Chính sách mới về công chức, viên chức

04/10/2023 - 08:12

Từ nay đến cuối năm 2023, nhiều chính sách mới được áp dụng đối với đội ngũ công chức, viên chức, liên quan đến lương, luân chuyển vị trí, đánh giá, xếp loại…

Hướng dẫn xếp lương viên chức giáo dục nghề nghiệp

Thông tư 07/2023/TT-BLĐTBXH quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp; xếp lương, thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức chuyên ngành giáo dục nghề nghiệp do Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành, có hiệu lực từ ngày 15/10/2023.

Theo đó, giảng viên giáo dục nghề nghiệp gồm 4 chức danh: Giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành. Giáo viên giáo dục nghề nghiệp gồm 5 chức danh: Giáo viên dạy nghề cao cấp, chính, lý thuyết, thực hành và giáo viên giáo dục nghề nghiệp.

Với các chức danh khác nhau, việc xếp lương cũng khác nhau. Cao nhất, giảng viên giáo dục nghề nghiệp cao cấp (hệ số lương 6,2 - 8,0) tương đương với mức lương hơn 11 - 14,4 triệu đồng. Thấp nhất là giáo viên giáo dục nghề nghiệp (hưởng hệ số lương 1,86 - 4,06), tương đương mức lương hàng tháng trên 3,3 - 7,3 triệu đồng.

Công chức cấp phiếu lý lịch tư pháp phải chuyển công tác 5 năm/lần

Từ ngày 7/10/2023, Thông tư 05/2023/TT-BTP của Bộ Tư pháp chính thức có hiệu lực. Theo đó, danh mục vị trí công tác định kỳ chuyển đổi trong các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý của Bộ Tư pháp tại chính quyền địa phương, bao gồm: Lĩnh vực tư pháp (vị trí giải quyết yêu cầu cấp phiếu lý lịch tư pháp); lĩnh vực hộ tịch, quốc tịch (vị trí giải quyết thủ tục đăng ký kết hôn có yếu tố nước ngoài; giải quyết việc thay đổi, bổ sung, cải chính hộ tịch; giải quyết việc xin thôi, xin trở lại, xin nhập quốc tịch Việt Nam…).

Bổ sung hướng dẫn xếp loại công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng

Nếu quy định cũ tại Khoản 4, Điều 2 Nghị định 90/2020/NĐ-CP chỉ nêu sử dụng kết quả đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức để liên thông đánh giá, xếp loại chất lượng đảng viên, thì điểm mới trong đánh giá công chức từ ngày 15/9/2023 đã bổ sung chi tiết hướng dẫn xếp loại, đánh giá cán bộ, công chức, viên chức đã bị kỷ luật Đảng hoặc kỷ luật hành chính.

Cán bộ, công chức, viên chức bị kỷ luật Đảng/hành chính trong năm đánh giá, xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trừ trường hợp: Cán bộ, công chức, viên chức vi phạm nhưng chưa có quyết định xử lý kỷ luật, đã được dùng làm căn cứ để xếp loại không hoàn thành nhiệm vụ trong năm đánh giá. Quyết định xử lý kỷ luật ban hành sau năm đánh giá với vi phạm đó không được tính để đánh giá, xếp loại ở năm có quyết định kỷ luật. Cán bộ, công chức, viên chức là đảng viên, đã bị kỷ luật Đảng và kỷ luật hành chính về cùng 1 vi phạm nhưng 2 quyết định này không có hiệu lực trong cùng năm đánh giá thì chỉ tính ở 1 năm đánh giá.

Ngoài ra, về tỷ lệ cán bộ, công chức, viên chức xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ trong tổng số cán bộ, công chức, viên chức tại cùng cơ quan, đơn vị và với từng nhóm đối tượng có nhiệm vụ tương đồng phải tương đương với tỷ lệ đảng viên được xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.

Nghị định 48/2023/NĐ-CP còn sửa tiêu chí xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ. Cụ thể, một trong các tiêu chí làm căn cứ xếp loại cán bộ, công chức, viên chức không hoàn thành nhiệm vụ đã được sửa từ “có hành vi vi phạm trong quá trình thực thi nhiệm vụ bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá” thành “có hành vi vi phạm bị xử lý kỷ luật trong năm đánh giá”.

Như vậy, thống nhất ở cả cán bộ, công chức, viên chức việc bỏ cụm từ “trong quá trình thực thi nhiệm vụ”. Đồng nghĩa với đó là mở rộng phạm vi đánh giá, xếp loại chất lượng cán bộ, công chức, viên chức ở mức không hoàn thành nhiệm vụ. Không còn giới hạn những hành vi bị kỷ luật trong quá trình thực thi nhiệm vụ nữa, mà trong bất cứ trường hợp nào, khi bị kỷ luật trong năm đánh giá thì cán bộ, công chức, viên chức đều có thể bị xem xét đánh giá, xếp loại chất lượng ở mức không hoàn thành nhiệm vụ.                                                                                                                   

K.N