Chia sẻ nguồn nước, phát triển bền vững đất “Chín Rồng”

28/03/2024 - 04:49

 - Mặc dù được hưởng nguồn nước ngọt phong phú từ hạ lưu sông Mekong, nhưng ĐBSCL lại là vùng dễ bị tổn thương do biến đổi khí hậu, việc sử dụng nước chưa hiệu quả, đối mặt nguy cơ thiếu nước một số khu vực. Việc thống nhất trong chia sẻ, phân bố nguồn nước là cần thiết nhằm hướng đến phát triển “thuận thiên”, bền vững trong tương lai.

Thông điệp quốc tế

Trước tác động ngày càng rõ rệt của biến đổi khí hậu, vấn đề phát triển bền vững càng được cộng đồng quốc tế quan tâm. Nhân Ngày Nước thế giới 2024 (World Water Day 2024), Liên Hiệp Quốc đã chọn chủ đề “Nước cho hòa bình” (Water for Peace). Dịp này, Tổ chức Khí tượng thế giới (WMO) phát động Ngày Khí tượng Thế giới (23/3/2024) với chủ đề “Đứng tiên phong hành động khí hậu” (At the frontline of climate action), thúc đẩy các hoạt động giải quyết khủng hoảng khí hậu, tăng cường khả năng phục hồi, giảm nhẹ rủi ro thiên tai hay các hiện tượng thời tiết cực đoan...

Cần có cơ chế quản lý, chia sẻ nguồn nước ngọt vùng ĐBSCL

PGS.TS Lê Anh Tuấn (Trường Đại học Cần Thơ) cho biết, sở dĩ chủ đề “Nước cho hòa bình” được chọn bởi hầu hết các quốc gia trên toàn cầu đều nhận thức từ thực tế rằng, nước có thể tạo ra hòa bình khi có sự chia sẻ hoặc châm ngòi cho các xung đột do tranh giành quyền kiểm soát nguồn nước. Trong 3 mối quan hệ trọng tâm là nước - lương thực - năng lượng, nước vận hành hợp lý và quản lý công bằng sẽ bảo đảm hệ thống sản xuất lương thực và năng lượng, năng suất kinh tế quốc gia và tính toàn vẹn của môi trường, hệ sinh thái khu vực cũng như sức khỏe cộng đồng, sự thịnh vượng của xã hội.

Sông Mekong là ví dụ điển hình về các vấn đề nước xuyên biên giới. Nguồn nước trên lưu vực Mekong chảy qua 6 quốc gia, nuôi sống hơn 160 triệu người ở 2 bên bờ và góp phần đảm bảo an ninh lượng thực cho thế giới. Tuy nhiên, có những bất cập trong sử dụng nguồn nước, đã gây ra những mâu thuẫn về lợi ích và hiện diện nhiều rủi ro giữa các quốc gia phía thượng nguồn và hạ nguồn, giữa mưu cầu sử dụng nước cho thủy điện và nước cho nông nghiệp, thủy sản và sinh thái.

Cần cơ chế chia sẻ

Tại hội thảo “Quản lý, chia sẻ nguồn nước bền vững lưu vực sông Mekong ĐBSCL”, do Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) đăng cai tổ chức, các chuyên gia cho rằng, Việt Nam có nguồn nước ngọt khá phong phú nhưng là một trong những quốc gia sử dụng nước kém hiệu quả nhất hiện nay (bình quân thế giới khai thác giá trị hơn 20 USD/m3 nước, còn Việt Nam là 2,3 USD/m3 nước). Tại khu vực ĐBSCL, hiệu quả sử dụng nước hiện chưa cao và đang đối mặt với nhiều nguy cơ, bất cập.

Phó Giám đốc Sở TN&MT Tô Hoàng Môn cho biết, cũng như các tỉnh ĐBSCL, An Giang đang phải đối mặt với tác động ngày càng mạnh mẽ của biến đổi khí hậu, sự phát triển của các đập thủy điện thượng nguồn làm thay đổi dòng chảy. Điều này khiến tình trạng sạt lở tăng kỷ lục, sạt lở sâu trong các kênh, rạch nội đồng. Địa phương cũng đối mặt với nguy cơ hạn hán cục bộ, đặc biệt là khu vực vùng núi của huyện Thoại Sơn, Tri Tôn, TX. Tịnh Biên.

