Mới mấy cơn mưa đầu mùa thôi, trâm đã chín lác đác, khiến dân mê ăn vặt háo hức săn tìm. Huyện Tri Tôn được xem là nơi có nhiều cây trâm mọc tự nhiên và lâu năm nhất.
Ngoài ra, các địa phương lân cận cũng xuất hiện cây trâm khá nhiều. Không khó để nhận ra những thân cây cao, cành chi chít trái. Dọc ven đường, mấy rổ trâm đầy ắp cũng xuất hiện nhiều hơn.
Cây trâm mọc giữa đồng, trên triền đê, gần bờ sông… cành, nhánh dang rộng tỏa bóng mát rượi. Ngay cả khi không vào mùa, những bóng trâm là nơi nghỉ ngơi lúc đi đồng, điểm hẹn của lũ trẻ… cũng góp thêm vẻ đẹp yên bình cho vùng nông thôn.
Chúng có sức sống mạnh mẽ, trước khi kết những chùm trái ngọt vào độ tháng 3 âm lịch, trải qua mùa nắng kéo dài gay gắt, cây vẫn căng tràn nhựa nuôi lá xanh um, đơm hoa dày đặc.
Từ những trái xanh non, trâm chuyển màu chín dần sang hồng, đỏ, tím… trái nào cũng no tròn, bóng bẩy, nhỏ bằng đầu ngón tay.
Trâm được thu hoạch bán như một món đặc sản, đầu mùa có giá 50.000 đồng/kg, chẳng kém cạnh các loại trái cây sang chảnh. Nhờ vậy, mấy tháng trâm chín, người dân thu hoạch loại trái tự nhiên này có thêm thu nhập. Mỗi ngày, ít nhất họ kiếm được vài chục ngàn, hút khách hơn thì “bỏ túi” vài trăm ngàn đồng.
Trái trâm chín căng mọng, tím ngắt, có vị ngọt lịm át hết phần chua chát. Từ trên cao, người hái cẩn thận đựng vào giỏ và chuyển xuống nhẹ nhàng để tránh dập nát. Trân trọng món quà của tự nhiên, người dân còn lựa tỉ mỉ, chỉ đem những trái chín ngon và đẹp giao cho khách.
Nhiều người đợi mùa trâm đâu chỉ để ăn trái. Mỗi năm lặp lại là một lần đánh dấu vòng đời. Thứ quà vặt một thời của nhiều thế hệ, gợi lại ký ức tuổi thơ dữ dội. Thuở đó không có bánh kẹo xa xỉ, nhưng niềm vui, tình bạn trong sáng… quý giá mãi với thời gian.
MỸ HẠNH