Đó là trường hợp của ông N.B.T. (60 tuổi, ngụ TPHCM), phải nhập viện cấp cứu nửa đêm với triệu chứng đau ngực khó thở. Tại khoa Nội tim mạch, Bệnh viện (BV) Nhân dân Gia Định, ông T. được chẩn đoán thuyên tắc phổi gần như toàn bộ hai bên kèm huyết khối trong tim.
Trước đó qua khai thác bệnh sử, vào tháng 11-2021 bệnh nhân mắc COVID-19 khi đã tiêm đủ 2 mũi vaccine, tự điều trị tại nhà, chỉ uống vitamin C mà không dùng thuốc kháng đông.
Hội chẩn khẩn, ekip điều trị chuyển ngay bệnh nhân vào khoa Phẫu thuật tim khi chỉ số SpO2 chỉ còn 79%, nhịp tim nhanh. Khi đang tiến hành thực hiện các thủ thuật gây mê, bệnh nhân ngưng tim. Vừa xoa bóp tim ngoài lồng ngực, các bác sĩ đồng thời tiêm adrenaline liên tục 32 ống vào đường tĩnh mạch nhưng 10 phút trôi qua, tim vẫn không đập lại.
TS.BS Bùi Minh Thành, Trưởng khoa Phẫu thuật tim cho biết, trước tình huống này ekip điều trị buộc phải cưa xương ức mở ngực khẩn, khâu mạch máu để khởi động hệ thống tuần hoàn ngoài cơ thể nhanh nhất có thể. Sau khi hạ thân nhiệt, liệt tim, bác sĩ tiến hành lấy huyết khối lấp đầy hai động mạch phổi và các nhánh, kiểm tra huyết khối trong các buồng tim.
Bệnh nhân thoát chết sau khi được phẫu thuật lấy huyết khối (Ảnh: BVCC).
Ca phẫu thuật kéo dài 4 giờ thành công. 24 giờ hậu phẫu, bệnh nhân tỉnh dần và được rút nội khí quản. 72 giờ sau đó, bệnh nhân ổn định về hô hấp tuần hoàn, nhưng vẫn còn ngủ nhiều, đến 96 giờ thì phục hồi gần như hoàn toàn.
Theo các bác sĩ, khi nhiễm COVID-19 bệnh nhân có tình trạng tăng đông máu, nhất là hệ thống mạch máu phổi, gây thuyên tắc các mạch máu, đi kèm tình trạng thương tổn các phế nang, độc tố gây viêm nhiễm xuất tiết… dẫn đến suy hô hấp nhanh, trầm trọng và thậm chí tử vong nếu không được can thiệp kịp thời.
Với bệnh nhân hậu COVID-19, tình trạng tăng đông dù có giảm nhưng vẫn còn. Do đó, bệnh nhân cần cảnh giác với các triệu chứng đau tức ngực, khó thở mặc dù chưa từng mắc bệnh tim.
"Vấn đề đặt ra là liệu trình điều trị kháng đông sẽ được áp dụng như thế nào? Nên sử dụng loại gì? Được theo dõi thế nào...." - bác sĩ phân tích và cho rằng cần có nhiều nghiên cứu lâm sàng để giải quyết hậu quả thuyên tắc mạch sau mắc COVID-19.
Nhiều bệnh nhân gặp vấn đề tổn thương phổi hậu COVID-19 (Ảnh: BVCC).
Tại hội nghị khoa học kỹ thuật diễn ra ngày 25-12 ở BV Hoàn Mỹ Thủ Đức, nhiều vấn đề chăm sóc, điều trị hậu COVID-19 đã được các chuyên gia mang ra bàn luận.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hội Phổi Việt Nam cho biết, hậu COVID-19 đã để lại di chứng hô hấp trầm trọng, kéo dài về hình ảnh học, lâm sàng và viêm, xơ phổi... Tổn thương phổi đôi khi rất nặng, diễn tiến nhanh gây suy hô hấp cấp, hội chứng suy hô hấp cấp tiến triển (ARDS). Đối với bệnh nhân lớn tuổi, có bệnh nền nặng sẽ có nguy cơ tử vong cao.
Ngoài ra, bệnh nhân hậu COVID-19 còn gặp các vấn đề về tâm lý, tâm thần (như trầm cảm, mất ngủ, lo âu sợ hãi, rối loạn ăn uống, nặng hơn có thể dẫn đến loạn thần, tự sát...). Nghiên cứu cho thấy, có 33% bệnh nhân COVID-19 nói chung và 46% bệnh nhân từng nằm trong phòng hồi sức (ICU) có vấn đề về sức khỏe tinh thần sau 6 tháng khỏi bệnh.
PGS.TS.BS Trần Văn Ngọc cho rằng để phòng ngừa hậu COVID-19, cần thực hiện đủ tiêm chủng vaccine, chấp hành nghiêm túc 5K, phát hiện sớm bệnh và điều trị sớm, kịp thời.
Từ ngày 2-8 đến ngày 20-10, Bệnh viện điều trị COVID-19 Hoàn Mỹ Thủ Đức đã tiếp nhận và điều trị cho 857 F0. Trong đó có 30 bệnh nhân tử vong.
Theo phân tích của BS CKI, Lã Thị Thanh Ngân, khoa Hồi sức Cấp cứu cùng cộng sự, trong 30 trường hợp tử vong, có 73% bệnh nhân tử vong trên 65 tuổi, 80% có bệnh nền đi kèm như tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh thận mạn. Tất cả bệnh nhân đều có chỉ số BMI khá cao (24.06 ± 3.47). 50% trường hợp không thể cứu chữa bị thừa cân và béo phì.
Các bác sĩ kết luận, bệnh nhân mắc COVID-19 tử vong đa phần lớn tuổi, nhập viện với tình trạng suy hô hấp, có tổn thương phổi nặng, giảm oxy máu, tăng bạch cầu máu, giảm lympho máu, có bệnh nền đi kèm.
Theo HOÀNG LÊ (Dân trí)