Chơi kiểng bon-sai - thú vui tao nhã

03/02/2022 - 06:00

 - Ngày nay, phong trào chơi kiểng bon-sai được xem là thú vui tao nhã của nhiều người. Từ những loài cây hoang dại mộc mạc, các “tín đồ” bon-sai đã tạo nên tác phẩm nghệ thuật tuyệt mỹ, mang lại giá trị kinh tế cao…

Vợ chồng mê “tiểu” bon-sai

Từ một chủ quán hủ tiếu vịt mì cay ở TP. Long Xuyên (tỉnh An Giang), vợ chồng anh Trương Ngọc Trung (43 tuổi, ngụ phường Bình Khánh) đã “trót” mê cái thú chơi kiểng bon-sai. Ngày nào cũng vậy, dù tất bật với việc mưu sinh bên hè phố, nhưng vợ chồng anh Trung đều dành thời gian chăm sóc, nâng niu từng chậu bon-sai xinh tươi, nhỏ nhắn của mình.

Cái duyên đến với thú chơi bon-sai của anh Trung xuất phát từ một lần đi mua cây kiểng về chưng Tết. Thấy người ta sở hữu những chậu kiểng bon-sai “đẹp mê hồn”, anh Trung về nhà “tập tành” làm theo. “Trước đây, tui làm tài xế lái xe, tay chân thô kệch chẳng biết trồng cây kiểng hay uốn kiểng bon-sai như thế nào. Sau này nghỉ làm tài xế, tui về Long Xuyên mở quán hủ tiếu vịt mì cay. Thời gian rảnh, tui qua nhà người bạn học cách trồng, chăm sóc bon-sai, mê luôn từ đó” - anh Trung tâm sự. Từ trước đến nay, các nghệ nhân ngoài tỉnh thường sáng tạo những tác phẩm bon-sai loại trung và loại lớn. Để tạo nên sự khác biệt, vợ chồng anh Trung chuyển sang chơi kiểng bon-sai “siêu bé”. Đối với những tác phẩm bon-sai này thì cách trồng, chăm sóc vô cùng công phu, đòi hỏi tính kiên trì và tỉ mẫn cao.

Những chậu bon-sai chỉ to hơn chiếc bật lửa. Thậm chí, có chậu bon-sai chỉ to bằng ngón tay

Muốn sở hữu được chậu kiểng bon-sai đẹp, anh Trung chọn và ươm cây từ lúc gieo hạt cho đến khi trưởng thành, mất 3 năm ròng. Theo đặc tính sinh trưởng bình thường của một loại cây, từ lúc ươm mầm phát triển đến 2-3 năm, có độ cao khoảng 1m. Tuy nhiên, để có được một thân cây bon-sai “tí hon”, anh Trung phải “ép” cây không cho sinh trưởng theo tự nhiên. “Cây đâm chồi mạnh là phải cắt đọt. Chủ yếu “ép” cho thân cây to ra, hạn chế tối đa phát triển chiều cao” - anh Trung bật mí.

Thường giống cây tạo nên những chậu kiểng bon-sai mi-ni đúng chuẩn, anh Trung chọn loại mai chiếu thủy, sam hương, sam núi. Bởi, những giống cây này dễ trồng, thân dẻo dễ uốn thành tác phẩm theo sở thích của mình. “Tới mùa, tui đi kiếm hạt mang về ươm. Sau đó, dùng dây đồng nhỏ uốn tạo dáng cho từng tác phẩm. Mỗi cây phải nghĩ ra một kiểu dáng riêng biệt, không cây nào giống cây nào”- anh Trung bày tỏ.

Những “cao thủ” bon-sai

Cách đây 3 năm, vào một ngày cuối tuần có dịp dạo ngang qua đường Nguyễn Trường Tộ (phường Bình Khánh), chúng tôi bắt gặp nhiều người “đàm đạo” bên một quán nhỏ có trưng bày vô số cây kiểng bon-sai với hình dáng nhỏ nhắn, độc, lạ. Cầm lên những chậu bon-sai “nhỏ hết cỡ”, họ ngắm nghía, nghiền ngẫm rất kỹ về các chi, cành của thân cây. Nếu ai ưng ý cây kiểng bon-sai nào thì có quyền trao đổi, mua bán ngay tại chỗ, với đa dạng giá cả.

Đến nay, trong hội chơi bon-sai ở TP. Long Xuyên có hơn 200 người tham gia với đủ thành phần, từ những nghệ nhân cho đến các “tín đồ tay ngang” để kết nối những ý tưởng sáng tạo khi chơi kiểng bon-sai. Trong số này, có những “cao thủ” chơi kiểng bon-sai lâu năm sở hữu nhiều tác phẩm nghệ thuật độc, lạ và vô đối, với giá trị hàng trăm triệu đồng, thậm chí hàng tỷ đồng.

Hôm trò chuyện với anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt (một nghệ nhân có tiếng tăm trong giới chơi kiểng bon-sai ở TP. Long Xuyên), chúng tôi mới phát hiện ra nhiều điều thú vị của cái thú nhàn hạ này. “Kiểng bon-sai đa dạng kiểu dáng. Có người thích dáng thác đổ hoặc dáng bay, có người thích kiểu dáng cổ kính nhân văn. Người thì thích dáng phụ tử giao chi, gió lùa, long thăng - long giáng, phượng vũ, tiều phu quải tử, mục đồng, lão tử cưỡi trâu dáng huyền chi lạc địa, quần tụ tam sơn. Cũng có người thích một chậu kiểng bon-sai có nhiều cây, tượng trưng cho một rừng cây tự nhiên...” - anh Việt liệt kê.

Các bậc “tiền bối” ngày xưa có câu nói về thú chơi: “Nhất chữ, nhị tranh, tam sành, tứ kiểng”, tức là chơi thư pháp, tranh, gốm sứ và cây cảnh. Đây được xem là 4 thú chơi nho nhã được lưu truyền trong dân gian. Do đó, mỗi độ xuân về, Tết đến, nghệ nhân ngồi thư thả bên chung trà, rồi chăm chút, tỉa tót, thổi hồn vào từng chậu kiểng bon-sai tuyệt mỹ, vừa thỏa niềm đam mê thuần khiết, vừa làm đẹp cho đời.

An Giang hiện có hơn 300 người chơi kiểng bon-sai các loại, trong đó, TP. Long Xuyên có tới 200 người đam mê loại hình mang tính nghệ thuật này. Nhiều nghệ nhân đã tạo nên những tác phẩm tuyệt mỹ để dự thi khắp cả nước, có nhiều người đạt giải cao. Riêng anh Nguyễn Hoàng Quốc Việt đã “săn” được khoảng 60 giải các loại trong các lần dự thi cây kiểng bon-sai trên toàn quốc. Ngoài ra, anh còn hướng dẫn kỹ thuật chăm sóc kiểng bon-sai cho ai mới tập tành vào thú chơi tao nhã này.

THÀNH CHINH