Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 12-2020

27/11/2020 - 18:06

 - Nhiều chính sách mới trong lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 1 năm; khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng; xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập... sẽ chính thức có hiệu lực từ tháng 12-2020.

Thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 1 năm

Ngày 19-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định 125/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn, có hiệu lực từ ngày 5-12. Theo đó, thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính về thuế, hóa đơn là 1 năm, kể từ ngày ra quyết định xử phạt. Quá thời hiệu thi hành nêu trên mà cơ quan thuế chưa thực hiện giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định này thì không thi hành quyết định xử phạt.

Trường hợp quyết định xử phạt có áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả thì vẫn áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả. Trường hợp cá nhân, tổ chức bị xử phạt cố tình trốn tránh, trì hoãn thì thời hiệu thi hành quyết định xử phạt được tính kể từ thời điểm chấm dứt hành vi trốn tránh, trì hoãn. Trường hợp cơ quan thuế đã giao, gửi quyết định xử phạt vi phạm hành chính cho tổ chức, cá nhân vi phạm theo quy định tại Điều 39 Nghị định này nhưng cá nhân, tổ chức bị xử phạt chưa nộp hoặc chưa nộp đủ tiền phạt, tiền thuế truy thu, tiền chậm nộp thì cơ quan thuế phải theo dõi các khoản tiền chưa nộp trên hệ thống quản lý thuế và áp dụng các biện pháp cưỡng chế nợ thuế theo quy định để thu đủ số tiền phải nộp vào ngân sách nhà nước.

Từ ngày 5-12, ngân hàng cung cấp thông tin tài khoản cho cơ quan thuế

Đây là thông tin đáng chú ý tại Nghị định 126/2020/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý thuế, có hiệu lực từ ngày 5-12. Khoản 2, Điều 30 của Nghị định nêu rõ, theo đề nghị của cơ quan quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin tài khoản thanh toán của từng người nộp thuế, bao gồm: tên chủ tài khoản, số hiệu tài khoản theo mã số thuế đã được cơ quan quản lý thuế cấp, ngày mở tài khoản, ngày đóng tài khoản.

Trong trường hợp cần thanh tra, kiểm tra xác định nghĩa vụ thuế phải nộp và thực hiện các biện pháp cưỡng chế thi hành quyết định hành chính về quản lý thuế, ngân hàng thương mại cung cấp thông tin giao dịch qua tài khoản, số dư tài khoản, số liệu giao dịch theo đề nghị của thủ trưởng cơ quan quản lý thuế. Cơ quan quản lý thuế có trách nhiệm bảo mật thông tin và hoàn toàn chịu trách nhiệm về sự an toàn của các thông tin trên.

Khai sai số tiền mang theo khi xuất cảnh bị phạt đến 50 triệu đồng

Nghị định số 128/2020/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hải quan quy định các mức phạt đối với người xuất cảnh không khai, khai sai số tiền, vàng mang ra nước ngoài vượt quá mức quy định.

Cụ thể: phạt từ 1-3 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá giá trị từ 5-10 triệu đồng. Phạt từ 5 - 15 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá giá trị từ 30 - dưới 70 triệu đồng. Phạt từ 15-25 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá giá trị từ 70 - dưới 100 triệu đồng. Phạt từ 30 - 50 triệu đồng nếu số tiền, vàng vượt quá giá trị từ 100 triệu đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Nghị định có hiệu lực từ ngày 10-12.

Xử lý hành vi vi phạm đối với người kê khai tài sản, thu nhập

Ngày 30-10-2020, Chính phủ ban hành Nghị định số 130/2020/NĐ-CP về kiểm soát tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn trong cơ quan, tổ chức, đơn vị, có hiệu lực từ ngày 20-12. Theo đó, người có nghĩa vụ kê khai mà kê khai không trung thực, giải trình nguồn gốc của tài sản, thu nhập tăng thêm không trung thực thì tùy theo tính chất, mức độ mà bị xử lý theo quy định tại Điều 51 Luật Phòng, chống tham nhũng. Người có nghĩa vụ kê khai mà tẩu tán, che giấu tài sản, thu nhập, cản trở hoạt động kiểm soát tài sản, thu nhập, không nộp bản kê khai sau 2 lần được đôn đốc bằng văn bản thì tùy theo tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý bằng một trong các hình thức: cảnh cáo, hạ bậc lương, giáng chức, cách chức, bãi nhiệm, buộc thôi việc, giáng cấp bậc quân hàm, giáng cấp bậc hàm.

Người tố cáo (theo Luật Tố cáo) là người lao động theo hợp đồng sẽ không bị phân biệt đối xử

Ngày 15-10-2020, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH, hướng dẫn về bảo vệ việc làm của người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động. Theo đó, trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người tố cáo là người làm việc theo hợp đồng lao động quy định tại Điều 7 Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH bao gồm: không được phân biệt đối xử về việc làm đối với người được bảo vệ; không được trả thù, trù dập, đe dọa làm ảnh hưởng đến việc làm, các khoản thu nhập và lợi ích hợp pháp khác từ việc làm của người được bảo vệ; thực hiện kịp thời, đầy đủ các biện pháp bảo vệ việc làm cho người được bảo vệ theo yêu cầu, đề nghị của cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ; báo cáo cơ quan quyết định áp dụng biện pháp bảo vệ việc làm và thông báo cho tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở về kết quả thực hiện biện pháp bảo vệ; cơ quan chủ quản của doanh nghiệp, cơ quan, đơn vị, tổ chức, cơ sở sản xuất - kinh doanh; người sử dụng lao động chính đối với trường hợp người được bảo vệ làm việc tại chi nhánh, văn phòng đại diện, đơn vị trực thuộc có trách nhiệm phối hợp, cung cấp.

Tại Điều 3, Thông tư số 08/2020/TT-BLĐTBXH xác định: người làm việc theo hợp đồng lao động là người lao động theo quy định của pháp luật lao động, bao gồm cả người làm việc theo chế độ hợp đồng lao động đối với một số công việc trong cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp. Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 1-12.

K.N