Theo ông Tô Hoàng Môn, An Giang là một trong những tỉnh đầu tiên của vùng ĐBSCL xây dựng quy hoạch tài nguyên nước; quy định chi tiết phân bổ nguồn nước cho nhu cầu sử dụng nước trong tỉnh. Đồng thời, tỉnh đảm bảo dòng chảy tối thiểu cho các địa phương hạ lưu sông Tiền, sông Hậu; xác định phân vùng chức năng sử dụng nguồn nước nhằm định hướng công tác bảo vệ và quản lý các nguồn nước trên địa bàn.

TS Lê Phát Quới, Phó Giám đốc Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh cho biết, dưới tác động của nhiều yếu tố, nguồn nước ngày càng thiếu hụt. Do đó, để sử dụng hiệu quả tài nguyên nước cho sản xuất, đời sống, các tỉnh vùng ĐBSCL cần đánh giá lại sự phân bố và tính chất các loại đất; tái cơ cấu hệ thống nông nghiệp, cây trồng; bổ sung hệ thống chứa và cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp. Các tỉnh cần nghiên cứu, xây dựng bản đồ về tính chất đất đai của từng vùng đất, khu vực cụ thể của vùng ĐBSCL. Từ đó, có kế hoạch phân bổ nguồn nước, cách thức trữ nước, tưới tiêu hiệu quả, phù hợp từng vùng đất, phục vụ sản xuất và sinh kế của người dân.

Hành động thống nhất

Nhiều tồn tại, bất cập trong quản lý tài nguyên nước của vùng ĐBSCL được các chuyên gia chỉ ra, như: Chưa dự đoán được nguồn nước sông Mekong đổ về sông Cửu Long do nhiều yếu tố tác động ở thượng nguồn; tình trạng sạt lở bờ sông và kênh, rạch, đê bao ngày càng gia tăng; sự suy giảm đa dạng sinh học, đặc biệt là thủy sản và ô nhiễm nguồn nước một số đoạn sông, kênh, rạch…

PGS.TS Lê Anh Tuấn cho biết, từ khi khai phá và định cư ở vùng đất mới, người dân miền Tây đã có truyền thống chia sẻ nguồn nước với nhau, biểu hiện qua những lu nước mưa để trước nhà cho khách bộ hành; người có ruộng bên ngoài mở đường nước cho người ruộng trong... Tuy nhiên, vài thập niên gần đây, do sức ép nhân khẩu, sản xuất, sinh kế và khó khăn nguồn nước, tại vùng châu thổ sông Cửu Long đã có những khác biệt trong cân đối nước cho các địa phương, đôi khi có tranh chấp nguồn nước. ĐBSCL đang bị đe dọa về tính ổn định xã hội, bền vững tài nguyên nước, môi trường.

Để bảo vệ nguồn nước cho vùng ĐBSCL, các tỉnh, thành phố trong vùng cần thống nhất cắt giảm công nghiệp xả thải thiếu kiểm soát; tăng cường bảo tồn nguồn nước, sử dụng hợp lý nguồn nước; quan trắc và giám sát chất lượng nước; chia sẻ nguồn nước… Các chuyên gia kiến nghị, Hội đồng điều phối vùng ĐBSCL cần xây dựng, triển khai hiệu quả quy hoạch tài nguyên nước lưu vực sông liên tỉnh, bảo đảm thống nhất trong quản lý, khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước hạ nguồn sông Mekong, gắn với tiêu chuẩn phát triển xanh, kinh tế tuần hoàn...

Hội thảo “Quản lý, chia sẻ nguồn nước bền vững lưu vực sông Mekong ĐBSCL” do Sở TN&MT tổ chức có sự tham gia của Cục Quản lý tài nguyên nước (Bộ TN&MT); Liên đoàn Điều tra tài nguyên nước miền Nam; Trường Đại học Cần Thơ; Trung tâm Khoa học Môi trường và Sinh thái TP. Hồ Chí Minh; nhóm công tác Kỹ thuật quản lý nước tiểu vùng Tứ giác Long Xuyên của tỉnh Kiên Giang; đại diện các sở, ngành tỉnh An Giang và các huyện, thị xã, thành phố. Các đại biểu đề nghị cần có hành động thống nhất về cách thức chia sẻ, sử dụng nguồn nước ngọt hiệu quả, “thuận thiên”, không đánh đổi phát triển với khai thác nguồn nước quá mức, thiếu bền vững.

NGÔ CHUẨN