Chợ ở Châu Phú xưa và nay

14/12/2021 - 14:26

 - Qua nghiên cứu Lịch sử Đảng bộ huyện Châu Phú 1930 – 2015, tái bản lần thứ I năm 2016, cho chúng ta biết trong những ngày đầu khai hoang, mở đất Châu Phú đầy gian khổ, hiểm nguy. Những lưu dân người Việt từ mọi miền đất nước về đây tạo lập nên những thành quả rất đáng tự hào, để có một huyện Châu Phú sung túc, tươi đẹp như hôm nay.

Với hoàn cảnh khác nhau, họ đến đây cùng một mục đích là mưu cầu cuộc sống, họ đã sống và gắn chặt với thiên nhiên, chiến thắng tất cả nỗi sợ “Con chim kêu cũng sợ, con cá vùng cũng ghê”, họ đã biến tất cả những gì có sẵn trên mảnh đất “Xuống bưng sợ đỉa, lên rừng sợ ma” này trở thành những thứ ngọt lành để phục vụ cho chính nhu cầu trong đời sống thường ngày của họ.

Từ cuộc sống xóm làng vui khổ bên nhau, tạo ra trong mỗi con người những tình cảm thiêng liêng cao quý gắn bó với đời sống vật chất như miếng đất, mảnh vườn, ao cá; gắn bó với đời sống tâm linh mỗi khi tiếng trống đình vang lên trong những ngày khai hội, tiếng chuông chùa ngân nga mỗi lúc chiều tà và một thứ không thể thiếu đã gắn bó với đời sống vật chất và tinh thần của họ, đó chính là chợ: Bởi lẽ, chợ là nơi tụ họp giữa người mua và người bán để trao đổi hàng hoá, thực phẩm hàng ngày (vật chất); chợ là nơi trao đổi kinh nghiệm và thông tin với nhau mỗi khi có sự kiện xảy ra, hình thành văn hoá chợ (tinh thần) và chợ ở Châu Phú đã phát triển cùng với sự phát triển của nền kinh tế xã hội.

Thấy được lợi ích về vật chất và tinh thần của chợ nên Đảng bộ, chính quyền và Nhân dân Châu Phú trong thời qua đã xây dựng thêm nhiều chợ mới, mở rộng nâng cấp thêm diện tích những chợ cũ đã quá tải hoặc di dời chợ cũ về nơi điểm mới với quy mô diện tích rộng lớn hơn, bố trí hiện đại hơn nhằm đáp ứng nhu cầu về vật chất và tinh thần của Nhân dân.

Theo số liệu quản lý của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Phú và qua nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế của tác giả cho thấy hiện tại Châu Phú có 33 chợ, bao gồm 14 chợ kiên cố và 19 chợ tạm, trong đó:

- Có 5 chợ hình thành gần 200 năm là: Chợ Cái Dầu, chợ Mỹ Đức, chợ Ba Tiệm, chợ Đình Bình Mỹ và chợ Bình Thuỷ.

- Có 2 chợ hình thành trên 801 năm là: chợ Vịnh Tre và chợ Cây Dương.

- Có 3 Chợ hình thành trên 702 năm là: chợ Long Châu, chợ kênh 7 và chợ Trường.

Chợ Long Châu xây dựng năm 1966

Chợ Long Châu xây dựng năm 2005

- Có 23 chợ mới xây dựng sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 miền Nam hoàn toàn giải phóng thống nhất đất nước và thực hiện công cuộc đổi mới do Đảng Cộng sản Việt Nam khởi xướng và lãnh đạo từ năm 1986 đến nay.

Với 33 chợ nói trên chỉ có 14 chợ xây dựng nhà lồng chợ kiên cố, 19 chợ còn lại xây dựng nhà lồng tạm và không có nhà lồng. Hầu hết 13 xã, thị trấn ở Châu Phú đều có chợ, cụ thể:

- Xã Mỹ Đức có 3 chợ là: chợ Nam Châu Đốc, chợ Mỹ Đức và chợ Cua Bót.

- Xã Khánh Hoà có 4 chợ là: Chợ Đầu Cồn, chợ Vòng Xoài, chợ Thơm Rơm và chợ Cầu Ngang.

