Chính sách mới về kinh tế - xã hội

05/04/2022 - 06:40

 - Nhiều chính sách mới trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, như: Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu; kiểm tra đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài; định mức chi xúc tiến, quảng bá du lịch từ ngân sách nhà nước... chính thức có hiệu lực từ tháng 4/2022.

Định mức chi xúc tiến, quảng bá du lịch từ ngân sách nhà nước

Thông tư 12/2022/TT-BTC (hướng dẫn nội dung và mức chi từ ngân sách nhà nước để thực hiện nhiệm vụ xúc tiến, quảng bá và hỗ trợ phát triển du lịch (DL) của Quỹ Hỗ trợ phát triển DL) có hiệu lực từ ngày 9/4/2022.

Theo đó, chi thanh toán công tác phí cho đối tượng được cử tham gia các chương trình xúc tiến DL ở nước ngoài thực hiện theo Thông tư 102/2012/TT-BTC, ngày 21/6/2012. Chi tổ chức cuộc thi trong nước tìm hiểu, sáng kiến về xúc tiến, quảng bá DL nhằm khẳng định thương hiệu DLViệt Nam do Quỹ tổ chức, biên soạn đề thi và đáp án (nếu có) mức tối đa 1 triệu đồng/đề thi; bồi dưỡng chấm thi, ban giám khảo cuộc thi, xét công bố kết quả thi mức tối đa 500.000 đồng/người/buổi; bồi dưỡng thành viên ban tổ chức, thư ký cuộc thi mức tối đa 350.000 đồng/người/buổi...

4 nguyên tắc thực hiện nghi lễ đối ngoại

Nghị định 18/2022/NĐ-CP về nghi lễ đối ngoại có hiệu lực từ ngày 10/4/2022. Cơ quan chủ trì thực hiện nghi lễ đối ngoại phải tuân thủ các quy định của Hiến pháp, pháp luật Việt Nam, pháp luật và thông lệ quốc tế.

Việc tổ chức nghi lễ đối ngoại phải được thực hiện thống nhất trong toàn hệ thống chính trị bao gồm các cơ quan Đảng và nhà nước, phục vụ yêu cầu chính trị, đối ngoại của Đảng và nhà nước, khẳng định được vị thế và vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam đối với hệ thống chính trị Việt Nam. Cơ quan chủ trì kiến nghị các biện pháp nghi lễ đối ngoại trên cơ sở, có đi có lại; chú trọng xử lý khác biệt giữa hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa Việt Nam với hệ thống chính trị, phong tục, văn hóa nước khách. Các trường hợp đặc biệt sẽ thực hiện theo đề án riêng và báo cáo cấp thẩm quyền quyết định.

Nội dung kiểm tra đối với dự án có vốn đầu tư nước ngoài

Thông tư 02/2022/TT-BKHĐT hướng dẫn về công tác giám sát, đánh giá đầu tư đối với hoạt động đầu tư nước ngoài tại Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/4/2022.

Theo đó, nội dung kiểm tra tổ chức kinh tế, dự án có vốn đầu tư nước ngoài, gồm: Tiến độ góp vốn điều lệ, tiến độ giải ngân vốn đầu tư đã đăng ký; tình hình góp vốn pháp định (đối với ngành, lĩnh vực có quy định vốn pháp định); việc thực hiện các nghĩa vụ tài chính đối với nhà nước; việc thực hiện các quy định về lao động, quản lý ngoại hối, môi trường, đất đai, xây dựng, phòng cháy chữa cháy và các quy định về pháp luật chuyên ngành khác; tình hình tài chính của tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài…

Tùy mục đích, yêu cầu của công tác kiểm tra và theo tính chất, đặc điểm của dự án có vốn đầu tư nước ngoài, nội dung kiểm tra có thể bao gồm toàn bộ hay một phần các nội dung theo quy định tại Điều 8 thông tư này.

Giảm thuế bảo vệ môi trường đối với xăng dầu

Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua nghị quyết giảm thuế bảo vệ môi trường với xăng, dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn.

Trong đó: Xăng (trừ etanol) giảm 2.000 đồng/lít, từ 4.000 đồng/lít xuống 2.000 đồng/lít. Dầu diesel, dầu mazut, dầu nhờn giảm 1.000 đồng/lít, từ 2.000 đồng/lít xuống 1.000 đồng/lít. Mỡ nhờn giảm 1.000 đồng/kg, từ 2.000 đồng/kg xuống 1.000 đồng/kg. Dầu hỏa giảm 700 đồng/lít, từ 1.000 đồng/lít xuống mức sàn 300 đồng/lít. Riêng nhiên liệu bay giữ như mức hiện hành đang được giảm là 1.500 đồng/lít theo Nghị quyết 13/2021/UBTVQH15, ngày 31/12/2021 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Thời gian áp dụng từ ngày 1/4/2022 đến hết 31/12/2022. Từ ngày 1/1/2023, mức thuế này sẽ quay về mức cũ theo Nghị quyết 579/2018/UBTVQH14.

Nới điều kiện để trở thành giảng viên đại học, cao đẳng sư phạm

Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT (có hiệu lực từ ngày 19/4/2022) đã sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan bổ nhiệm giảng viên tại các trường cao đẳng sư phạm, đại học của Thông tư 35/2020/TT-BGDĐT và Thông tư 40/2020/TT-BGDĐT.

Theo đó, thay vì yêu cầu có chứng chỉ bồi dưỡng tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên riêng theo từng hạng (I, II, III) như trước, Thông tư 04/2022/TT-BGDĐT đã cho phép áp dụng tiêu chuẩn chung là có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên cao đẳng sư phạm hoặc theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên đại học.

Ngoài ra, thông tư mới cũng nêu rõ, viên chức đã có chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp của hạng viên chức giảng dạy trước ngày 30/6/2022 được xác định là đáp ứng yêu cầu về chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên. Đồng thời, còn được sử dụng chứng chỉ này khi tham dự kỳ thi hoặc xét thăng hạng và không phải học chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp giảng viên.

K.N