Chắp cánh cho du lịch bằng điện ảnh

02/02/2022 - 00:58

 - Ngành công nghiệp du lịch (DL) đã có 1 năm im ắng, muộn phiền vì dịch bệnh COVID-19. Nhưng trước khi đại dịch xuất hiện, DL chưa hẳn “cất cánh” như kỳ vọng. Non xanh nước biếc, văn hóa thấm đẫm trong từng vùng, miền, chúng ta đều có đủ. Một trong những cái chúng ta thiếu là nhịp cầu quảng bá xứng tầm, đúng cách. Mà điều này, điện ảnh hoàn toàn đáp ứng được.

Nhìn người mà ngẫm đến ta

Nhiều chuyên gia nhận định rằng, điện ảnh và DL nếu “chim liền cánh, cây liền cành”, chắc chắn tạo ra những “cơn địa chấn” cho đôi bên. Điện ảnh khát khao bối cảnh phù hợp, đủ độ “đẹp” và cảm hứng cho nhà làm phim. Biết cách khai thác, cảnh “quen” (với người dân địa phương) được nhìn ở góc độ “lạ”; cảnh “lạ” (với công chúng) sẽ biến thành “quen”. Phim thành công sẽ góp phần làm bối cảnh quay thêm lung linh, vụt sáng, trở thành điểm đến hấp dẫn.

Thời gian gần đây, nhiều đạo diễn theo đuổi xu hướng lồng ghép cảnh sắc quê hương Việt Nam vào phim, như một cách quảng bá đất nước và con người đầy tự hào, bay bổng. Bộ phim “Hoa vàng trên cỏ xanh” của đạo diễn Victor Vũ biến DL tỉnh Phú Yên “bật dậy” trong tích tắc. Thời gian trước, trong dịp đi công tác ở nơi đây, tôi nghe một người bạn cảm thán: “Tôi sống mấy mươi năm ở Phú Yên, nhìn lại hình ảnh trên phim mà cứ ngỡ nơi nào khác! Tự nhiên thấy quê mình đẹp quá chừng. Bạn bè xa gần cũng muốn ghé qua DL”. Hay “Mắt biếc”, bộ phim đem cảnh sắc Thừa Thiên - Huế lên tầm cao mới, với những góc máy đẹp, thôi thúc mọi người tìm đến chiêm ngưỡng.

Từ chuyện người, lại ngẫm đến ta. Mẹ thiên nhiên chưa từng keo kiệt với An Giang, khi tạo dựng nên vùng đất địa linh nhân kiệt, núi non hùng vĩ, sông nước hiền hòa nhất khu vực ĐBSCL. DL miệt vườn, tâm linh, văn hóa - lịch sử… đều có thể tìm thấy ở đây. Bên cạnh đó, An Giang là tỉnh đa dân tộc, đa tôn giáo cùng chung sống lâu đời, tạo ra những giá trị văn hóa dân tộc phong phú, đa dạng thể hiện qua các lễ hội văn hóa dân tộc, các làng nghề thủ công truyền thống, các công trình kiến trúc văn hóa độc đáo; là địa phương có nhiều di tích lịch sử văn hóa và danh thắng; có tín ngưỡng thờ mẫu nổi tiếng khắp cả nước. Lễ hội Vía Bà Chúa Xứ núi Sam ở TP. Châu Đốc là điểm đến DL văn hóa tâm linh nổi tiếng cả nước, hàng năm thu hút hơn 5 triệu lượt khách đến tham quan, chiêm bái. Rừng tràm Trà Sư - khu rừng ngập nước tiêu biểu của vùng Tây sông Hậu chưa bao giờ ngưng tiếng trầm trồ của du khách. Với nỗ lực đẩy mạnh công tác quảng bá xúc tiến, giai đoạn 2016-2020, tổng lượt khách đến An Giang ước đạt 38 triệu lượt (khách quốc tế ước đạt 405.000 lượt); doanh thu xã hội từ hoạt động DL ước đạt 21.200 tỷ đồng.

Nhưng, tiềm năng DL của tỉnh vẫn chưa được khai thác xứng tầm. Trong Chương trình hành động 300/CTr-UBND, ngày 4-6-2021 về phát triển hạ tầng DL tỉnh An Giang giai đoạn 2021-2025, tỉnh đề ra mục tiêu “giữ chân du khách”, xây dựng hình ảnh và định vị An Giang là điểm đến “an toàn, thân thiện, hấp dẫn”; DL thực sự trở thành ngành kinh tế mũi nhọn. Ngành DL phấn đấu đón 42 triệu lượt khách, khách lưu trú chiếm 30%; dự kiến thu 27.800 tỷ đồng… Những chỉ tiêu này đòi hỏi nhiều giải pháp hiệu quả, phù hợp, bỏ qua lối mòn trước đây.