- Xã Mỹ Phú có 2 chợ là: chợ Ba Tiệm và chợ cầu ông Chẳng.

- Xã Vĩnh Thạnh Trung có 6 chợ là: chợ Vịnh Tre, chợ Châu Phú, chợ kênh 7, chợ Mương Khai Lấp, chợ Ba Kê và chợ Cầu Đôi.

- Thị trấn Cái Dầu có 2 chợ là: chợ Cái Dầu và chợ Sao Mai.

- Xã Bình Mỹ có 5 chợ là: chợ Cây Dương, chợ Trường, chợ Đình, chợ Năng Gù và chợ Hào Xương.

- Xã Bình Thuỷ có 2 chợ là: chợ Trung tâm Bình Thuỷ và chợ Bình Thuỷ

- Xã Bình Chánh có 1 chợ là: chợ kênh 7.

- Xã Bình Phú có 2 chợ là: chợ Trung tâm và chợ Ngã Tư

- Xã Thạnh Mỹ Tây có 1 chợ là: chợ Long Châu

- Xã Đào Hữu Cảnh có 2 chợ là: chợ Hưng Thới và chợ 13

- Xã Ô Long Vĩ có 3 chợ là: chợ Trung Tâm, chợ 13 và chợ Long Bình.

Trong phạm vi bài viết này tác giả xin trình bày tiểu sử 2 chợ hình thành trên 100 năm, đó là:

(1) Chợ Cái Dầu: Qua nghiên cứu tìm hiểu, chợ Cái Dầu hình thành đầu tiên ở Châu Phú. Theo Lịch sử Đảng bộ thị trấn Cái Dầu “Đầu thế kỷ XIX, lưu dân từ các nơi đến khu vực ngã ba sông và rạch Phù Dật định cư ngày càng đông, cùng thời gian đó chợ Cái Dầu được hình thành”.

Lúc đầu chợ nhóm họp tại sân đình Bình Long, sau khi đình Bình Long được xây dựng vào năm 1816. Đến năm 1851 ông Nguyễn Văn Xuyến là một trong 12 đệ tử của cụ Đoàn Minh Huyên (Phật thầy Tây An), cùng một nhóm tín đồ về vùng Bình Long (Cái Dầu) khai khẩn đất hoang, lập Châu Long Thới Tự, dân cư đông đúc thêm nên chợ Cái Dầu được di dời ra khỏi sân đình, nhóm họp phía bên trái đình Bình Long. Hoạt động chợ Cái Dầu lúc này chủ yếu trao đổi, mua bán hàng nông sản thực phẩm.

Đến năm 1920, chợ Cái Dầu được sắp xếp lại, nhà lồng chợ được xây dựng bằng gỗ. Lúc này tại chợ Cái Dầu mật độ dân cư quanh khu vực đông đúc thêm, nhiều tiệm bán sĩ, bán lẽ mộc lên san sát. Nhiều hiệu tiệm đến nay vẫn còn tên hiệu như: Huy Chương, Kim Ngọc, Tân Tân, Vân Việt Long, Chệch Hoặc, Hồng Đào, Út Răng, Cẩm Nguyên, Thanh Bình, Thông Lợi … đã góp phần phát triển giao thương hàng hoá. Chợ Cái Dầu được xem như chợ đầu mối khu vực huyện Châu Phú và huyện Phú Tân phía bên kia sông Hậu.

Chợ Cái Dầu xây dựng năm 1972

Chợ Cái Dầu xây dựng năm 2001

Tháng 4 năm 1971 chợ Cái Dầu đã xảy ra hoả hoạn thiêu rụi nhà lồng chợ, phải xây dựng lại vào năm 1972. Đến năm 2000 chợ Cái Dầu quá tải, buộc phải xây dựng mới với quy mô diện tích rộng 5.700m2; qua năm 2001 chợ Cái Dầu dời về vị trí mới như hiện nay, chợ bố trí thương mại kết hợp dân cư. Chợ Cái Dầu cũ xây dựng thành công viên cây xanh.

