Mọi người tập trung dọc theo bờ sông Seine trong ở Paris ngày 17-9-2020. Ảnh: CNN
Theo Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát dịch bệnh châu Âu (ECDC), số ca mắc hàng ngày tại Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh trong tuần vừa qua đạt mức cao kỷ lục, với trên 45.000 ca tính trung bình trong 14 ngày, và nhiều nơi đang phải áp đặt trở lại các biện pháp hạn chế phòng dịch. Các nhà lãnh đạo đang lo ngại áp lực mà các bệnh viện có thể đối mặt trong những tháng tới cũng như viễn cảnh u ám phải áp đặt trở lại các lệnh phong tỏa quốc gia.
Có nhiều xu hướng có thể giải thích cho tình trạng nói trên. Làn sóng gia tăng lây nhiễm diễn ra ngay sau kỳ nghỉ hè khi người lao động quay trở lại các trung tâm thành phố và trẻ em quay lại trường học.
Tổ chức Y tế Thế giới cũng cho rằng sự gia tăng các ca COVID có thể một phần do các nước châu Âu nới lỏng nhiều biện pháp và mọi người đã mất cảnh giác. Ngoài ra có những bằng chứng cho thấy những người trẻ tuổi đang là đối tượng chính thúc đẩy làn sóng lây nhiễm thứ hai ở châu Âu.
Tuy nhiên, bất chấp số ca mắc và tử vong gia tăng thời gian gần đây, châu Âu vẫn được cho là thuận lợi hơn so với Mỹ. Đến hết ngày 20-9, các nước châu Âu báo cáo 4,4 triệu ca mắc và 217.278 ca tử vong trên tổng dân số 750 triệu, trong khi Mỹ ghi nhận 6,7 triệu ca bệnh và 198.000 ca tử vong trên dân số 330 triệu người.
Làn sóng thứ hai lan khắp "lục địa già"
Mọi người nhảy múa theo một người hát rong ở Quảng trường Leicester, trung tâm London, ngày 12-9, vài ngày trước khi các cuộc tụ tập xã hội bị hạn chế trở lại. Ảnh: CNN
Thủ tướng Anh Boris Johnson hôm 18-9 phát biểu với các phóng viên rằng vương quốc này “hiện đang chứng kiến làn sóng thứ hai ập đến” và điều đó là “không thể tránh khỏi”. “Rõ ràng chúng ta đang xem xét cần trọng sự lây lan của đại dịch khi có sự gia tăng trong vài ngày qua. Không có gì thắc mắc, tôi đã nói suốt nhiều tuần nay rằng chúng ta có thể đang chứng kiến làn sóng thứ hai ập đến. Chúng ta đang chứng kiến nó ở Pháp, Tây Ban Nha và khắp châu Âu. Hoàn toàn không tránh khỏi việc ta sẽ chứng kiến nó ở đất nước này”, ông Johnson nói.
"Tôi không muốn lại phong tỏa toàn quốc lần thứ hai. Cách duy nhất chúng ta có thể làm là mọi người cần làm theo hướng dẫn phòng dịch”, Thủ tướng Anh tuyên bố.
Bộ trưởng Bộ Y tế Anh Matt Hancock ngày 20-9 cũng cho biết Anh đang ở “điểm bùng phát” sau khi chứng kiến số ca nhiễm mới lên tới 4.422 ca hôm 19-9 – con số cao nhất theo ngày kể từ đầu tháng 5.
Học sinh đeo khẩu trang đến dự khai giảng năm học ngày 14-9 tại trường trung học kỹ thuật Luigi Einaudi ở Rome, Italy.
Trong khi đó, những người biểu tình phản đối phong tỏa đã đụng độ với cảnh sát tại Quảng trường Trafalgar ở London vào cùng ngày 19-9. 32 người bị bắt vì gây rối trật tự công cộng và hành hung nhân viên cấp cứu.
Trước tình hình lây nhiễm nguy hiểm, chính phủ Anh ngày 20-9 thông báo bất kỳ ai có kết quả xét nghiệm dương tính hoặc được xác định là có tiếp xúc gần sẽ buộc phải tự cách ly từ ngày 28-9 hoặc đối mặt với khoản phạt từ 1.000 -10.000 bảng Anh nếu tái phạm. Anh có số ca tử vong cao nhất ở châu Âu với trên 41.000 người và những hạn chế tụ tập vừa được áp dụng trở lại trên toàn quốc từ tuần trước.
Tại Tây Ban Nha, theo Bộ Y tế nước này, những hạn chế mới cũng được áp dụng từ ngày 18-9 tại Madrid, nơi chiếm khoảng 1-3 tổng số ca mắc mới của cả nước. Tây Ban Nha đã ghi nhận kỷ lục 12.183 ca nhiễm mới vào ngày 11-9, và có số ca bệnh cao nhất ở châu Âu với gần 660.000 trường hợp và trên 30.000 ca tử vong.
Pháp ghi nhận 13.215 trường hợp nhiễm COVID-19 mới trong vòng 24 giờ vào ngày 18-9 - con số cao nhất kể từ tháng 4. Các số liệu cũng cho thấy xu hướng nhập viện ngày càng tăng với 3.626 bệnh nhân mới trong trung bình 7 ngày trước đó.
Cộng hòa Séc cũng báo cáo kỷ lục 3.130 ca nhiễm mới hôm 19-9, cùng ngày nước này thực hiện đeo khẩu trang bắt buộc trong các trường học.
