Chợ lưới, hồn cũ trăm năm

13/02/2018 - 01:52

 - Nép mình bên bờ sông Hậu, trải qua bao thăng trầm, chợ lưới Long Xuyên vẫn giữ được cốt cách trăm năm và niềm kiêu hãnh trong quá khứ.

Khu nhà đùm

Có dịp ngang qua chợ lưới, mới thấy được sự đa dạng hàng hóa. Người ta ví von, chợ lưới y như chợ Sài Gòn thu nhỏ ở vùng đất này. Hàng hóa nơi đây chủ yếu phục vụ cư dân khắp xứ, từ nông thôn tới thành thị, thứ gì cũng có. Gọi chợ lưới do chợ này bày bán đủ loại lưới như: lưới cước, lưới đánh bắt cá, chài, thậm chí có cả lọp, lờ các loại để cung ứng cho ngư dân mưu sinh. Để đáp ứng nhu cầu của thị trường, thương buôn ở đây chuyển sang kinh doanh đủ mặt hàng để bán quanh năm. Ngồi thư thả bên gian hàng, với đủ chủng loại, cụ Văn Mùi Kía (bà Ba Kía, 70 tuổi) kể lại thời kỳ vàng son của chợ này: “Chợ lưới hình thành trên 100 năm. Tui kinh doanh ở đây là đời thứ 3 rồi. Thuở trước, ông nội tui là thương buôn, sống dưới ghe bầu xuôi ngược khắp nơi. Về sau, ông chọn cái chợ này, rồi cắm sào mé sông để buôn bán đường, đậu, gạo, than…”.

Được cha truyền lại nghề này, nếp nhà của bà Ba Kía vẫn giữ như xưa. Quanh năm, bà ngồi đó đợi những chuyến hàng chuyển về để bán lẻ cho khách. Bà Ba Kía kể, hồi còn nhỏ, bà đẩy chiếc xe chất đủ thứ hàng hóa, vật dụng như: lu, khạp da bò, lò đốt than, hũ đường, hũ đậu, chậu đất nung, chậu sành… mang ra chợ lồng hoặc đẩy khắp Long Xuyên để bán. “Hồi trước, nguyên dãy nhà nằm cặp bờ sông giống hệt nhau, cách 3 căn có một con hẻm khoảng 2m để dùng làm lối đi, khiêng, vác hàng tập kết lên xuống. Thương buôn khắp xứ chạy ghe, tàu sang mua hàng về bán cho bà con ở quê”- bà Ba Kía nhớ lại.

Thời vàng son, giao thông đường bộ khó khăn, người ta vận chuyển hàng hóa chủ yếu bằng đường thủy. Hồi ấy, giao thông thủy tấp nập, nét đặc trưng xứ sở miệt sông nước. Do đó, tại bến chợ lưới, có rất đông ghe, xuồng đậu thành từng hàng, một mặt để giao thương mua bán, mặt khác làm bến nước để nương náu theo nhịp tháng ngày.

Nối nghiệp cha ông

Anh Huỳnh Nhị Nguyên (45 tuổi) là một trong những thương buôn khá nổi tiếng ở đây. Anh Nhị Nguyên là đời thứ 4 nối nghiệp cha, ông duy trì buôn bán ở chợ này. Nói về sự thăng trầm của chợ lưới, anh Nhị Nguyên trần tình: “Nghe cha tui kể lại, ông cố sống trên chiếc ghe bầu, rong ruổi buôn bán từ miệt Cà Mau, Sóc Trăng, Bạc Liêu rồi ngược dòng sông Hậu lên Nam Vang, trở về Long Xuyên”. Theo anh Nhị Nguyên, chợ lưới này hình thành cách đây trên 100 năm. Lúc đó, ông cố của anh Nhị Nguyên chuyên bán nước mắm, đường, đậu, dầu chai và đồ dùng cho sản xuất nông nghiệp như: mê bồ, thúng giạ, thúng giê, lưới cước, bạt, dây, bao bố tời… Anh Nhị Nguyên kể: “Thời cha ông mình cơ cực lắm, ba tui chuyên bán các mặt hàng dùng trong gia đình như: đèn dầu, ống khói trứng vịt, đèn măng-xông…Chợ này bán sung nhất chỉ vào ban ngày, trời sụp tối là ngủ, vì không có điện. Nhà ai khấm khá thì xài đèn măng-xông, còn dầu thì hiếm”.

Năm 1978, lũ tràn ngập ruộng đồng và nhà cửa, ở chợ lưới cũng ngập linh binh. Bà con tiểu thương phải thích nghi, buôn bán theo con nước. “Trong lũ dữ,  người dân thôn quê tìm đến tận đây mua lưới về giăng, khai thác cá.  Để né lũ, bà con nghĩ ra cách dùng cây kê hàng lên khỏi mặt nước và giao thương bằng xuồng. Mỗi ngày, bán gần cả trăm tay lưới cá linh, cá mè vinh các loại”- anh Nhị Nguyên cho biết. Tuy nhiên, mặt hàng bán chạy nhất thuở ấy vẫn là đèn dầu. Bởi lẽ, xã hội còn nghèo khó, ban đêm nhà nhà xài đèn trứng vịt. Cả dãy phố, tiểu thương nào cũng bày bán đèn trứng vịt”- anh Nhị Nguyên cười khà.

Ngày nay, trong  xu thế biến động của thị trường, anh Nhị Nguyên và những tiệm bán lưới trên phố bày bán thêm nhiều mặt hàng thiết yếu để tiện lợi cho người mua chọn lựa. Anh Huỳnh Nhất Nguyên (anh ruột của Nhị Nguyên) cho biết, bây giờ, mặt hàng lưới chỉ bán chạy trong mùa lũ. Do đó, số lượng lưới bán cũng chậm hơn so với những năm trước.

Bà Ba Kía kể lại, trước đây, gần cầu Duy Tân hình thành một bến đò dọc đến từ các tỉnh: Đồng Tháp, Cần Thơ, Vĩnh Long, Kiên Giang và các huyện vùng sâu trong tỉnh An Giang. Các thương buôn dùng tàu để chở hàng nhiều và tiện lợi, nhưng mất thời gian cả ngày mới đến được tận nơi. Ngày nay, do phương tiện giao thông thuận lợi, việc vận chuyển hàng hóa nhanh chóng. Hình ảnh những chuyến đò dọc đã đi vào quá khứ. Tuy nhiên, cái chợ lưới vẫn tồn tại bên dòng sông Hậu chào đón những thương buôn xa xứ tìm đến trao đổi hàng hóa. Đó là nét văn hóa đặc trưng ở miền đồng bằng châu thổ, trường tồn mãi theo thời gian.

 

THÀNH CHINH