Thời kháng chiến chống Mỹ cứu nước tại kề bên chợ Cái Dầu xảy ra 1 sự kiện quan trọng, lúc hai giờ chiều ngày 21 tháng 5 năm 1962, lực lượng cách mạng đã hoá trang tập kích đánh lấy súng trong kho vũ khí ở đình Bình Long được trên 20 khẩu súng tiểu liên, 14 Carbine, một khẩu trung liên với 33 băng đạn và một số súng đạn khác.

Vị trí chợ Cái Dầu, theo quốc lộ 91, hướng đi từ Long Xuyên – Châu Đốc qua cầu Phù Dật tới chợ Cái Dầu nằm bên trái, phía Tây.

(2) Chợ Mỹ Đức: Chợ Mỹ Đức hình thành từ khi đình Mỹ Đức được xây dựng vào thời Gia Long năm 1819. Theo dân gian truyền lại, đình Mỹ Đức là nơi làm việc của quan chức hội tề thời phong kiến, nơi cúng lệ (thần) hằng năm, sân đình rộng nên người dân đem sản vật ra bày bán, trao đổi hàng hoá, lâu dần thành cái chợ, có tên gọi là chợ đình Mỹ Đức, do chợ nhóm họp ngày càng sung túc nên phải di dời ra khỏi sân đình chừng 100m tại cây Sao lớn. Năm 1946 thực dân Pháp chiếm đình Mỹ Đức và xây dựng một cái Bót cách đình khoảng 150m cho lính Pháp đóng quân, nơi chợ Mỹ Đức là đoạn đường khúc cua nên chợ Mỹ Đức còn có tên gọi là chợ Cua Bót.

Đến năm 2007 do chợ Mỹ Đức quá tải và chợ mương khai Cần Thảo nằm cạnh quốc lộ 91 ảnh hưởng về trật tự giao thông, nên chính quyền quyết định xây dựng chợ Mỹ Đức mới tại ấp Mỹ Thiện, xã Mỹ Đức với quy mô diện tích rộng 6.000 m2, bố trí thương mại cho tiểu thương và kết hợp bố trí dân cư như hiện nay.

Chợ Mỹ Đức xây dựng năm 2007

Thời kỳ kháng chiến chống Pháp tại chợ Mỹ Đức đã xãy ra 2 sự kiện:

+ Sáng sớm ngày 8/9/1946, đồng chí Lâm Sơn và Phạm Thành Sang chỉ huy 10 du kích xã Mỹ Đức phục kích tại chợ Mỹ Đức đâm chết 6 tên lính Pháp, 4 tên bỏ chạy, các đồng chí đã thu được 9 súng và 2 lựu đạn.

+ Sau đó một thời gian, đồng chí Lưu và Khưu Văn Son giả dân đi cắt cỏ đón xe đò có chở mấy tên lính Pháp, khi xe đến gần chợ Mỹ Đức, 2 đồng chí đâm 1 lính Pháp lấy một súng lục và 2 lưu đạn.

Vị trí chợ Mỹ Đức, theo quốc lộ 91, hướng đi từ Long Xuyên – Châu Đốc qua cầu Cần Thảo, khoảng 300 mét tới chợ Mỹ Đức nằm bên trái, phía Tây.

+ Nhận xét về chợ ở Châu Phú:

* Cấu trúc chợ ở Châu Phú có một điểm chung đó là nhà lồng chợ được xây dựng tại trung tâm chợ, phía trước nhà lồng là sân chợ, phía hai bên và phía sau nhà lồng chợ bố trí dân cư, kết hợp kinh doanh mua, bán (gọi là tiệm); đường giao thông bộ và giao thông thuỷ được kết nối với chợ.

* Về nhóm họp chợ ở Châu Phú chủ yếu tập trung vào buổi sáng, một số chợ nhóm cả ngày và một vài chợ kéo dài đến chiều tối như chợ Cái Dầu, chợ Vịnh Tre.

* Phần lớn dân số Châu Phú sống ở nông thôn và có thu nhập từ sản xuất nông nghiệp, vì vậy chợ là nơi trao đổi, mua bán hàng hóa của đại bộ phận dân cư. Chợ vừa là nơi tiêu thụ các loại sản phẩm của người dân làm ra, chợ cũng là nơi thu gom các loại hàng hoá, vận chuyển đi các nơi khác tiêu thụ. Chợ ở Châu Phú còn cung cấp các mặt hàng thiết bị, vật tư phục vụ cho sản xuất và đã góp phần quan trọng trong việc giao thương hàng hoá, giải quyết việc làm, cũng như trao đổi thông tin, giao lưu văn hóa.

