Nông nghiệp vẫn là trụ đỡ của nền kinh tế
Tập trung chống dịch
Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Châu Phong Võ Thụy Ý Như cho biết, từ khi dịch COVID-19 xảy ra, cùng với các địa phương khác, xã Châu Phong đã kích hoạt toàn bộ hệ thống phòng, chống dịch, đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức của người dân đối với dịch bệnh. Xã Châu Phong đã kiện toàn Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19, phân công các lực lượng: công an, quân sự, đoàn thể bám sát địa bàn, theo dõi chặt chẽ tình hình để kịp thời xử lý. Phát huy tốt vai trò lãnh đạo của cấp ủy Đảng, nhất là vai trò của người đứng đầu trong phòng, chống dịch, tránh được sự chủ quan, lơ là, mất cảnh giác trong đối phó với dịch bệnh.
Bà Võ Thụy Ý Như cho biết, Đảng bộ xã Châu Phong đã xác định, muốn đẩy mạnh phát triển kinh tế, trước hết phải tập trung đẩy lùi dịch bệnh, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Đây là điều kiện tiên quyết để địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế. Ngoài chống dịch, địa phương xác định từ nay đến cuối năm, phấn đấu đạt các chỉ tiêu về phát triển kinh tế - xã hội đã đề ra.
Cụ thể, trên cơ sở xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, Đảng bộ tập trung lãnh đạo, vận động nhân dân đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị, chất lượng, đẩy mạnh liên kết theo chuỗi giá trị, đồng thời phát triển những sản phẩm thế mạnh của địa phương, như: tung lò mò, dưa lưới, sầu riêng, mít Thái... Tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất - kinh doanh (SXKD) đẩy mạnh phát triển, giải quyết việc làm cho lao động tại địa phương.
“Hiện nay, tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch COVID-19 của xã đã nâng cấp độ phòng, chống dịch lên mức cao nhất, vận động nhân dân quyết tâm cùng hệ thống chính trị chống dịch hiệu quả” - bà Võ Thụy Ý Như chia sẻ.
Phát triển kinh tế
Từ chỗ xác định nông nghiệp là “trụ đỡ” của nền kinh tế, thời gian qua, trên diện tích 1.664ha đất sản xuất nông nghiệp, địa phương đã đẩy mạnh quy hoạch vùng trồng lúa chất lượng cao, vùng trồng cây ăn trái và rau màu. Vận động nông dân địa phương tham gia tổ hợp tác, hợp tác xã (HTX). Đẩy mạnh mời gọi các doanh nghiệp hợp tác, khai thác thế mạnh, tiềm năng trong nông nghiệp. Chính cách làm này, trên địa bàn xã hình thành được 2 HTX nông nghiệp làm ăn có hiệu quả, góp phần nâng cao thu nhập của người dân đạt 51.450.000 đồng/người/năm.
“HTX nông nghiệp Tường Lợi đã ký kết với Tập đoàn Lộc Trời sản xuất lúa chất lượng cao được 125ha, trong đó sản xuất giống Đài Thơm 8 (40ha), OM 18 (85ha). Riêng đối với giống Đài Thơm 8, nông dân làm theo quy trình xuất khẩu sang Châu Âu, bà con rất phấn khởi. Đây là vụ thứ 2, HTX liên kết với Tập đoàn Lộc Trời” - Trưởng ban Kiểm soát HTX nông nghiệp Tường Lợi Ngô Phước Hùng chia sẻ.
Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, ngoài cây lúa, nông dân trên địa bàn còn tổ chức nhiều mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, như: trồng dưa lưới, mít, sầu riêng, cây có múi để xuất khẩu, hiệu quả kinh tế cao, góp phần cải thiện thu nhập cho nông dân.
Đại hội đại biểu Đảng bộ xã Châu Phong lần thứ XII (nhiệm kỳ 2020-2025) đã xác định 4 khâu đột phá để kinh tế - xã hội trên địa bàn phát triển ổn định, bền vững, gồm: phát triển nhanh kết cấu hạ tầng, gắn với ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp. Cải thiện cảnh quan môi trường nông thôn. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực; chất lượng, hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị; phấn đấu đạt chuẩn xã “nông thôn mới nâng cao”. Từ việc xác định rõ 4 khâu đột phá, cả hệ thống chính trị xã đang nỗ lực để thực hiện đạt các chỉ tiêu đã đề ra. Phấn đấu đến năm 2025, thu nhập bình quân đầu người đạt 80 triệu đồng/người/năm.
Bài, ảnh: MINH HIỂN
“Châu Phong là đầu mối giao thương giữa 2 trung tâm thương mại lớn của tỉnh, gồm: TP. Châu Đốc và TX. Tân Châu, nên rất thuận tiện cho việc mua bán, trao đổi hàng hóa. Xã Châu Phong có 45 doanh nghiệp, 1.309 cơ sở SXKD. Chúng tôi sẽ tạo mọi điều kiện thuận lợi để bà con yên tâm SXKD, góp phần phát triển kinh tế địa phương…” - Phó Chủ tịch UBND xã Châu Phong Nguyễn Xuân Thu chia sẻ. |