chăm sóc, nuôi dưỡng 146 người khuyết tật. Các cơ sở trợ giúp đều đảm bảo mức hỗ trợ hàng tháng cho đối tượng, quan tâm chăm sóc người khuyết tật, đáp ứng đầy đủ các nhu cầu thiết yếu trong đời sống hàng ngày, đặc biệt đối với trẻ em và người khuyết tật cao tuổi. Hàng năm, Sở LĐ-TB&XH hỗ trợ kinh phí cho địa phương đưa đi điều trị bệnh ở các bệnh viện tâm thần với tổng số tiền trên 250 triệu đồng/năm; hỗ trợ phương tiện đi lại cho người khuyết tật khoảng 120 chiếc xe lăn, với kinh phí 192 triệu đồng.

Đặc biệt, hoạt động trợ giúp cho người khuyết tật thời gian qua được các tổ chức trong và ngoài tỉnh ủng hộ, quan tâm chăm lo. Điển hình là Hội Bảo trợ người khuyết tật - trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo tỉnh An Giang là một trong những tổ chức thực hiện tốt công tác vận động, kết nối các nhà hảo tâm trong và ngoài tỉnh để chung tay chăm lo cho người khuyết tật, trẻ mồ côi, bệnh nhân nghèo và những mảnh đời bất hạnh khác. Bình quân mỗi năm, hội vận động hỗ trợ cho khoảng 27.240 lượt người (trẻ mồ côi, người tàn tật…), trợ giúp đột xuất cho 23.248 lượt gia đình (như: vận động tiền, gạo, mùng, mền…) với số tiền trên 4 tỷ đồng; tổ chức khám bệnh và phát thuốc miễn phí cho 21.763 lượt, với số tiền 396 triệu đồng; hỗ trợ cất mới 153 căn nhà cho người khuyết tật, người nghèo với số tiền trên 3 tỷ đồng và sửa chữa 286 căn nhà trị giá trên 1 tỷ đồng. Bên cạnh đó, hội còn phối hợp các cơ quan liên quan vận động hỗ trợ 296 xe lăn, xe lắc với số tiền trên 769 triệu đồng cho người khuyết tật để làm phương tiện đi lại, mưu sinh hàng ngày; phối hợp với chương trình xóa mù của tỉnh hỗ trợ cho 930 người mù nghèo làm phẫu thuật đặt thủy tinh thể, với số tiền 1,373 tỷ đồng.

Hội Nạn nhân chất độc da cam/dioxin, Hội Người mù rất chú trọng đến công tác chăm lo đời sống cho người khuyết tật. Hàng năm, các hội này vận động và hỗ trợ trên 1.055 phần quà và tiền mặt cho người khuyết tật với số tiền trên 293 triệu đồng/năm. Cùng với đó, tỉnh tạo mọi điều kiện để người khuyết tật tiếp cận dịch vụ giáo dục. Hiện, số trẻ khuyết tật đi nhà trẻ, mẫu giáo là 27 em, học tiểu học 494 em, học THCS 45 em, học THPT 12 em. Tỉnh triển khai đầy đủ các chính sách cho học sinh khuyết tật, như: miễn giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập và hỗ trợ tiền ăn cho học sinh khuyết tật đang theo học tại các cơ sở giáo dục theo quy định. Cùng với đó, chú trọng công tác dạy nghề và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật có cơ hội theo học các ngành nghề phù hợp, đảm bảo thực hiện các chính sách hỗ trợ học nghề đúng theo quy định. Kết hợp đào tạo nghề với giải quyết việc làm sau học nghề cho người khuyết tật nhằm ổn định cuộc sống và hòa nhập cộng đồng. Hiện, Sở LĐ-TB&XH đang phối hợp Trung tâm Dạy nghề và Hỗ trợ nông dân (thuộc Hội Nông dân tỉnh) và Hội Người mù mở lớp đào tạo nghề xâu kết hạt chuỗi, hạt cườm cho người khuyết tật. Hội Người mù triển khai chương trình dạy nghề tạo việc làm cho người mù nhằm giúp họ có một nghề phù hợp với khả năng của bản thân.

Việc triển khai hiệu quả chính sách hỗ trợ dạy nghề, tạo việc làm, các nguồn vốn vay cho người khuyết tật khi có nhu cầu đã đảm bảo đời sống sinh kế, đồng thời khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để người khuyết tật tham gia sinh hoạt bình thường như mọi người, vươn lên bằng chính bản thân mình, xóa bỏ mặc cảm. Việc thực hiện hiệu quả các chính sách còn nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy môi trường không phân biệt đối xử và cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật.  

HỮU HUYNH