Ngày 6-8, theo nguồn tin, Viện Kiểm sát Nhân dân (VKSND) vừa hoàn tất cáo trạng trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng, Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, Làm giả con dấu, tài liệu của Cơ quan, tổ chức, xảy ra tại Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Agribank) Chi nhánh Nam Hà Nội.
Bị can Đặng Tiến Dũng thời điểm còn tại vị. Ảnh: Kiến Thức
Cùng với đó, VKSND cũng truy tố các bị can: Đặng Tiến Dũng, cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội; Trần Trung Hiếu, cựu trưởng phòng tín dụng Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, và 4 cựu nhân viên chi nhánh ngân hàng này cùng về tội Vi phạm quy định về hoạt động ngân hàng, hoạt động khác liên quan đến hoạt động ngân hàng.
Các bị can gồm: Nguyễn Tường Anh, Giám đốc Công ty Hiếu Thảo; Nguyễn Tuấn Anh, cựu giám đốc Công ty Getech Việt; Đỗ Hồng Quân, cổ đông Công ty Hiếu Thảo; Bùi Hồng Khanh, Giám đốc Công ty Nam Việt; Quan Văn Việt, Phó giám đốc Công ty Thái Dương; Vũ Việt Long, Giám đốc Công ty Thái Dương; Nguyễn Duy Tuân, Giám đốc Công ty Xuân Thủy; Phạm Thế Huynh, Giám đốc Công ty Bảo Châu; và Hà Thị Thu Trang, kế toán Công ty Thái Dương, bị truy tố về tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Hai bị can Đỗ Minh Thu, Phó giám đốc Công ty Khánh An; Đỗ Toàn Thắng, cựu cán bộ Phòng cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội, bị truy tố về tội Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản.
Nhóm lao động tự do gồm Phạm Minh Hải và Nguyễn Ngọc Duy bị truy tố về tội "Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức".
Theo cáo trạng, Đỗ Minh Thu là người sở hữu doanh nghiệp Công ty Khánh An song cho em trai là bị can Đỗ Toàn Thắng (cán bộ công an) đứng tên Chủ tịch Hội đồng quản trị. Trong giai đoạn 2016 - 2018, Thu chỉ đạo Thắng vay từ ngân hàng 15 khoản, tổng cộng hơn 54 tỉ đồng và 2,1 triệu USD để mua hàng hóa theo các hợp đồng kinh tế. Trong 15 khoản vay, có 3 khoản không tài sản đảm bảo; 11 khoản được đảm bảo bằng 11 mảnh đất và 1 khoản vay 838.000 USD (hơn 19 tỉ đồng) để mua tôn mạ màu từ nước ngoài được đảm bảo bằng chính số hàng này.
Sau đó, Công ty Khánh An mua số tôn mạ màu trên từ một doanh nghiệp ở Hồng Kông bằng tiền vay của ngân hàng và nếu bán, phải được ngân hàng chấp thuận. Tuy nhiên, doanh nghiệp này đã bán số tôn, không thông báo việc này tới ngân hàng biết cũng không dùng tiền thu về để thanh toán khoản vay 838.000 USD. Qua đó, khiến Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội thiệt hại hơn 838.000 USD.
VKSND cáo buộc để xảy ra sai phạm này, bị can Trần Việt Dũng là cán bộ thẩm định khoản vay song không kiểm tra thực tế, không biết công ty Khánh An để lô hàng đó ở đâu trước khi giải ngân. 2 bị can Trần Trung Hiếu, Đặng Tiến Dũng không kiểm soát, kiểm tra, để tài sản đảm bảo bị bán mà không biết.
Tại Công ty Hiếu Thảo do Nguyễn Tường Anh làm Giám đốc, cơ quan tố tụng cáo buộc nhóm bị can liên quan doanh nghiệp này dùng tài sản đảm bảo có tranh chấp hoặc không phải của mình để thế chấp, vay Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội 20 tỉ đồng. Đến nay ngân hàng mới thu hồi hơn 5 tỉ đồng, còn hơn 14 tỉ đồng nợ gốc chưa được thanh toán.
Để xảy ra sai phạm này, Đặng Tiến Dũng, cựu giám đốc Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội, cùng các thuộc cấp đã không thực hiện đầy đủ quy định; đề xuất giải ngân và giải ngân quá hạn mức… dẫn tới ngân hàng vướng nợ xấu.
Tại Công ty Thái Dương, bị can Bùi Hồng Khanh làm Giám đốc đã chỉ đạo cấp dưới ký 6 hợp đồng tín dụng với Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội trong năm 2017 để thanh toán tiền mua hàng hóa. Tổng giá trị các khoản vay của Thái Dương lên tới 72,6 tỉ đồng nhưng không có tài sản đảm bảo. Đến khi ngân hàng có đơn tố giác tội phạm, doanh nghiệp này mới trả hơn 6,7 tỉ đồng, còn dư nợ xấu gần 66 tỉ đồng.
Trong các sai phạm nêu trên, VKSND cáo buộc bị can Đặng Tiến Dũng đã vi phạm trong việc duyệt đề xuất cấp tín dụng không có đảm bảo, gây thiệt hại cho Agribank Chi nhánh Nam Hà Nội hơn 98 tỉ đồng, còn thiệt hại hơn 94,6 tỉ đồng. Trong đó, bị can này đã nộp khắc phục hậu quả của vụ án 500 triệu đồng.
Theo NGUYỄN HƯỞNG (Người lao động)