Chính sách, pháp luật mới tháng 2-2022

14/02/2022 - 07:40

 - Nhiều chính sách, pháp luật mới có hiệu lực trong tháng 2-2022, như: Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên đảm bảo toàn diện, chính xác; miễn tiền sử dụng đất cho người có công; người lao động (NLĐ) thời vụ tăng thời gian làm thêm lên 40 giờ/tháng; được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng.

Miễn tiền sử dụng đất cho người có công

Nghị định 131/2021/NĐ-CP, ngày 30-12-2021 (có hiệu lực từ ngày 15-2-2022) quy định chi tiết và biện pháp thi hành Pháp lệnh Ưu đãi người có công với cách mạng, trong đó, miễn tiền sử dụng đất cho người có công. Cụ thể, miễn tiền sử dụng đất trong hạn mức giao đất ở khi nhà nước giao đất ở, chuyển mục đích sử dụng đất ở, công nhận quyền sử dụng đất ở, khi được mua nhà ở thuộc sở hữu của nhà nước đối với: Người hoạt động cách mạng trước ngày 1-1-1945; Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động trong thời kỳ kháng chiến; mẹ Việt Nam Anh hùng; thương binh (bao gồm cả thương binh loại B được công nhận trước ngày 31-12-1993).

Ngoài ra, còn có người hưởng chính sách như thương binh, bệnh binh, người hoạt động kháng chiến bị nhiễm chất độc hóa học có tỷ lệ tổn thương cơ thể từ 81% trở lên; thân nhân liệt sĩ đang hưởng trợ cấp tuất nuôi dưỡng hàng tháng. Miễn tiền sử dụng đất khi mua nhà ở (loại nhà nhiều tầng nhiều hộ ở) đang thuê thuộc sở hữu của nhà nước theo Nghị định 61/CP, ngày 5-7-1994 của Chính phủ đối với người hoạt động cách mạng từ ngày 1-1-1945 đến ngày khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945. 

Được trở lại vị trí công tác sau khi có kết luận không tham nhũng

 Nghị định 134/2021/NĐ-CP, ngày 30-12-2021 (sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 59/2019/NĐ-CP, ngày 1-7-2019 của Chính phủ, quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Phòng, chống tham nhũng) có hiệu lực từ ngày 15-2-2022. Đáng chú ý, người bị tạm đình chỉ công tác, tạm thời chuyển vị trí công tác khác được trở lại vị trí công tác ban đầu sau khi cơ quan, tổ chức có thẩm quyền kết luận người đó không có hành vi tham nhũng.

Cũng theo Nghị định 134/2021/NĐ-CP, vụ việc tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng là vụ việc mà người có hành vi tham nhũng bị xử lý bằng hình thức phạt tù từ trên 15 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình (quy định cũ là từ trên 5 năm đến 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình).

Đánh giá học viên giáo dục thường xuyên

Thông tư 43/2021/TT-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo có hiệu lực từ ngày 14-2-2022, quy định đánh giá học viên theo học Chương trình giáo dục thường xuyên cấp THCS và THPT. Theo đó, chú trọng đánh giá vì sự tiến bộ của học viên; coi trọng việc động viên, khuyến khích sự cố gắng trong rèn luyện và học tập; không so sánh học viên với nhau, bảo đảm tính chính xác, toàn diện, công bằng, trung thực và khách quan.

Về đánh giá bằng nhận xét, giáo viên nói hoặc viết nhận xét kết quả thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên. Trong đó, nhận xét sự tiến bộ, ưu điểm nổi bật, hạn chế chủ yếu của học viên trong quá trình rèn luyện và học tập. Đánh giá bằng điểm số thông qua các hình thức kiểm tra thực hiện nhiệm vụ rèn luyện và học tập của học viên, phù hợp với đặc thù của môn học.

Thông tư này thực hiện theo lộ trình năm học 2021-2022 đối với lớp 6. Từ năm học 2022-2023 đối với lớp 7 và lớp 10. Từ năm học 2023-2024 đối với lớp 8 và lớp 11. Từ năm học 2024-2025 đối với lớp 9 và lớp 12.

Quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài

Có hiệu lực thi hành từ ngày 15-2-2022, Thông tư 23/2021/TT-NHNN của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 52/2018/TT-NHNN, ngày 31-12-2018, quy định xếp hạng tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.

Một trong những điểm đáng chú ý là quy định về xếp hạng E (yếu kém) của các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Cụ thể, ngoài quy định nêu tại Khoản 5, Điều 20 của thông tư này, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài xếp hạng E nếu lâm vào một trong các trường hợp: Mất, có nguy cơ mất khả năng chi trả hoặc mất, có nguy cơ mất khả năng thanh toán theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; số lỗ lũy kế lớn hơn 50% giá trị của vốn điều lệ và các quỹ dự trữ; không duy trì được tỷ lệ an toàn vốn quy định trong thời gian 12 tháng liên tục, hoặc tỷ lệ an toàn vốn thấp hơn 4% trong thời gian 6 tháng liên tục.

Người lao động thời vụ tăng thời gian làm thêm lên 40 giờ/tháng

Thông tư 18/2021/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội có hiệu lực từ ngày 1-2-2022, thay thế Thông tư 54/2015/TT-BLĐTBXH, quy định về thời giờ làm việc, thời giờ nghỉ ngơi đối với NLĐ làm công việc sản xuất có tính thời vụ, công việc gia công theo đơn đặt hàng. Đối tượng áp dụng là NLĐ làm việc theo chế độ hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ đủ 12 tháng đến 36 tháng; hợp đồng lao động không xác định thời hạn làm một số công việc cụ thể.

Theo đó, số giờ làm thêm của NLĐ thời vụ tăng lên 40 giờ/tháng. Trước đây, tổng số giờ làm thêm là 32 giờ/tháng. Tổng số giờ làm việc tiêu chuẩn và số giờ làm thêm trong 1 tuần cũng tăng lên 72 giờ/tuần (trước là 60 giờ/tuần).Về thời giờ nghỉ ngơi ngày, hàng tuần, NLĐ được nghỉ ít nhất 1 ngày (24 giờ liên tục). Trong những tháng thời vụ hoặc phải gấp rút gia công hàng xuất khẩu theo đơn đặt hàng, nếu không nghỉ hàng tuần thì phải bảo đảm hàng tháng có ít nhất 4 ngày nghỉ cho NLĐ.

N.R

 

Liên kết hữu ích