Phiên chợ “hừng đông”
Hơn 5 giờ sáng, chợ biên giới Khánh An đã náo nhiệt. Dọc con đường ven sông Bình Di, tiếng rao mời của các tiểu thương, tiếng ngả giá của khách hàng làm tăng thêm không khí nhộn nhịp một góc chợ quê ngày mới. Năm nay, lũ nhiều hơn mọi năm nên sản vật cũng phong phú. Từ hơn 1 tháng trước, ngư dân từ Lấp Vò, Hồng Ngự (Đồng Tháp), Hậu Giang, Kiên Giang về đây thả lưới, giăng câu, đặt lọp… Hầu hết các loại tôm, cá, cua, rắn… sau khi đánh bắt được bán ở các chợ nơi đây.
Nhộn nhịp chợ ốc đồng Khánh An
Ở Khánh An còn nổi tiếng là nơi “tập kết” ốc đồng mùa lũ. Đây không chỉ là chợ đầu mối phân phối các loại ốc đồng (ốc bươu, ốc lác, ốc gạo…) cho các chợ, mà việc buôn bán ốc còn giải quyết việc làm cho hàng chục lao động địa phương. Một chủ vựa ốc có tiếng ở Khánh An cho biết: mỗi ngày các vựa ốc ở đây thu mua khoảng 4 - 5 tấn ốc đồng, chủ yếu từ Campuchia qua. Sau đó, sẽ phân loại, vô bao lưới cước vận chuyển tới các chợ trong vùng và đi các tỉnh, TP. Hồ Chí Minh.
Cách đó không xa, chợ biên giới Khánh Bình cũng nhộn nhịp cảnh mua, bán nhiều loại đặc sản mùa nước nổi. Những mẻ cá đồng, cua đồng, rắn… được bạn hàng bày ra ngay trước mắt để khách dễ chọn mua. Năm nay, do sản lượng rắn nhiều nên giá bán tương đối “mềm”: rắn trun, bông súng, rắn nước, rắn râu có giá từ 80.000 - 150.000 đồng/kg; rắn hổ hành, hổ ngựa khoảng 220.000 - 350.000 đồng/kg; rắn ri voi 240.0000 - 400.000 đồng/kg...
Phong phú các loại cá đồng mùa nước nổi
Nói đến chợ rắn phải kể đến Vĩnh Hội Đông. Đây là nơi chế biến sản phẩm khô rắn “trứ danh” của huyện đầu nguồn An Phú. Năm nay rắn nhiều, giá rẻ nên người dân tranh thủ làm thêm món khô rắn để phong phú thêm đặc sản mùa nước nổi. Khô rắn chủ yếu được làm từ rắn nước, rắn bông súng… phải lột hết da, loại bỏ xương, chỉ lấy thịt. Những miếng thịt này sẽ được tách từng sợi thịt nhỏ để ướp gia vị và ép lại thành miếng để phơi khô. “Khoảng 10 - 12kg rắn sống mới làm thành 1kg rắn khô, nên giá bán khá cao. Khô rắn rất được ưa chuộng trên thị trường. Làm ra bao nhiêu cũng tiêu thụ hết”- anh Lợi (ngụ xã Vĩnh Hội Đông) chia sẻ.
Không chỉ có khô rắn, từ lâu ở Vĩnh Hội Đông còn nổi tiếng với đặc sản cua đồng. Cua đồng nơi đây có quanh năm, do ngư dân không chỉ đặt lọp các đồng nước trong tỉnh, mà nhiều người thuê đồng ở Campuchia đặt lọp. Mỗi ngày, ở đây thu mua vài tấn cua, cao điểm vào tháng 9 - 10 (âm lịch). Giá cua đồng hiện khoảng 20.000 đồng/kg, cua càng to giá 35.000 đồng/kg. Từ Vĩnh Hội Đông, cua đồng được vô bao rồi di chuyển ra các chợ trong và ngoài tỉnh.
Mùa làm ăn
Năm nay, lũ lớn nên nhiều sản vật từ thiên nhiên như: cá, tôm, cua, ốc, rắn… về theo con nước. Đây là cơ hội để ngư dân vùng đầu nguồn An Phú, Tân Châu tranh thủ kiếm thêm thu nhập. Anh Cang (xã Vĩnh Hậu, An Phú) khoe: “Gần chục năm nay mới có lũ lớn. Nhà tôi nằm trong khu dân cư nên không bị ảnh hưởng. Tận dụng cánh đồng xả lũ, hàng ngày tôi thả lưới cá chạch, cá linh để có thêm thu nhập. Tôm, cá rất nhiều nên cuộc sống gia đình đỡ vất vả”.
Người dân vùng lũ phấn khởi với những mẻ lưới cá linh. Ảnh: H.HUYNH
Không chỉ có người dân địa phương mà ngư dân từ Đồng Tháp, Kiên Giang, Hậu Giang cũng tìm về vùng đầu nguồn để tranh thủ làm ăn mùa nước nổi. Từ hơn 1 tháng trước, nhiều “ghe tam bản”, xuồng mui đã bắt đầu thả lưới, giăng câu trên các cánh đồng biên giới. Anh Phan Cao Sang (ngụ Hậu Giang) vui vẻ cho biết: “Cha, mẹ đặt tên “Cao Sang” nhưng mình gắn với nghề “hạ bạc” hơn chục năm rồi. Tranh thủ năm nay lũ lớn nên theo anh, em lên biên giới đánh bắt cá, tôm. Cả đoàn đi 5 người trên 5 chiếc xuồng mui. Cá, tôm bắt được mỗi ngày bán cho các chợ biên giới. Tối thì anh em đậu xuồng quây quần với nhau nghỉ ngơi, khoảng 1 tuần mới về nhà. Năm nay tôm, cá nhiều nên thu hoạch cũng khấm khá”.
Mùa này, đồng bông súng ở xã Nhơn Hội, Phú Hội (An Phú) cũng tất bật với nhiều hoạt động sinh kế của người dân. Do đây là vùng ngoài đê bao nên nhiều nơi ngập sâu 2 - 3m nước. Bông súng là loài thích nghi với đồng sâu nên sinh trưởng rất nhanh, nước lên tới đâu là bông lên theo tới đó. Chị Hương (xã Phú Hội) cho biết: “Tranh thủ buổi sáng ra đồng nhổ bông súng để kịp bán buổi chợ sáng. Nhờ nước sâu nên cọng bông súng dài, rất mau đầy búng (khoảng 10 bông). Chỉ buổi sáng cũng kiếm được hơn 100.000 đồng. Nhờ mùa nước nổi mà người dân có thêm thu nhập để trang trải cuộc sống”.
Những sản vật mùa lũ sau khi đánh bắt được cân cho các vựa để phân phối tới các phiên chợ. Cùng với đó là các loại rau đồng, như: bông súng, bông điên điển, ngó sen, lá sen non… cũng góp mặt ở chợ, làm cho đặc sản mùa lũ thêm phong phú. Trong thời buổi công nghiệp, món gì gắn mác chữ “đồng” đều được người tiêu dùng ưa chuộng hơn, nào là: cá đồng, cua đồng, tép đồng, chuột đồng, rau đồng… Hễ có chữ “đồng” dù được bán giá cao gấp đôi, gấp ba cũng được người mua chấp nhận. Bởi vậy, những phiên chợ “quê” nhưng “không quê” chút nào, ngược lại là những phiên chợ rất đáng để tìm về
|
Bài, ảnh: HỮU HUYNH