* Hàng hoá buôn bán tại các chợ ở Châu Phú, đa dạng, phong phú. Công tác quản lý vệ sinh môi trường, trật tự, phòng cháy, chữa cháy, an toàn thực phẩm tại các chợ ngày càng đi vào nền nếp. Từ đó, đáp ứng tốt hơn yêu cầu kinh doanh và phục vụ đời sống của Nhân dân.

+ Một số hạn chế của các chợ ở Châu Phú:

- Mặc dù có vài chợ đạt chuẩn văn minh, tuy nhiên chợ ở Châu Phú có một số vấn đề mà chúng ta cần suy ngẫm như: trật tự khu vực chợ, tình trạng mua bán lấn chiếm lòng đường, lề đường, vỉa hè; Hệ thống xử lý nước và rác thảy làm ảnh hưởng đến vệ sinh chung; Nhà lồng một số chợ đã xuống cấp và cách sắp xếp bố trí bên trong nhà lồng chợ chưa phù hợp; Một vài chợ chưa thu hút được người bán, người mua vào chợ; Cảnh quang kiến trúc các khu chợ chưa đem lại nét biểu tượng riêng cho Châu Phú.

- Chợ tạm tự phát nhóm họp ở nhiều nơi vào buổi sáng, các điểm nhóm họp chợ này nằm tại các ngã đường, ven đường, tiện lợi cho người mua, tiện lợi cho người bán, vì hầu hết những người bán là nông dân trực tiếp sản xuất hàng nông sản mang ra chợ bán; người tiểu thương không có gian hàng, trưng bày hàng hoá trên các sạp tạm. Chính vì vậy đã làm ảnh hưởng giao thông, trật tự, vệ sinh an toàn thực phẩm.

- Từ những quan sát thực tế trên, để cho chợ Châu Phú phát triển, ổn định, theo tôi khi xây dựng chợ, chúng ta cần chú ý 7 tiêu chí:

(1) Mật độ dân cư đông.

(2) Kết nối giao thông bộ và giao thông thuỷ.

(3) Hàng hoá đa dạng, phong phú và giá cả.

(4) Văn hoá của người bán hàng.

(5) Tiện ích, có chỗ để xe, đậu ghe, vận chuyển hàng hoá.

(6) Cự ly, khoảng cách giữa các chợ.

(7) Vệ sinh, trật tự, an toàn.

- Cơ quan chức năng cần xây dựng chợ Vinh Tre, chợ Cây Dương thành chợ đầu mối hàng nông sản. Đặt tên chợ vả đổi tên chợ đối với những chợ trùng tên như: chợ kênh 7, chợ kênh 13. Có thể lấy tên ấp đặt cho tên chợ hoặc tên danh nhân, tên đặc thù địa phương.

*Tài liệu nghiên cứu

- Lịch sử Đảng bộ Châu Phú 1930-2015 tái bản lần I-năm 2016.

- Lịch sử Đảng bộ thị trấn Cái Dầu (1979-2010).

- Theo bài Đình thần Bình Long của Lan Thanh (đài truyền thanh Cái Dầu).

- Theo tài liệu ghi chép lịch sử di tích đình làng Mỹ Đức.

- Báo cáo của Phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện Châu Phú.

- CÔNG BÁO/Số 177 + 178/Ngày 08-02-2014 về Nghị định số 02/2003/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2003 của Chính phủ về phát triển và quản lý chợ.

- Tác giả trực tiếp quan sát và phỏng vấn người dân.

[1] Năm 1938 người Pháp dùng xáng gào đào kênh Tri Tôn (Vịnh Tre), năm 1939 người Pháp tiếp tục dùng xáng gào đào kênh Ba Thê (Cây Duong). Chợ Vịnh Tre và chợ Cây Dương hình thành cùng thời điểm.

[2] Năm 1961 địch chặt đầu đồng chí Dương Văn Hầu, Bí thư chi bộ xã Thạnh Mỹ Tây treo tại chợ Long Châu.

ĐOÀN VĂN HIỂN