Ấp ủ cho sự vươn mình

Theo đạo diễn Huỳnh Bá Phúc (Đài Phát thanh-  Truyền hình An Giang),  có nhiều đoàn làm phim nhận ra nét đẹp của tỉnh, chọn An Giang làm bối cảnh cho phim. Tuy nhiên, địa phương chỉ được xuất hiện thoáng qua, làm nền cho nội dung, chứ chưa bộ phim nào chú trọng câu chuyện, hồn cốt riêng có của An Giang. Vì thế, khó tạo được “cú hích” khiến công chúng chú ý đến. Trong khi đó, đạo diễn Nguyễn Quang Dũng có nhiều bộ phim thành công lớn ở phòng vé. Thế nhưng, điều anh trăn trở nhất là vẫn chưa có bộ phim nào để nói về quê hương An Giang của mình.

Hai đạo diễn người An Giang tìm được tiếng nói chung trong dự án phim điện ảnh “Đất rừng phương Nam”, với kinh phí hàng chục tỷ đồng, quy tụ đội ngũ sản xuất, diễn viên “hùng mạnh”, hàng đầu của Việt Nam. Phim được kế thừa và phát triển từ tiểu thuyết “Đất rừng phương Nam” của nhà văn Đoàn Giỏi, phim truyền hình “Đất phương Nam” nổi tiếng của đạo diễn Nguyễn Vinh Sơn. Bộ phim là phần mở đầu cho 1 trilogy (3 phần), kể về hành trình phiêu lưu, khám phá vùng đất phương Nam địa linh nhân kiệt thời Pháp thuộc của An - chú bé thành phố chẳng may mất mẹ trên đường đi tìm cha. Dự kiến, trong năm 2022, bộ phim hoàn thành ghi hình ở nhiều tỉnh, thành phố phía Nam, trong đó có An Giang.

Dự án phim được lãnh đạo UBND tỉnh thống nhất cao, đồng ý hỗ trợ tối đa để đoàn làm phim thực hiện. Vì dịch bệnh, quá trình chọn bối cảnh bị kéo dài. Tháng 12-2021, ê-kíp sản xuất bộ phim “Đất rừng phương Nam” đến An Giang chọn bối cảnh lần thứ 3, rong ruổi qua nhiều huyện, thị xã, thành phố để tìm nơi tái hiện xã hội miền sông nước Tây Nam Bộ những năm 1920.

“Nhiều khán giả quen thuộc với bộ phim “Đất phương Nam” trên sóng truyền hình, xem đi xem lại thường xuyên. Chúng tôi hy vọng phiên bản điện ảnh của bộ phim này sẽ mang đến sự mới mẻ, khắc họa rõ nét hơn nữa vẻ đẹp miền Tây. Qua bộ phim, tôi mong muốn được ghi hình, xây dựng câu chuyện ở quê mình, đem cảnh quan văn hóa, con người Nam Bộ đẹp đẽ, thú vị lên màn ảnh rộng, những cảnh sắc mà công chúng chưa biết đến. Trong lần đi khảo sát bối cảnh này, bản thân tôi không ngờ quê mình có nhiều cảnh đẹp, nhiều nội dung văn hóa thú vị như thế!” - đạo diễn Nguyễn Quang Dũng chia sẻ.

Dĩ nhiên, tất cả còn ở phía trước. Thế nhưng, chúng ta có quyền kỳ vọng vào tương lai tươi sáng, khi tâm huyết và tình cảm của người làm điện ảnh phù hợp mong muốn thúc đẩy DL tỉnh nhà. Không chỉ trong bộ phim này, sẽ có nhiều bộ phim khác hướng về An Giang, khơi thông dòng chảy DL ngồn ngộn chất liệu, cảm hứng, kết nối từ màn ảnh đến hiện thực. Về phía mình, An Giang phải cân bằng được “nhan sắc”, “tính cách văn hóa” trời ban với trùng tu, tôn tạo, phát triển DL một cách hài hòa, đủ sức quyến rũ, chinh phục điện ảnh lẫn du khách.

GIA KHÁNH