Khách du lịch ở trung tâm Amsterdam vào ngày 21-8. Số ca lây nhiễm hàng ngày ở Hà Lan đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tuần. Ảnh: CNN
Trong khi đó, Hà Lan báo cáo số ca lây nhiễm kỷ lục 1.977 ca trong 1 ngày. Thủ tướng Hà Lan Mark Rutte phát biểu trong một cuộc họp báo rằng số ca lây nhiễm hàng ngày của nước này đã tăng gấp đôi chỉ trong hơn một tuần. Ông Rutte cảnh báo: “Bạn không cần phải là nhà toán học hay nhà virus học để hiểu rằng những con số kiểu này chắc chắn sẽ ảnh hưởng tới các bệnh viện”. Các nhà hàng, quán cà phê và quán bar ở sáu khu vực của Hà Lan đã bị áp đặt các hạn chế kể từ ngày 20-9.
Khách du lịch tại Đấu trường La Mã ở Rome vào ngày 22-8.
Italy cũng ghi nhận con số lây nhiễm cao nhất kể từ tháng vào ngày 18-9 vừa qua, với 1.907 ca nhiễm mới, trong khi Ba Lan báo cáo số ca nhiễm mới trong ngày kỷ lục là 1.002 trường hợp vào 19-9.
Sai lầm ở đâu?
Giám đốc WHO châu Âu Hans Kluge tuần trước đã cảnh báo về “tỷ lệ lây nhiễm đáng báo động” và “tình hình rất nghiêm trọng” trong khu vực. Ông Kluge cho biết các ca nhiễm mới hàng tuần đã vượt qua mức từng được báo cáo hồi tháng 3 cao điểm của làn sóng đầu tiên.
Theo ông Kluge, trong tuần đầu tiên của tháng 9, mặc dù có sự gia tăng các ca bệnh ở nhóm tuổi lớn, từ 50-79 tuổi, nhưng tỷ lệ mắc mới cao nhất vẫn ở nhóm 25-49 tuổi. Trước đó, hồi cuối tháng 8, quan chức WHO này cho biết sự gia tăng dần dần các ca lây nhiễm ở châu Âu có thể một phần do “nới lỏng các biện pháp xã hội và người dân lơ là cảnh giác”.
Ông Kluge bày tỏ ông "rất lo ngại rằng ngày càng có nhiều thanh niên nằm trong số các ca lây nhiễm”, đồng thời khuyến cáo họ không nên tụ tập, tiệc tùng đông người.
Người dân tụ tập bênbờ sông Vltava ở Prague ngày 16-9, khi Cộng hòa Séc ghi nhận mức tăng ca mắc COVID-19 cao nhất kể từ khi bắt đầu đại dịch. Ảnh: Getty Images
Ở một số quốc gia châu Âu, các ca lây nhiễm đang gia tăng đặc biệt nhanh chóng ở các đô thị đông dân cư, nơi mọi người đang quay trở lại văn phòng, trường học và nơi công cộng sau khi các biện pháp phòng dịch được nới lỏng.
Giống như Tây Ban Nha, Áo đã chứng kiến đợt tăng mạnh nhất tại thủ đô Vienna. Thủ tướng Sebastian Kurz tuyên bố rằng tình hình “đặc biệt nghiêm trọng” ở Vienna, nơi chiếm tới hơn một nửa số ca bệnh của cả nước. Còn Giáo sư Edward Nieuwenhuis của Đại học Roosevelt College ở Middelburg, Áo khẳng định: “Chúng ta đang ở giai đoạn đầu của làn sóng thứ hai và sẽ phải đối mặt với những tháng khó khăn trong mùa thu và đông tới”.
Một nhân viên phục vụ ở Vienna đeo khẩu trang theo yêu cầu của các quy định mới, nghiêm ngặt hơn do chính phủ Áo đưa ra hôm 14-9.
Tại Thổ Nhĩ Kỳ, Bộ trưởng Y tế Fahrettin Koca cho biết tại cuộc họp báo hàng tuần về dịch COVID hôm 2-9 rằng đất nước đang ở “đỉnh thứ hai của đợt làn sóng đầu tiên”.
Các nhà chức trách ở Italy vào cuối tháng 8 cho biết khoảng 50% ca nhiễm mới đã mắc phải trong các kỳ nghỉ hè, ở khắp nơi trong nước và nước ngoài, chủ yếu ở những người trẻ tuổi không thận trọng với các hướng dẫn giãn cách xã hội và đeo khẩu trang.
Các quốc gia như Hy Lạp và Croatia, phần lớn không bị ảnh hưởng bởi làn sóng đầu tiên, nhưng đã chứng kiến số ca lây nhiễm tăng nhanh trong tháng 8 sau đợt đi nghỉ hè và mở cửa trở lại biên giới nội bộ châu Âu vào tháng 6.
Mặc dù các ca lây nhiễm gia tăng, tình trạng này một phần có thể do tỉ lệ xét nghiệm tăng lên và số ca tử vong hàng ngày tại châu Âu giảm xuống từ mức 3.788 ca vào ngày 18-4 , còn 504 ca vào ngày 18-9, tính theo mức trung bình 7 ngày – theo phân tích của CNN dựa trên số liệu từ trường Đại học Johns Hopkins.
Theo THU HẰNG (Báo Tin Tức)