Tàu vũ trụ Orion trên hành trình tới Mặt Trăng trong sứ mệnh Artemis 1. Ảnh (do NASA công bố ngày 16/11/2022): AFP/TTXVN
Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, chiến lược mới được Bộ Kinh tế và Bảo vệ khí hậu liên bang Đức (do Bộ trưởng Robert Habeck thuộc đảng Xanh lãnh đạo) hoạch định nhằm thay thế cho chiến lược đã có từ năm 2010. Cụ thể, Chính phủ Đức muốn thúc đẩy hơn nữa nền kinh tế thị trường và cạnh tranh trong không gian, thúc đẩy các công ty khởi nghiệp của Đức trong lĩnh vực tên lửa, chống biến đổi khí hậu từ không gian và sớm đưa một phi hành gia người Đức lên Mặt Trăng. Một số điểm cơ bản trong Chiến lược Không gian mới, bao gồm tăng cường tính cạnh tranh của các doanh nghiệp tư nhân trong lĩnh vực không gian.
Theo Chính phủ Đức, nước này có 125 công ty khởi nghiệp trong lĩnh vực không gian hoạt động vào thời điểm năm 2021. Những công ty này sẽ ngày càng có vai trò lớn hơn trong tương lai. Các tên lửa đẩy nhỏ sẽ đưa các vệ tinh nhỏ có kích thước chỉ tương đương với chiếc hộp đựng giày vào không gian và Đức cũng mong muốn sản phẩm của các công ty khởi nghiệp sẽ được Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) đặt hàng trong tương lai. Bà Anna Christmann, Điều phối viên về hàng không vũ trụ của Chính phủ Đức, cho rằng các hệ thống phóng siêu nhỏ, cả của Đức, sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai và Đức muốn tham gia vào chương trình hệ thống phóng mang tính cạnh tranh của châu Âu.
Điểm quan trọng thứ hai của chiến lược mới là thực hiện sứ mệnh Mặt Trăng, với mong muốn trở thành đối tác có uy tín trong công cuộc khám phá Mặt Trăng. Đức từng có đóng góp quan trọng cho các sứ mệnh Mặt Trăng Artemis của Mỹ, chẳng hạn như thông qua việc chế tạo một phần tàu vũ trụ Orion ở Bremen. Sứ mệnh Artemis này nhằm đưa con người lên Mặt Trăng vào năm 2025, lần đầu tiên kể từ năm 1972. Điều phối viên Christmann bày tỏ tin tưởng rằng các phi hành gia Đức cũng có thể đi bộ trên Mặt Trăng trong tương lai.
Điểm cơ bản thứ ba trong chiến lược mới là chống biến đổi khí hậu từ không gian vũ trụ. Ngày nay, các vệ tinh khí tượng có thể được sử dụng để phát hiện sớm sự biến đổi khí hậu. Chính phủ Đức muốn thúc đẩy lĩnh vực này và xây dựng một "hệ thống giám sát khí nhà kính tích hợp" cho Đức. Việc đo lường chính xác hơn các nguồn CO2 từ không gian sẽ góp phần đạt được các mục tiêu về khí hậu của châu Âu. Điểm nổi bật thứ tư được nhắc tới trong chiến lược là vấn đề địa chính trị trong không gian. Là quốc gia sản xuất công nghệ cao, Đức phụ thuộc vào việc sử dụng không gian một cách tự do và không bị cản trở. Quyền truy cập an toàn vào các công nghệ vũ trụ hiện đại và các dịch vụ trong không gian là điều tối quan trọng xét cả về lý do kinh tế lẫn an ninh. Đặc biệt, các cuộc xung đột càng cho thấy tầm quan trọng của hệ thống không gian khi xung đột xảy ra. Do vậy, Đức đặt mục tiêu thành lập một "trung tâm tình hình không gian liên ngành" vào năm 2030. Một điểm quan trọng nữa trong chiến lược mới của Đức là tính bền vững trong không gian, nhấn mạnh rằng không gian - một dạng hàng hoá công cộng toàn cầu - cần phải được duy trì và bảo vệ cho các thế hệ tương lai. Để tạo sự bền vững hơn trong không gian, Đức muốn ban hành luật không gian quốc gia liên quan tới yêu cầu phê duyệt và giám sát các hoạt động không gian.
Tuy gia tăng mức đóng góp và là nước đóng góp lớn nhất cho ESA với 3,5 tỷ euro trong giai đoạn 2023-2025, song Chương trình Không gian quốc gia của Đức lại bị cắt giảm lớn. Trong năm 2024, Chính phủ Đức dự kiến chi dưới 314 triệu euro, giảm 15% so với năm nay. Đây cũng là lý do tại sao Chính phủ Đức muốn dựa nhiều hơn vào nguồn vốn tư nhân trong lĩnh vực không gian. Chiến lược Không gian mới là chiến lược thứ 3 được Chính phủ Đức thông qua trong thời gian gần đây, sau Chiến lược An ninh quốc gia và Chiến lược đối với Trung Quốc.
Theo TTXVN