Khói lửa bốc lên từ đám cháy rừng tại Công viên quốc gia Sequoia ở California, Mỹ, ngày 18-9-2021. Ảnh: AFP/TTXVN
Đây là kết luận của Cơ quan giám sát khí quyển Corpenicus công bố ngày 6-12.
Theo Corpenicus, biến đổi khí hậu làm nhiệt độ tăng cao và tình trạng khô hạn trên khắp thế giới, góp phần khiến các mùa cháy rừng mạnh hơn và kéo dài hơn. Cháy rừng dữ dội và kéo dài đã thải ra ước tính tổng cộng 1,76 tỉ tấn khí carbon, tương đương hơn 1/4 lượng khí thải hằng năm của Mỹ.
Cộng hòa Sakha ở Đông Bắc Siberia, Thổ Nhĩ Kỳ và miền Tây nước Mỹ ghi nhận lượng khí thải do cháy rừng cao nhất trong năm 2021. Cháy rừng cũng tàn phá các nước Albania, Algeria, Hy Lạp, Italy, Bắc Macedonia, Tây Ban Nha và Tunisia.
Nhà khoa học cấp cao tại Copernicus, Mark Parrington cho biết :"Gần hết năm 2021, chúng ta đã chứng kiến các khu vực rộng lớn trải qua cháy rừng dữ dội và kéo dài, một số trong đó ở mức chưa từng thấy trong 2 thập kỷ qua".
Theo nhà khoa học trên, năm 2020 là một trong những năm nóng nhất cho tới nay, và năm 2021 gần như chắc chắn là một trong 10 năm nóng nhất cho trong lịch sử.
Tháng 7 vừa qua, vụ cháy rừng Dixie bùng phát ở khu vực Bắc bang California của Mỹ và kéo dài hơn 3 tháng, trở thành vụ cháy rừng lớn thứ 2 trong lịch sử bang này. Các vụ cháy rừng ở California (Mỹ), Canada và khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương của Mỹ năm 2021 phát thải khoảng 83 triệu tấn carbon.
Nhiều nước ở các vùng Đông và Trung Địa Trung Hải cũng trải qua nhiều ngày cháy rừng mạnh trong mùa Hè, dẫn đến mật độ bụi mịn cao và ô nhiễm không khí. Trong tháng 7, cháy rừng tại Thổ Nhĩ Kỳ khiến nhiều người phải sơ tán và hàng nghìn động vật chết.
Ông Parrington cho rằng điều kiện thời tiết khô nóng hơn do tình trạng ấm lên toàn cầu làm gia tăng nguy cơ cháy rừng và điều này thể hiện qua những đám cháy cực lớn, lan nhanh và khó dập tắt. Ông nhấn mạnh: "Rõ rảng thực tế năm 2021 cho thấy biến đổi khí hậu đang tạo môi trường lý tưởng cho cháy rừng".
Theo THÚC ANH (TTXVN)