Tinh gọn bộ máy, phát huy năng lực cán bộ
Ngay từ đầu nhiệm kỳ, Đảng bộ huyện Châu Phú đề ra mục tiêu quyết tâm thực hiện tinh gọn bộ máy hành chính, bố trí các chức danh kiêm nhiệm, đến nay, đã hoàn thành việc nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã tại 13/13 xã, thị trấn. Bí thư Huyện ủy Châu Phú Trần Thanh Nhã cho biết: “Việc hợp nhất 2 chức danh nhằm mang lại hiệu quả tích cực, tạo sự thống nhất trong việc lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các mặt công tác ở địa phương, nâng cao tính chủ động, sáng tạo và trách nhiệm của người đứng đầu, góp phần đẩy nhanh việc thực hiện đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước”.
Bên cạnh việc thực hiện nhất thể chức danh Bí thư Đảng ủy đồng thời là Chủ tịch UBND xã, Châu Phú còn triển khai các đề án sắp xếp, tinh gọn bộ máy ở các chức danh tương đồng để kiêm nhiệm như: Phó Bí thư đảm nhiệm chức danh Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBMTTQ xã, phụ trách khối Dân vận; Ủy viên Thường trực MTTQ xã kiêm nhiệm công tác dân vận; cán bộ tổ chức kiêm nhiệm trách nhiệm nội vụ; cán bộ tuyên giáo kiêm nhiệm nhiệm vụ Văn phòng Đảng ủy; cán bộ văn hóa kiêm nhiệm truyền thanh và quản lý nhà văn hóa xã; cán bộ địa chính - xây dựng phụ trách mảng giao thông - thủy lợi. Khi hoàn thành lộ trình thực hiện kiêm nhiệm các chức danh, mỗi xã, thị trấn trên địa bàn huyện Châu Phú sẽ giảm 7 định biên, giúp tinh gọn bộ máy, tiết kiệm ngân sách và tăng thu nhập cho cán bộ kiêm nhiệm.
Hoàn chỉnh hạ tầng giao thông nông thôn
Một điểm nhấn quan trọng đánh dấu bước phát triển về hạ tầng giao thông trong năm 2018 trên địa bàn huyện Châu Phú là việc khởi công xây dựng các công trình cầu, đường trên tuyến Nam Kênh 10- Chữ S từ kênh 1 đến kênh 13 (xã Bình Phú), gồm 8 công trình: 4 cầu bê-tông cốt thép, 2 cống ngầm và 2 công trình nâng cấp, láng nhựa 9 km lộ nông thôn, với tổng mức đầu tư trên 44 tỷ đồng từ ngân sách Nhà nước. Đây là đề án quan trọng thực hiện lộ trình kết nối giao thông từ Quốc lộ 91 đến trung tâm các xã vùng trong và trục phát triển giao thông liên huyện. Có mặt hôm khởi công các công trình, ông Phạm Văn Hùng (ấp Bình Đức, xã Bình Phú) vui mừng bày tỏ: “nhiều năm qua, người dân Bình Phú mong mỏi có được con lộ láng nhựa khang trang và những chiếc cầu gỗ xuống cấp được thay thế bằng cầu bê-tông kiên cố để phục vụ việc sản xuất, sinh hoạt. Nay ước mơ ấy đã thành hiện thực”. Không riêng người dân Bình Phú, người dân xã Đào Hữu Cảnh, Bình Long cũng vui mừng vì được hưởng lợi từ các công trình.
Với sự chung sức, đồng lòng của chính quyền và người dân, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Châu Phú xây dựng trên 135 km đường giao thông, 36 cây cầu thép và bê-tông cùng nhiều công trình cống ngầm phục vụ sản xuất, với tổng kinh phí trên 208 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách Nhà nước trên 156 tỷ đồng, phần còn lại do Nhân dân đóng góp.
Chuyển đổi cây trồng hiệu quả
Phó Chủ tịch UBND huyện Châu Phú Nguyễn Phước Nên cho biết: “Thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế địa phương, Châu Phú xác định nông nghiệp là nền tảng. Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ nông dân nuôi trồng những sản phẩm truyền thống, Châu Phú còn chú trọng thực hiện chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi. Trong đó, vận động người dân chuyển đổi sang trồng cây ăn trái theo quy hoạch đạt kết quả khá tốt, năm 2017, đã có trên 232ha đất chuyển đổi sang trồng cây ăn trái (đạt trên 279% kế hoạch năm), tập trung nhiều ở các xã: Ô Long Vỹ, Mỹ Đức, Mỹ Phú, Khánh Hòa, Thạnh Mỹ Tây, Bình Chánh…”. Hiện, Châu Phú đang tiến hành thêm các dự án quy hoạch vùng, liên kết với doanh nghiệp để trồng cây có múi ứng dụng công nghệ cao (ƯDCNC), như: trồng 200ha cam ƯDCNC tại xã Bình Phú; 400ha bưởi da xanh tại vùng Nam Cây Sung xã Khánh Hòa. Đồng thời, tiếp tục mời gọi doanh nghiệp đầu tư thực hiện dự án trồng cây ăn trái ƯDCNC tại xã Bình Mỹ. Kết hợp Sở Khoa học và Công nghệ cùng Viện Cây ăn quả miền Nam phục tráng giống nhãn Mỹ Đức và xây dựng thương hiệu nhãn theo chuẩn VietGAP ở 2 xã Khánh Hòa, Mỹ Đức. Để hỗ trợ nông dân sản xuất hiệu quả, địa phương đã thành lập 5 Chi hội làm vườn và thường xuyên tổ chức tập huấn kỹ thuật ứng dụng công nghệ mới. Đồng thời, xây dựng hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu kết hợp giao thông nông thôn điều tiết lũ, đảm bảo sản xuất cho người dân và thực hiện các chuỗi liên kết sản xuất để tạo đầu ra ổn định cho sản phẩm.
Những chiếc cầu, những con lộ liên ấp, liên xã ở Khánh Hòa, Bình Phú, Bình Long, Ô Long Vỹ, Bình Mỹ… giờ đây được xây dựng khang trang, lưu thông thuận tiện vào tận vùng sâu các xã. Khi các công trình hạ tầng giao thông nông thôn hoàn thành theo Nghị quyết Đảng bộ huyện đề ra, sẽ tạo sự đột phá mạnh mẽ giúp các xã vùng trong “chuyển mình”
|
MỸ LINH