Chơi bon-sai của chàng trai 9X

11/01/2021 - 07:17

 - Cây cảnh, bon-sai ngày càng được thị trường ưa chuộng, thu hút nhiều người tham gia sưu tầm và sản xuất - kinh doanh. Là thanh niên trẻ vốn có niềm yêu thích đặc biệt với cây cảnh, bon-sai, anh Nguyễn Thanh Lâm (sinh năm 1990, ngụ xã Thoại Giang, Thoại Sơn) đang tất bật chuẩn bị cho vườn cây cảnh, bon-sai của mình “chào” xuân.

Bản thân có niềm đam mê với cây cảnh, bon-sai từ lâu, nhưng thời gian anh Lâm chính thức tham gia sân chơi này hơn 5 năm nay. Ban đầu chỉ một vài cây cảnh, bon-sai nhỏ đặt trước sân nhà để anh ngắm nhìn, chăm sóc, giải khuây sau những giờ lao động mệt mỏi. Rồi như có sức hút mãnh liệt, càng chơi cây cảnh, anh Lâm càng “mê” nên đến nay, vườn cây cảnh, bon-sai của anh sở hữu hơn 100 gốc cây cảnh, bon-sai các loại: nguyệt quế, mai chiếu thủy, mai vàng, cây si, linh sam… Ngoài ra, các loại cây ăn trái như: ổi, sơ-ri, cóc… anh Lâm cũng tạo dáng bon-sai.

Thời gian đầu, chàng trai trẻ gặp không ít khó khăn với việc chọn mua và tạo dáng cho cây bon-sai. Rồi anh Lâm tích cực học hỏi từ những “tiền bối” nhiều năm kinh nghiệm ở các câu lạc bộ, hội sinh vật cảnh ở địa phương, đồng thời mày mò, học hỏi trên qua sách báo, mạng Internet để tích lũy thêm kinh nghiệm cho bản thân. Những buổi trưng bày, triển lãm cây cảnh, bon-sai ở địa phương anh thường có mặt. Trước là để “mãn nhãn” với những cây bon-sai độc, lạ, sau là để học hỏi, trao đổi với những người chơi bon-sai “lão làng”.

Vườn cây cảnh bon-sai của anh Lâm chuẩn bị chào xuân

Anh Lâm chia sẻ: “Bon-sai được chia ra nhiều loại, mỗi chủng loại có cách chăm sóc riêng. Đất trồng bon-sai phải pha cát, đất thịt, tro trấu, sơ dừa, phân và thuốc theo tỷ lệ nhất định, nếu chỉ đơn giản là đất thông thường thì cây không phát triển tốt được. Trồng bon-sai, vô đất, tưới nước, chăm sóc cây là công việc đòi hỏi kinh nghiệm rất nhiều. Những nghệ nhân bon-sai chăm cây như chăm con của mình vậy, chỉ cần nhìn lá, thân là có thể biết cây có bệnh hay không. Thế nên, dù bận rộn đến mấy, tôi cũng dành khoảng thời gian nhất định chăm sóc vườn cây bon-sai của mình”. Khoe với chúng tôi những chậu bon-sai đủ kích cỡ từ nhỏ đến lớn, anh Lâm bộc bạch: “Nếu đây là gốc cây thường thì chỉ có giá vài chục ngàn đồng. Nhưng khi đã nuôi thành cây kiểng, với những thế độc, lạ thì 1 chậu bon-sai nhỏ để bàn sẽ có giá từ vài trăm ngàn đồng đến vài triệu đồng, thậm chí cao hơn nữa tùy vào độ tuổi và thế cây. Thế cây như thế nào tùy thuộc vào tay nghề, kinh nghiệm và sự khéo léo, sáng tạo của người chơi bon-sai".

Với những người rành về nghệ thuật chơi bon-sai thì giá trị của dòng bon-sai không phụ thuộc vào độ lớn nhỏ của cây, mà do đôi bàn tay tài hoa của người thợ, “ấn tượng” là làm sao cho để cây mang dấu tích thời gian tạo ra những thế, những dáng cây độc, lạ. Bởi vậy có người cho rằng, niềm đam mê cây cảnh bon-sai là một chuyện nhưng phải có điều kiện mới có thể sở hữu, sưu tầm cho mình những thế bon-sai độc đáo.

Anh Lâm chăm sóc cây cảnh

Chỉ vào vườn bon-sai của mình, anh Lâm không ngại nói chia sẻ, bản thân đã tốn hơn 200 triệu đồng cho vườn cây. Đỡ tốn kém nhất là tìm mua được những cây nguyên thủy, vẫn còn trồng ở dưới đất. Khi ấy, mình mua về cho vào chậu, nuôi dưỡng dần dần và tạo thế cây. Nhưng giờ tìm những cây như vậy cũng khó và mất thời gian chăm sóc, nuôi lớn. Cho nên, anh mua phôi về nuôi trồng nhiều hơn.

Ngoài năng khiếu thì sự tài hoa của người chơi bon-sai chủ yếu được tích lũy dần từ sự cần cù, tỉ mỉ, từ niềm đam mê, tạo được những dáng cây đẹp. Theo anh Lâm, hiện cây cảnh bon-sai của anh có 3 kích cỡ: mi-ni, trung và đại. Tùy vào kích cỡ mà cây bon-sai có cách chăm sóc khác nhau. Mặc dù thú chơi này tuy có ít nhiều tốn kém, tiêu tốn thời gian nhưng mang lại cho người chơi nhiều điều bổ ích trong việc mở mang trí tuệ, trút bỏ được những ưu tư phiền muộn trong cuộc sống. Trong giới chơi bon-sai mi-ni, dù có nhiều dáng, nhiều thế, nhưng không phải ai cũng thích đại trà. Có người mê mẩn với những chậu bon-sai mang dáng thác đổ, có người trầm lắng trước chậu có phong cách nhân văn, người thì thích bạt phong, gió lùa…

Tết này, những chậu cây cảnh bon-sai của chàng thanh niên trẻ có dịp khoe dáng vô vàn sắc hoa độc, lạ. Năm nào cũng vậy, anh Lâm đều mang những cây bon-sai tâm đắc của mình “trình làng” ở chợ hoa tại địa phương, trước là để trao đổi, học hỏi, giao lưu, sau là hy vọng cây tìm được người tri kỷ để gửi gắm. Kinh phí sau mỗi mùa vụ Tết, anh Lâm tiếp tục đầu tư, “truy lùng” những phôi tốt về nuôi dưỡng, tạo dáng bon-sai cho những mùa Tết tiếp theo. Thế nên người ta mới ví, việc chơi cây cảnh, bon-sai không đơn giản chỉ là việc chăm sóc, mà nó rèn luyện đức tính tỉ mỉ, khiêm nhường, kiên nhẫn cho người chơi là vậy!

“Các bậc tiền bối thường chia sẻ rằng, chơi cây cảnh bon-sai chính là nghệ thuật tu dưỡng tâm hồn, mang nét đẹp hoàn hảo của thiên nhiên. Triết lý của cây cảnh bon-sai chính là sự hài hòa và cân đối, chứ không phải sự nổi bật, lôi cuốn, thu hút như các mẫu cây cảnh khác” - anh Lâm chia sẻ.

PHƯƠNG LAN