Không được sử dụng xe ôtô cải tạo
Từ ngày 1/9/2022, Nghị định 47/2022/NĐ-CP siết chặt hoạt động kinh doanh vận tải. Phải kể đến yêu cầu không được sử dụng xe ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ (tính cả lái xe) để kinh doanh vận tải hành khách. Thực tế, để nâng cấp dịch vụ đón trả khách liên tỉnh, nhiều nhà xe đã cải tạo dòng xe 16 chỗ thành xe dưới 10 chỗ (gọi là Limousine) để chở khách.
Khoản 3, Điều 2 Nghị định 47/2022/NĐ-CP nêu rõ: “Xe ôtô cải tạo từ xe có sức chứa từ 10 chỗ trở lên thành xe ôtô dưới 10 chỗ (kể cả lái xe) đã được cấp phù hiệu, biển hiệu trước ngày nghị định này có hiệu lực thì tiếp tục được sử dụng để kinh doanh vận tải hành khách đến hết niên hạn sử dụng theo quy định”. Như vậy, xe Limousine được cải tạo từ ngày 1/9/2022 sẽ không được cấp phù hiệu để kinh doanh vận tải hành khách.
Ký gửi hàng trên xe khách phải cung cấp ít nhất 5 thông tin
Đây cũng là nội dung đáng chú ý được quy định tại Nghị định 47/2022/NĐ-CP. Khoản 1, Điều 1 Nghị định 47/2022/NĐ-CP bổ sung quy định: Đơn vị kinh doanh vận tải hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ trên xe (nếu có) khi nhận hàng hóa ký gửi xe ôtô (người gửi hàng hoá không đi theo xe) phải yêu cầu người gửi hàng hóa cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin về: Tên hàng hóa, cân nặng (nếu có), họ và tên, địa chỉ, số chứng minh nhân dân/thẻ căn cước công dân, điện thoại liên hệ của người gửi và người nhận.
Do vậy, từ ngày 1/9/2022, khi gửi hàng trên xe khách, người gửi bắt buộc phải cung cấp ít nhất 5 thông tin cho nhà xe, lái xe, nhân viên phục vụ (nếu có).
Thí điểm đưa phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam
Đây là nội dung đáng chú ý được ghi nhận tại Nghị quyết 54/2022/QH15, được Quốc hội thông qua ngày 16/6/2022, có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. Theo đó, áp dụng thí điểm mô hình này không quá 1/3 tổng số trại giam thuộc Bộ Công an. Việc tổ chức hoạt động lao động, học nghề cho phạm nhân ngoài trại giam phải: Bảo đảm an ninh, an toàn; phục vụ hiệu quả công tác giáo dục cải tạo, tái hòa nhập cộng đồng cho phạm nhân; tạo điều kiện để phạm nhân tìm kiếm việc làm sau khi chấp hành xong án tù.
Phạm nhân lao động, học nghề ngoài trại giam trên cơ sở tự nguyện, bình đẳng và được trả một phần công lao động; thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định của Luật Thi hành án hình sự. Thu nhập từ kết quả lao động, học nghề của phạm nhân ngoài trại giam của đơn vị hợp tác với trại giam trong thời gian thí điểm được miễn thuế thu nhập doanh nghiệp. Phạm nhân không được tham gia lao động, học nghề ngoài trại giam, gồm: Phạm một trong các tội về xâm phạm an ninh quốc gia, phá hoại hòa bình, chống loài người và tội phạm chiến tranh; phạm nhân đã bị kết án từ 2 lần trở lên; phạm nhân tái phạm nguy hiểm…
Tiết lộ bí mật điều tra có thể bị phạt đến 30 triệu đồng
Pháp lệnh 02/2022/UBTVQH15 có hiệu lực từ ngày 1/9/2022. Theo đó, quy định về xử phạt hành vi tiết lộ bí mật điều tra như sau: Phạt tiền từ 4-8 triệu đồng đối với người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra (mặc dù đã được điều tra viên, cán bộ điều tra, kiểm sát viên hoặc kiểm tra viên yêu cầu phải giữ bí mật). Phạt tiền từ 8-15 triệu đồng đối với hành vi: Người tham gia tố tụng tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra, mặc dù đã được yêu cầu phải giữ bí mật; luật sư tiết lộ bí mật điều tra mặc dù đã được yêu cầu phải giữ bí mật. Phạt tiền từ 15-30 triệu đồng đối với luật sư tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
Bên cạnh đó, quy định biện pháp khắc phục hậu quả như sau: Buộc thu hồi thông tin, tài liệu, dữ liệu, vật có chứa bí mật điều tra; buộc gỡ bỏ thông tin, tài liệu, dữ liệu có chứa bí mật điều tra; buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi tiết lộ bí mật điều tra làm trì hoãn, kéo dài thời gian điều tra.
K.N