Chỗ dựa của bệnh nhân nghèo

26/02/2020 - 04:30

 - 15 năm qua, Phòng khám nhân đạo xã Cô Tô (Tri Tôn, An Giang) trở thành địa chỉ quen thuộc của nhiều bà con nghèo trong và ngoài địa phương đến khám và chữa bệnh. Ngoài việc không thu tiền khám bệnh, tiền thuốc, bệnh nhân và người nhà còn được đội ngũ y, bác sĩ ở đây đối xử như người thân trong gia đình, được ăn, ở miễn phí trong thời gian lưu bệnh.

Đến với phòng khám, người bệnh được đối xử như người thân trong gia đình

Ý tưởng thành lập phòng khám nhân đạo xã Cô Tô xuất phát từ tấm lòng “lá lành đùm lá rách” của bà Nguyễn Thị Tuyết Vân. Bà Vân cũng chính là người phụ trách chính phòng khám. Ngoài việc bỏ tiền túi xây dựng cơ sở vật chất cho phòng khám, bà Vân còn vận động các nhà hảo tâm đóng góp kinh phí mua máy móc, thiết bị chuyên dụng để chữa bệnh cho bệnh nhân nghèo mắc bệnh tai biến.

“Trước đây, gia đình có người bị tai biến, đi lại, sinh hoạt rất khó khăn. Nhìn thấy người nhà mình như vậy, nghĩ đến những người chẳng mai bị tai biến khác, sẵn có nghề y nên tôi ước ao có một nơi để giúp đỡ mọi người. Có thể không thể hồi phục được như xưa, nhưng sẽ giúp người bệnh tự đi lại, sinh hoạt được, không phải dựa vào người khác”- bà Vân chia sẻ.

Phòng khám nhân đạo xã Cô Tô có 2 khu là khu điều trị và nấu ăn, được trang bị máy châm cứu, máy xung chân, máy xung điện, máy ion... hỗ trợ cho việc điều trị bệnh. Người bệnh đến phòng khám được các y, bác sĩ ở phòng khám bắt mạch, hốt thuốc nam, ngâm chân, xông chân, ấn huyệt, máy laser, châm cứu...  và thực hiện hoàn toàn miễn phí.

Theo bà Vân, thời gian qua, phòng khám nhận được sự giúp đỡ rất nhiệt tình của các nhà hảo tâm trong và ngoài địa phương về vật chất (tiền, gạo, rau cải...) và tinh thần để phòng khám hoạt động ngày càng hiệu quả hơn.

“Đội ngũ hân viên phòng khám tuy không ổn định nhưng rất nhiệt tình, gần gũi, hết lòng tận tụy vì bà con nghèo. Bên cạnh đó, mỗi cá nhân trong phòng khám thường xuyên vận động các doanh nghiệp, nhà hảo tâm chung tay đóng góp vì bệnh nhân nghèo”- bà Vân thông tin.

Bằng các phương pháp diện chuẩn, túc chuẩn, mỗi năm, phòng khám đã khám và điều trị cho hàng ngàn lượt bệnh nhân, với kinh phí hàng trăm triệu đồng. Theo bà Vân, mỗi ngày phòng khám tiếp nhận khoảng 10 bệnh nhân mới.

Ngoài ra, phòng khám còn điều trị cho trên 20 bệnh nhân nội trú, lúc cao điểm có khi lên đến cả trăm người. Bệnh nhân đến phòng khám đa phần để điều trị những bệnh, như: tai biến mạch máu não, nhức mỏi, phục hồi chức năng sau tai biến.

Nhiều người bị bệnh nặng, đi đứng, nói năng không được, sau 3 tháng điều trị đã thuyên giảm rất nhiều, có thể tự đi lại. Không kể giàu, nghèo, bệnh nhân đến với phòng khám đều được điều trị hoàn toàn miễn phí. Những bệnh nhân ở xa còn được hỗ trợ chỗ ở cũng như người nhà theo chăm sóc.

Tổ từ thiện của phòng khám còn phục vụ miễn phí nước nóng, cơm, cháo cho bệnh nhân và người nhà. Đồng thời, kết hợp các tổ chức và cá nhân khác thực hiện các chuyến khám, chữa bệnh miễn phí cho bà con nghèo vùng sâu, vùng xa…

Bằng việc làm ý nghĩa, phòng khám nhận được sự giúp đỡ của nhiều đoàn thiện nguyện đến thăm và trao quà giúp đỡ cho các bệnh nhân nghèo đang điều trị bệnh tại đây.

“Do hoàn cảnh khó khăn không tiền chạy chữa, nghe nói ở đây khám và hỗ trợ thuốc thang miễn phí nên tôi đưa vợ đến đây để điều trị. Không chỉ được chữa bệnh miễn phí, vợ chồng tôi còn được cho ăn uống, được các đoàn từ thiện tặng quà, nhờ vậy tôi tiết kiệm được chi phí rất nhiều”- ông Lê Văn Hải (Châu Phú) cho biết.

Tiếng lành đồn xa, ngoài chữa trị cho các bệnh nhân trong tỉnh, Phòng khám nhân đạo xã Cô Tô còn tiếp nhận nhiều trường hợp người bệnh đến từ các tỉnh: Đồng Tháp, Tiền Giang, Kiên Giang...

Ngoài khám và chữa bệnh, Phòng khám nhân đạo xã Cô Tô còn hỗ trợ tiền và hiện vật cho những người nghèo, hộ khó khăn đột xuất, vận động cất nhà Tình thương, nhà Đại đoàn kết, xây dựng cầu, đắp đường… Những việc làm đó mang tinh thần tương thân, tương ái, chung tay vì cộng đồng nên rất đáng biểu dương.

ÁNH NGUYÊN